Quảng Nam: Huyện có “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng?
(Dân trí) - Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Tây Giang bức xúc cho rằng, dòng sông A Vương bị “nhuộm đỏ” do một số đơn vị khai thác vàng sa khoáng trái phép. Người dân cũng cho rằng, doanh nghiệp được huyện “bật đèn xanh” để khai thác vàng sa khoáng tại dự án xây dựng trung tâm hành chính xã Atiêng…
Ngày 17/3, PV Dân trí đã có mặt tại dự án xây dựng Trung tâm hành chính xã Atiêng để tìm hiểu. Trên công trường, xe múc, xe đào và xe tải chở đất vẫn tiếp tục thực hiện dự án. Hỏi các công nhân ở đây thông tin người dân phản ảnh có làm vàng sa khoáng tận thu ở dự án này không thì được trả lời không có.
Khi chúng tôi đang tìm hiểu thì một người đàn ông chạy xe máy đến giới thiệu tên là Hồ Minh Vỹ - Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Tây Hồ Minh. Ông Minh cho biết, đơn vị nhận thầu công trình này.
Ông Vỹ cho biết, công trình chỉnh dòng A Vương và xây dựng Trung tâm hành chính xã Atiêng được huyện Tây Giang phê duyệt với diện tích 18ha tại đồi Z’lung và Ađhí thuộc thôn Ahu và Tàvàng, xã Atiêng. Dự án chỉnh dòng A Vương và xây dựng hội trường xã Atiêng do Công ty Tây Hồ Minh thi công từ cuối năm 2015, dự kiến đến tháng 5 này sẽ hoàn thành. Cả 2 dự án có tổng vốn 9 tỉ đồng từ “Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới”.
Theo thông tin người dân phản ảnh thì khu vực đang thi công có “tận thu” vàng sa khoáng, có dàn máy tuyển lọc đang tiến hành khai thác tại dự án chỉnh dòng A Vương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến hiện trường thì không thấy dàn máy tuyển lọc này.
Theo giải trình của ông Vỹ với chúng tôi, trước đây đúng là có dàn máy tuyển lọc ở khu vực dự án nhưng chỉ là tuyển lọc đất, cát để phục vụ cho dự án chứ không phải là tuyển lọc vàng sa khoáng. “Người dân thấy dàn máy lọc cứ tưởng là chúng tôi đang tuyển quặng vàng nhưng thực tế không có”, ông Vỹ khẳng định.
Để thông tin về việc người dân phản ảnh huyện “bật đèn xanh” cho Công ty Tây Hồ Minh khai thác vàng san khoáng trái phép tại dự án, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo huyện Tây Giang. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư huyện Tây Giang cho biết, sau khi có thông tin về vụ việc, huyện ủy đã có báo cáo gởi UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan.
Ông Bh’riu Liếc cho biết, ông đã đi kiểm tra thực địa, gặp gỡ người có liên quan và nghe các ngành chức năng báo cáo cụ thể nội dung. Theo đó, tại đồi Z’lung và Ađhí thuộc thôn Ahu và Tàvàng (xã Atiêng) có đoạn sông A Vương chảy vòng quanh hai quả đồi bát úp dài hơn 1.000m, quy hoạch cho chỉnh trị đoạn này cắt qua eo thẳng dòng chảy chỉ hơn 140m, ngắn hơn dòng chảy cũ gấp 7,4 lần. Khi dự án hoàn thành sẽ cho địa phương một diện tích mặt bằng khá rộng gần 18ha, đảm bảo phục vụ phát triển thị trấn Tây Giang trong tương lai gần, đáp ứng phục vụ các công trình công cộng như quy hoạch đã duyệt.
Ông Đoàn Thanh Thuận – Phó Bí thư huyện Tây Giang trao đổi với PV
Tại đây sẽ bố trí được 181 hộ dân của thôn Tàvàng, Ahu và một số hộ gia đình từ nơi khác đến; lấy được mặt bằng cũ của hai thôn đang ở hiện nay để làm ruộng nước cho người dân với diện tích 10,1 ha phục vụ dân có đất sản xuất ở ổn định, lâu dài.
Trên cơ sở đó, tháng 5/2015, UBND huyện đã có quyết định “phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, chỉnh trị dòng sông để thi công công trình Trung tâm hành chính xã Atiêng” và quyết định “phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp công trình hội trường - nhà văn hóa xã Atiêng” tại đồi Z’lung đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Bí thư huyện Tây Giang cũng cho rằng, dự án không làm ngập hoa màu của người dân vì đã được đền bù. Huyện, xã chưa nhận đơn khiếu nại của hộ gia đình nào về tiền đền bù trong dự án này.
Ông Bh’riu Liếc cho hay, Ban Thường vụ huyện Tây Giang tổ chức họp hai lần để nghe xã Atiêng và các ngành chức năng giải trình cụ thể. Huyện không cho bất cứ đơn vị nào khai thác vàng trái phép hay “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp làm.
“Qua đi thực tế và đo đạc tại hiện trường, tại đồi Z’lung về phía Đông có một vệt đá, sỏi, đất trăng trắng lẫn lộn với nhau, nằm ở độ sâu 3-4 mét từ mặt đất tự nhiên xuống. Nếu không ủi mặt bằng thì không ai phát hiện ra vỉa này vì nằm ở độ sâu đó; chính vỉa này người ta nói có vàng sa khoáng lẫn trong đó. Vệt vỉa này có chiều dài 80 mét, rộng 0,5m, độ dày vỉa khoảng 0,6m; tổng cộng 24m3. Đây là thực tế diện tích có khả năng có vàng sa khoáng lẫn trong đó. Với diện tích và khối lượng vỉa như trên, doanh nghiệp thấy bỏ đi lấp xuống thì lãng phí, báo cho nhà nước để xin giấy phép thì không đáng nên đành liều đãi đất tìm vàng trong công trình là có thực, huyện chịu trách nhiệm do quản lý chưa tốt”, biên bản giải trình của huyện Tây Giang nêu rõ.
Công Bính