Phú Yên: Người dân mong chính quyền vào cuộc...để cứu bò lở mồm long móng!

(Dân trí) - Từ trước tết Nguyên Đán đến nay, dịch lở mồm long móng trên bò ở một số địa phương tỉnh Phú Yên bùng phát mạnh. Người dân mất ăn, mất ngủ vì số tài sản lớn nhất của gia đình tích góp bao nhiêu năm, nay bay mất. Tính đến nay đã có 313 bò mắc bệnh trong đó 14 con đã chết.

Người dân mong chính quyền cần vào cuộc mạnh hơn để cứu bò lở mồm long móng

Dịch bệnh lở mồm long móng bắt đầu bùng phát tại 2 thôn Phong Niên và Phú Lộc xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, đến thời điểm này đã có 313 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 14 con chết. Chủng vi rút gây bệnh thuộc Type O và A. Đây là những type vi rút lưu hành phổ biến gây dịch bệnh lở mồm long móng ở Phú Yên trong các năm trước.

Hầu hết các hộ dân ở thôn Phong Niên và Phú Lộc xã Hòa Thắng đều có bò bị bệnh
Hầu hết các hộ dân ở thôn Phong Niên và Phú Lộc xã Hòa Thắng đều có bò bị bệnh

Tuy nhiên, bệnh năm nay diễn biến phức tạp và gây chết gia súc rất nhanh nên người dân ở những địa phương này hết sức lo lắng.

Ở tuổi 84, nhưng hai vợ chồng ông Trương Hiền, thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa vẫn cố gắng nuôi hai con bò để dưỡng già, nhưng nay bò đổ bệnh, hết sức lo lắng ông Hiền nói: 2 con bò tôi phát bệnh rất nhanh, sáng tôi thăm vẫn còn khỏe mạnh, chiều đổ bệnh là ăn không được, miệng lở, trào nước dãi ra… Hiện tại gia đình tôi tự chữa trị hết 400 nghìn đồng tiền thuốc nhưng nay vẫn chưa khỏi... giờ tôi mong chính quyền vào cuộc để khoanh vùng, dập dịch cứu bò giúp dân.

Ở tuổi 84, hộ ông Trương Hiền vẫn cố gắng nuôi 2 con bò, và chúng đều phát bệnh, đây là số tài sản để 2 vợ chồng ông dưỡng già
Ở tuổi 84, hộ ông Trương Hiền vẫn cố gắng nuôi 2 con bò, và chúng đều phát bệnh, đây là số tài sản để 2 vợ chồng ông dưỡng già

“Tôi già vậy không làm lụng gì nên mua con bò về cắt cỏ chăm bón nó. Thứ nhất là để giữ vốn chứ để tiền vậy ăn cũng hết; hai là vỗ béo kiếm đồng lời để sau này dưỡng già, nhưng giờ nó bệnh, mà bò hàng xóm liên tục chết nên đêm tôi ngủ không được, ra thăm nó 5-6 lần vì sợ nó chết…” ông Hiền tâm sự.

Ông Trương Hiền dùng quả quất để sát khuẩn miệng bò
Ông Trương Hiền dùng quả quất để sát khuẩn miệng bò

Đau hơn ông Hiền, 2 con bò hộ bà L.T.H , cùng thôn đến nay đã chết 1, 1 cũng nguy kịch. Bà H cho biết: Đàn bò mình mới phát bệnh 3 ngày là chết. Gia đình cũng dùng nhiều biện pháp để cứu chữa, như kêu thú y chích thuốc, thoa mật, khế, chanh… nhưng nó vẫn không khỏi, giờ còn 1 con đây, kêu thú y họ cũng “bó tay” nên chắc cũng không qua khỏi. Con chết rồi gia đình bán cho lò mổ với giá 4 triệu đồng, nếu con bò này còn sống thì giá trị nó nằm hơn 25 triệu đồng…

Hộ bà L.T.H có 2 con bò, đã chết 1, còn 1 con thú y đã “bỏ chạy”
Hộ bà L.T.H có 2 con bò, đã chết 1, còn 1 con thú y đã “bỏ chạy”

Lo sợ bò bị bệnh nhiều gia đình đã tự dùng bạt nhựa để che chắn, không thả rông, phun thuốc diệt khuẩn và bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn bò cho nhà mình.

Ông Phan Ngọc Đoan, thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa cho biết: Gia đình thấy bò ở khu vực này bị bệnh nhiều quá, nên hiện tại dùng bạt nhựa quấn quanh chuồng nuôi để tránh ruồi mang mầm bệnh bay vào…

Dân mong muốn chính quyền địa phương cần vào cuộc hơn nữa để có biện pháp dập dịch, hỗ trợ người nông dân phòng chống. Đối với hộ có bò chết cần phải hỗ trợ để họ tái đầu tư nuôi lại, chứ họ mất cả gia tài giờ bò chết bảo họ tiêu hủy sao được, họ đành bán để “vớt vác” lại ít vốn. Mà bán thịt thì nguy cơ lây lan ra dịch ra vùng khác là hoàn toàn có khả năng.

Nhiều hộ dân ở đây dùng bạt nhựa bao quanh chuồng để phòng chống dịch
Nhiều hộ dân ở đây dùng bạt nhựa bao quanh chuồng để phòng chống dịch

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên: Đến nay đã cấp cho xã Hòa Thắng 200 lít thuốc sát trùng để phun tại ổ dịch và khu vực xung quanh, đồng thời tiêm vắc – xin ngừa khẩn cấp 2 type A và O. Về dịch bệnh thì số trâu bò mắc bệnh đến nay đã tương đối khỏe hẳn. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục đã có văn bản xin cấp 10.000 lít thuốc sát trùng để tiêu độc khử trùng.

Về việc bò bùng phát bệnh và chết nhanh, ông Lâm nói: “Lở mồm long móng, này ghép với bệnh tụ huyết trùng thì tỷ lệ chết tương đối nhiều, nên bà con không được chủ quan. Ngoài những biện pháp phòng tránh dịch bệnh bà con chú ý, khi nghe thông tin dịch bệnh thì bà con chúng ta nên tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh…”

Lý giải thêm của ngành Thú y tỉnh Phú Yên, sở dĩ gia súc tại xã Hòa Thắng bùng phát là do trong các năm 2016, 2017, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên nằm trong vùng nguy cơ thấp về bệnh lở mồm long móng nên không được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng. Người chăn nuôi tự bỏ kinh phí ra tiêm phòng, đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ 8% tổng đàn. Trong khi đó, quy định của Bộ NN&PTNN, công tác tiêm phòng hàng năm phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên.

Trung Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm