Vụ cháy 56 người tử vong: Trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan ra sao?
(Dân trí) - Trách nhiệm pháp lý mà chủ chung cư mini phải đối diện ra sao? Với hành vi xây vượt tầng theo giấy phép xây dựng, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như thế nào?...
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, ngày 13/9 vừa qua đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Có thể nói, đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng sau 20 năm kể từ vụ cháy tòa nhà ITC tại TPHCM khiến 60 người tử vong.
Vụ việc thương tâm này khiến nhiều người thắc mắc, lo lắng về công tác phòng cháy chữa cháy và cấp giấy phép xây dựng cho chung cư mini (CCMN) hay các khu trọ cho thuê tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Đến tối ngày 13/09, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, hiện đang là chủ CCMN nơi xảy ra vụ cháy) về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 313 Bộ Luật Hình Sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trách nhiệm pháp lý mà chủ chung cư mini phải đối diện như thế nào?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nghiêm Quang Minh thể hiện sự nhanh chóng, cấp thiết để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành ngay các hoạt động điều tra làm rõ các dấu hiệu của tội phạm.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xác định những vi phạm của chủ tòa nhà về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và thiệt hại do hành vi này gây ra để áp dụng khung hình phạt tương ứng theo các điểm, khoản tại Điều 313 BLHS hiện hành.
Cụ thể, người phạm tội này có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội trong vụ án này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân theo quy định tại Điều 584. 589, 590 và 591 Bộ luật dân sự 2015.
Cụ thể, đối với người bị thiệt hại về sức khỏe, người phạm tội có trách nhiệm chi trả các chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích.
Đối với những nạn nhân tử vong, chủ CCMN phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân, người phạm tội trong vụ án có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản với những người bị hại.
Quy định về trách nhiệm nghiệm thu đối với chung cư mini về phòng cháy chữa cháy
Theo quy định hiện nay, chung cư, CCMN hay các phòng trọ đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về PCCC, phải được phê duyệt về điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình vận hành tòa nhà cũng cần phải đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Theo quy định tại mục 2 của Phụ lục II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên thì phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Nếu chung cư này chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà vẫn đưa vào sử dụng, để xảy ra hỏa hoạn thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Nếu biết chung cư chưa có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu về PCCC mà các cơ quan Nhà nước biết nhưng vẫn không kiểm tra xử lý thì có trách nhiệm liên đới của các cơ quan quản lý.
Đối với hành vi xây vượt tầng theo giấy phép xây dựng, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như thế nào?
Theo thông tin ban đầu, trong Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD do UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cấp cho ông Nghiêm Quang Minh ngày 11/3/2015, công trình tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình chỉ được cấp phép 6 tầng, cùng tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật.
Giấy phép này cũng nêu rõ tên công trình là nhà ở riêng lẻ. Diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4m2; mật độ xây dựng là 70% và tổng diện tích sàn xây dựng là 1.165.9m2; tổng chiều cao công trình là 20,2m2 (không tính tum thang).
Theo quy định tại Luật Xây dựng hiện nay, nhà ở liền kề trong khu dân cư trong mọi trường hợp đều không được xây quá 6 tầng.
Việc CCMN xảy ra vụ cháy tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ có chiều cao lên tới 9 tầng, 1 tum đặt ra nghi vấn chủ nhà xây vượt tới 3 tầng so với giấy phép được cấp năm 2015.
Nếu đúng như thông tin trên, không chỉ chủ CCMN có trách nhiệm đối với việc xây vượt tầng mà các các nhân, tổ chức liên quan cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.
Luật sư Trần Xuân Tiền đưa ra một số giả định: để xảy ra sự cố trên, liệu có phải là do cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm?
UBND quận Thanh Xuân là cơ quan cấp phép xây dựng, có trách nhiệm đến đâu khi cấp phép CCMN ở ngách 29/70, phố Khương Hạ đưa vào sử dụng trong suốt thời gian nhiều năm - trong khi vi phạm quy định về xây vượt tầng, tập trung quá nhiều người trong ngõ hẹp, chưa đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, từ đó gây ra vụ hỏa hoạn? Và đã có biên bản hay quyết định xử phạt nào đối với chủ CCMN này về hành vi xây vượt tầng hay chưa?
Bên cạnh đó, cần làm rõ vấn đề công trình đưa vào khai thác sử dụng, công an phòng cháy, chữa cháy, công an khu vực, cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đã được báo cáo, ngăn chặn việc sử dụng không?
Từ những giả định trên, nếu có căn cứ xác minh các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đối với việc cấp phép, không thực hiện việc định kỳ thanh kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy của tòa chung cư - những người này cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.