Phương pháp dạy học phải phù hợp với đối tượng

(Dân trí) - Việc tiếp nhận phương pháp dạy học hay của nước ngoài như thảo luận nhóm là điều tốt, đúng với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, phương pháp hay là một chuyện, còn việc áp dụng sao cho có hiệu quả lại là chuyện khác.

Bạn đọc Hồ Hoàng Khải:

Bản thân các phương pháp thảo luận có tác dụng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Có điều để vận dụng được nó và phát huy hiệu quả như các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì tình hình cụ thể giáo dục nước ta còn phải cân nhắc tùy theo điều kiện cụ thể.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Để có được nền giáo dục tiên tiến như ngày nay, các nước Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan…đã có cả trăm năm đặt nền tảng. Nội dung chương trình của họ đã được tối ưu hóa; những thành tựu công nghệ thông tin được cập nhật; đặc biệt đối tượng học của các nước đó có tính tự lập rất cao cũng như năng lực giao tiếp đã được rèn luyện rất vũng chắc. Còn học trò nước ta thì sao? Trừ những học sinh trường chuyên lớp chọn ra, số lớn học sinh còn lại đang là thách thức gay cấn.

 

Chúng ta không thể hoang tưởng nghĩ rằng phương pháp hay thì ắt sẽ đem lại kết quả như mình muốn. Cũng không nên thoát ly khỏi hoàn cảnh mà tự đặt câu hỏi: tại sao mấy nước kia làm được mà mình không làm được.

 

Có một sự thật chúng ta không được lãng quên là học sinh, kể cả sinh viên nước ta không có ý thức tự học và làm việc theo nhóm cao như học sinh, sinh viên các nước Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan…Do đó, chúng ta không nên đem phương pháp này vào áp dụng tùy tiện bất chấp những điều kiện cụ thể, nhất là đối tượng học sinh và hi vọng nó đem lại kết quả như các nước đó đã đi trước.

 

Nào là phát huy kĩ năng giao tiếp, nào là tự chiếm lĩnh sẽ nhớ bài sâu hơn, nào là tích cực, sáng tạo trong tư duy…Trước hết hãy trả lời xem làm sao người thầy lôi kéo những em HS cá biệt, những em không muốn học, “ngồi nhầm lớp”, hoặc bị cha mẹ ép học tham gia thảo luận nhóm liệu có đem lại cho các em nhiệt tâm học tập và tính chủ động trong tư duy?

 

Đáng tiếc là còn không ít người đánh giá thiếu khách quan về lối dạy truyền thống, rồi tạo ra cả một phong trào bài trừ lối dạy truyền thống, lập đàn sùng bái phương pháp mới. Vậy nghĩa là cha ông, các bậc tiền bối xưa nay từng làm việc và trưởng thành trong nền giáo dục đó là phế thải hết chăng?

 

       Có người không đọc kĩ bài “Lỗ hổng trong phương pháp dạy học”đã lớn tiếng phê phán điểm này điểm kia. Cách lập luận của tôi là đặt trong cục diện: phương pháp chưa thích hợp với người học chứ không hề phủ nhận phương pháp thảo luận nhóm. Ngay ở phần đặt vấn đề tôi đã khẳng định rất rõ luận điểm đó: “Việc lựa chọn phương pháp dựa vào tiêu chí phù hợp với nội dung là nguyên tắc hợp lý nhưng chưa đủ. Hay nói đúng, điều này chỉ mới dựa trên cơ sở lý thuyết. Người dạy còn phải xét đến tiêu chí thứ hai đó là đối tượng học trực tiếp. Đây mới là thực tế mà khi đối đầu với nó hệ thống các phương pháp dù hay đến mức nào cũng phải thừa nhận rằng nó không phải là chìa khóa vạn năng”. Và bởi vì người ta quá sùng bái nó một cách mù quáng nên tôi mới lật lại vấn đề.

Phương pháp vẫn chỉ mãi là phương pháp hoặc sẽ chẳng là gì nếu không phù hợp với người học. Bởi vì nhiều người không chịu thừa nhận sự thật này mà lại đổ hết lỗi cho người thầy. Rằng giáo viên chúng tôi không biết vận dụng chăng?

 

Phương pháp thảo luận nhóm chỉ thực sự phát huy tác dụng tích cực đối với những người thực sự ý thức được sự cần thiết với nó và tìm đến nhau cùng hợp tác. Còn đầu óc của học sinh đang tuổi ham chơi, nhất là những em cá biệt, áp đặt các em vào một nhóm làm việc nào đó thì lấy gì chắc rằng các em sẽ làm việc hết mình để hưởng lấy phần lợi ích sau đó. Sao lại không được quyền cho rằng phương pháp này đáng ngờ? Trong khi lắm người khẳng định chắc ăn như bắp rằng tiết dạy mà không có phương pháp thảo luận nhóm thì dù thế nào cũng không được đánh giá tốt. Có chắc vậy không?

 

Mà ngay cả người lớn chúng ta, nói làm việc nhóm nghĩa là chúng ta tự tìm đối tác thích hợp chứ đâu phải đợi ai phân cho vào nhóm này kêu làm đề tài nọ. Hoặc nếu trong tình huống bắt buộc của cơ quan, tổ chức, với người lớn có thể ý thức được cần phải tiết chế bản thân mà làm việc trong nhóm theo sự áp đặt. Nhưng học sinh thì không. Nhiều khi chỉ vì không thích một bạn nào trong nhóm các em có thể không thèm hợp tác. Hãy nên nhớ rằng chúng ta còn phải nghĩ đến tâm lý lứa tuổi HS cấp 2,3 nữa.

 

Chúng ta cứ đem tư duy của người lớn ý thức được giá trị của việc làm việc nhóm áp đặt cho HS mà quên rằng HS không phải lúc nào cũng suy nghĩ như chúng ta. Bao giờ giáo dục nước ta giải quyết được vấn đề này một cách toàn diện, tập cho HS nước ta một thói quen tự lập và ý thức cao của việc học theo nhóm như các nước phương Tây thì hãy mong dùng đến phương pháp này. Nhưng đó là cả một vấn đề về căn tính dân tộc. Bởi ai cũng biết khí chất, xu hướng chung của thanh niên Á Đông, mà nhất là những nước đang phát triển thì rất thụ động trong giao tiếp. Tuy không phải là tất cả, nhưng mặt bằng chung cho số đông là vậy.

 

Dù cho người thấy có dùng biện pháp áp đặt các em thảo luận nhóm, thì các em cũng chỉ làm việc đối phó bề ngoài, còn trong tư duy là một khoảng trống chúng ta không tài nào kiểm soát và có gì làm chắc là các em sẽ tích cực chủ động thực sự. Đó là lý do tôi hoài nghi phương pháp thảo luận nhóm trong tình hình thực tiễn nước ta. Xin khẳng định lại  một lần nữa: Tôi không hề phủ nhận cái hay mà phương pháp thảo luận nhóm đem lại. Thậm chí tôi còn có hẳn một bài trên Báo Khoa học phổ thông xây dựng cách vận dụng phương pháp dạy học hợp tác cho phát huy tác dụng. Nếu quan tâm, mong các bạn tìm đọc để hiểu thêm ý người viết. (Dạy học hợp tác – Báo KHPT số 3/11 (1429)  21/1/2011).

                                                                 

Bạn đọc Bui Trong Thang:

Đọc bài “Lỗ hổng trong đổi mới phương pháp dạy học” trên Diễn đàn Dân trí tôi thấy lâu lắm mới có một ý kiến phản biện hay như vậy. Trước đây các bài viết chỉ nhằm chê bai phương pháp cũ, cố gắng vạch ra ưu điểm của phương pháp mới. Những người đưa ra những phương pháp mới này tôi nghĩ chưa từng dạy ở những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, những trường bán công, giáo dục thường xuyên mà chỉ dạy ở các trường có chất lượng đầu vào rất tốt. Là một giáo viên đang dạy ở trường bán công, chất lượng đầu vào học sinh thấp, đa số các em đến lớp có khả năng tiếp thu rất kém. Một bộ phận đến trường vì bố mẹ bắt đi, đến trường chỉ ngồi cho vui, nếu bắt được các em ghi bài đầy đủ cũng là quá tốt rồi.

 

       Với những học sinh như thế mà áp dụng nhưng phương pháp mới thì không ổn. Ví dụ như áp dụng phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp khăn trải bàn....thì chỉ tạo điều kiện cho các em ngồi nói chuyện và làm việc riêng thôi. Không những học sinh trường bán công, tư thục mà  ngay cả học sinh trường công lập mà áp dụng phương pháp này thì cũng vậy thôi bởi tâm lí của các em còn ham chơi, được tự do như vậy thì tất nhiên khó tránh khỏi làm việc riêng, nói chuyện riêng. Mặc dù là trường bán công nhưng trình độ học sinh ở trường tôi so với các trường khu vực phía nam, khu vực miền núi còn hơn nhiều, vậy mà tôi còn cảm thấy khó huống hồ là học sinh ở các nơi đó. 

 

         Việc áp dụng phương pháp mới là tốt nhưng cần phải xem nó phù hợp với đối tượng học sinh nào, tiết dạy nào, bài học nào. Có những bài mà nếu cứ áp dụng phương pháp mới thì các em sẽ chăng tiếp thu được gì. Phương pháp đọc chép cũng nhiều cái hay. Khi các em chép bài sẽ không có điều kiện nói chuyện, các em sẽ ghi được những kiến thức chủ yếu nhất mà giáo viên đọc cho để có cái mà học khi về nhà. 

 

           Với phương pháp mới gần như học sinh chỉ lên lớp để nghe, mở vở các em ra chắc chỉ có vài cái đề mục, vậy thì nó lại phản tác dụng, các em càng dốt hơn bởi đâu phải em nào cũng nhìn sách giáo khoa mà hiểu được, nếu hiểu thì cần gì đến trường. Viết vài cuốn sách hướng dẫn cho các em học ở nhà là xong, đỡ phải sản xuất vở cho bớt ô nhiếm môi trường.

 

      Vì vậy, khi áp dụng phương pháp mới không nên áp đặt, không nên cảm thấy nó hay mà bắt áp dụng đồng loạt. Không nên chỉ áp dụng thử ở vài trường trọng điểm mà cho rằng nó hay  mà cần làm thử ở nhiều loại trường (có khá có kém) rồi lấy ý kiến từ chính những người đứng trên bục giảng thì mới chính xác. Theo tôi suy nghĩ nên áp dụng các phương pháp khác nhau cho mỗi tiết học, bài học , đối tượng học sinh khác nhau thì mới đem lại hiệu quả thiết thực.

 

LTS Dân trí - Tựu trung những ý kiến tham gia cuộc thảo luận về chủ đề đổi mới phương pháp dạy học trên Diễn đàn Dân trí đều đánh giá thống nhất  về những ưu điểm của các phương pháp dạy học mới là phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học và tự học. Sự khác nhau chỉ ở chỗ cân nhắc nên áp dụng phương pháp mới phù hợp với đối tượng học sinh, không nên áp dụng đồng loạt phương pháp mới một cách hình thức cho mọi đối tượng và bất chấp những điều kiện thực tế, nhất là nội dung chương trình chưa được tinh giản hợp lý cũng như cách kiểm tra, thi cử chưa đổi mới đồng bộ theo yêu cầu của đổi mới phương pháp.

Hy vọng rằng những ý kiến đóng góp này giúp ích thiết thực cho các cấp quản lý giáo dục có biện pháp chỉ đạo thích hợp đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học của nhà trường chúng ta.