Quảng Trị: Ô nhiễm nghiêm trọng ở làng nghề sản xuất bún

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân làng Linh Chiểu, Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, phải sống chung với mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất bún. Nước thải từ các điểm sản xuất này do không được xử lý triệt để cứ chảy thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sống chung với ô nhiễm...

Đến làng nghề làm bún Triệu Sơn vào những ngày nắng nóng, không khó để cảm nhận mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các cơ sở này, theo không khí lan vào khu dân cư. Cùng với đó, từng dòng nước thải trắng đục, sủi bọt từ các điểm làm bún, do không được xử lý triệt để cứ chảy ra bên ngoài tạo nên một thứ mùi hôi hỗn độn. Theo quan sát, khi chảy ra các dòng kênh, nước thải kết tủa thành một màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Dòng nước thải ra môi trường bị kết tủa thành một màu đen đặc quánh

Dòng nước thải ra môi trường bị kết tủa thành một màu đen đặc quánh

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” một dòng kênh đen ngòm do ô nhiễm từ nước thải của các điểm làm bún, chị Nguyễn Thị Hoa – người dân làng Linh Chiểu, bức xúc: “Họ làm bún bán có tiền, còn người dân chúng tôi thì phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Người khỏe mạnh còn chịu được chứ người già và trẻ nhỏ thì ngửi mùi hôi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Người dân bức xúc vì mỗi ngày phải chịu đựng mùi hôi thối từ những điểm làm bún
Người dân bức xúc vì mỗi ngày phải chịu đựng mùi hôi thối từ những điểm làm bún

Theo những người dân địa phương, các cơ sở sản xuất bún hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, ở mọi thời điểm nên lúc nào người dân cũng phải chịu đựng thứ mùi hôi kinh khủng của nước thải. 

Anh Nguyễn Ngọc Phong, cho biết: “Thực trạng ô nhiễm như thế này đã tồn tại hàng chục năm qua. Vào những lúc trời nắng to, kèm theo gió nam là người dân địa phương phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc không thể chịu nổi”.

Do không được xử lý triệt để nên nước thải từ những điểm sản xuất này cứ chảy ra môi trường
Do không được xử lý triệt để nên nước thải từ những điểm sản xuất này cứ chảy ra môi trường

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Phong tiếp tục cùng chúng tôi đến một con mương chảy qua giữa khu dân cư. Thật kinh khủng, do quá trình tích tụ lâu ngày nên nguồn nước tại đây đặc quánh một màu đen, bốc mùi hôi. Theo tìm hiểu thì quá trình sản xuất bún từ việc vo gạo, ngâm, nghiền, ủ bột…đến bún thành phẩm đều phát sinh nhiều nước thải, với nguy cơ ô nhiễm rất cao.

Mỗi khi các điểm làm bún hoạt động, những dòng nước trắng đục hòa theo các con mương 
Mỗi khi các điểm làm bún hoạt động, những dòng nước trắng đục hòa theo các con mương 

Được biết, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến các cơ quan chức trách, song vấn đề ô nhiễm vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân.

Bế tắc trong khâu xử lý

Theo thống kê của UBND xã Triệu Sơn, tại 2 làng Linh Chiểu, Thượng Trạch hiện có khoảng gần 160 hộ dân làm bún. Trong khi đó, 2 làng có khoảng gần 700 hộ dân cư đang sinh sống.

Trong chừng mực nào đó, việc phát triển làng nghề làm bún tại xã này đã tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nảy sinh từ nước thải của các cơ sở làm bún thì dường như chưa được quan tâm xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết: Trước đây, việc làm bún còn mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ thì mức độ ô nhiễm ít hơn. Nhưng hiện nay, do nhiều hộ đã đầu tư các loại máy móc để nâng cao sản lượng bún thành phẩm nên phát sinh một lượng nước thải khá lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện toàn xã có khoảng 25 hệ thống máy chế biến bún, với công suất 6 tạ/ngày.

Tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa được xử lý
Tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa được xử lý

“Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nhà nước và các dự án, một số hộ dân cũng đã tự bỏ vốn đầu tư xây dựng bể lắng, hệ thống xử lý nước thải, nhưng còn rất ít nên chưa triệt để. Chính vì vậy, mỗi ngày vẫn có một lượng nước thải rất lớn chảy ra môi trường. Địa phương cũng đã phản ánh vấn đề này lên cấp trên nhưng chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung” - ông Vọng nói.

Theo ông Vọng, trước đây tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định phê duyệt đầu tư “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn”, với nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng. Theo quy hoạch, khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 24 hộ sản xuất được chuyển đến đây. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dự án này bị ngưng lại và không được đưa vào danh mục đầu tư. Trong quá trình chờ đợi, năm 2014, huyện Triệu Phong đã đầu tư 900 triệu đồng để làm mặt bằng và hệ thống đường. Nhưng do không có vốn để làm tiếp nên khu quy hoạch này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Do không có vốn nên điểm quy hoạch làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng mặt bằng
Do không có vốn nên điểm quy hoạch làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng mặt bằng

Bà Nguyễn Triều Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, phụ trách mảng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường này sinh từ quá trình sản xuất bún tại 2 làng nghề Linh Chiểu và Thượng Trạch (xã Triệu Sơn) như phản ánh là đúng thực tế.

Theo UBND huyện Triệu Phong: Qua nhiều đợt kiểm tra, lực lượng chức năng tại địa phương phát hiện việc ô nhiễm tại những điểm này là phổ biến. Địa phương đã có những giải pháp thiết thực, xây dựng phương án xử lý nước thải ra môi trường như bể lắng, hầm bi-o-ga nhằm hạn chế việc lây lan trong nguồn nước, môi trường và không khí. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng trên.

Về phương án xử lý, dù đã được tỉnh phê duyệt xây dựng “Điểm công nghiệp – làng nghề sản xuất bún xã Triệu Sơn”, với tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện mới chỉ hoàn thành việc san nền, xây dựng đường giao thông. Năm 2015, do công trình không được bố trí tiếp nguồn vốn nên chưa thể hoàn thành dự án theo kế hoạch. Khi được đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân về đây để tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường.

Đăng Đức