Phú Yên: Cơ sở phế liệu xả thải chưa xử lý, giếng nước người dân nổi bọt trắng!

(Dân trí) - Giếng nước của một số hộ dân ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên) bỗng dưng nổi bọt, có mùi hôi…người dân nghi ngờ cơ sở gia công, cán, dập hàng nhôm, nhựa phế liệu của bà Lưu Thị Mỹ Diễm xả nước thải chưa qua xử lý gây ra.

Phú Yên: Cơ sở phế liệu xả thải chưa xử lý…“giếng nước người dân nổi bọt”

Nước giếng nổi bọt, có mùi hôi

Sinh sống tại vùng quê thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa từ lâu đời nay, nguồn nước ở đây vốn dĩ rất trong lành.Thế nhưng, khoảng gần 2 tháng trở lại đây, nhiều giếng nước bỗng dưng nổi bọt, có mùi hôi, khi tiếp xúc với da thì lại gây ngứa.

Lo lắng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận, nhà bị ảnh hưởng nặng nhất nói: “Từ trước đến nay tôi sử dụng giếng đào này, nước trong và không vấn đề gì cả. Từ ngày có cơ sở tái chế phế liệu của bà Diễm thì giếng này bị hư. Để có nguồn nước sử dụng cho gia đình, chúng tôi phải bỏ tiền triệu khoan giếng mới, trong vòng 1 tháng tôi khoan đã 3 cái giếng, mà khoan cái nào là khi bơm nước lên cũng nổi bọt như bọt xà phòng vậy, hôm bữa tôi có liều tắm thì tối đến là thân thể ngứa không chịu nổi.

Nước khi ngửi có mùi hôi, khi tắm thì gây ngứa toàn thân
Nước khi ngửi có mùi hôi, khi tắm thì gây ngứa toàn thân

Hiện tại chúng tôi không dám dùng nước này để làm bất cứ việc gì, ngay cả cho bò, trâu uống. Bà con ở đây họ thấy vậy thương người góp 50.000 - 100.000 đồng để mua cho tôi cái bình lớn, tôi đi mãi ra những giếng xa khu vực này, xin nước họ về sinh hoạt …” ông Thuận bức xúc chia sẻ.

Cách nhà ông Thuận khoảng chừng 30m, ông Nguyễn Ngọc Toàn cùng chung cảnh ngộ chia sẻ “Nước giếng nhà tôi thì không như nhà anh Thuận, nhưng hiện tại đã có mùi hôi, và tắm đã thấy ngứa. Nên chúng tôi cũng phải mua nước bình về mà nấu ăn, với uống. Còn nước này muốn dùng để tắm thì phải lọc kỹ mới tắm được, chứ múc dưới giếng lên xài ngay thì ngứa chịu không nổi. Hiện chúng tôi đã cùng nhau gửi đơn lên cấp trên để giải quyết…”

Tiếp cận xưởng phế liệu PV Dân trí ghi nhận: nhựa phế liệu mà chủ cơ sở thu gom đủ chủng loại như vỏ can nhựa chứa nước rửa chén, nước rửa bồn cầu, nước vệ sinh nhà, vỏ nhựa bình phun thuốc trừ sau, vỏ nhựa ổ cắm điện, nồi cơm điện… lẫn tạp chất.

Kèm theo đó là một máy xay nhựa phế liệu thành nhựa hạt (đã tạm nghỉ) và nhiều bể chứa nước thải có màu đen. Loại nước thải này sau đó được bơm vào 8 bi nước lớn, cho lắng cặn bã rồi xả trực tiếp ra môi trường

Cán bộ môi trường có làm hết trách nhiệm (?)

Sau khi nhận đơn của người dân, ngày 5/6 và ngày 21/6 Phòng TN-MT huyện Phú Hòa đã phối với UBND xã Hòa Thắng cùng xuống kiểm tra cơ sở phế liệu nói trên.

Một ống xả thải trực tiếp ra môi trường của cơ sở tái chế phế liệu
Một ống xả thải trực tiếp ra môi trường của cơ sở tái chế phế liệu

Nhưng khi PV đề cập đến vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí thì anh Nghị, phó phòng TN-MT huyện Phú Hòa từ chối cung cấp, dù trước đó đã được sự chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện Phú Hòa.

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã làm việc với ông Đào Bá Thanh, cán bộ Phòng TN-MT huyện Phú Hòa nói: Qua các lần kiểm tra, việc cơ sở tự lắp thêm máy xay phế liệu và xả nước ra môi trường là có. Và điều này là sai quy định, nhưng đoàn cán bộ lại chưa lập biên bản xử phạt (?). Cũng theo ông Thanh thì nếu có xử phạt thì cũng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng thôi.

Tiếp đó, đoàn kiểm tra chỉ đạo lấy mẫu nhưng lại cho cơ sở tái chế phế liệu bà Diễm trực tiếp lấy (có sự giám sát của UBND xã và người dân), và việc lấy mẫu chỉ lấy “duy nhất” một mẫu tại nhà ông Thuận, còn tại bể xả thải thì không lấy.

Khi hỏi về vấn đề vì sao lại để cơ sở phế liệu tự đi lấy mẫu, xét nghiệm thì ông Thanh cho biết “phòng TN-MT huyện không có kinh phí để làm việc này…”

Nhựa tái chế được xay thành những hạt nhỏ
Nhựa tái chế được xay thành những hạt nhỏ

Trước bức xúc của người dân, sáng 28/6, UBND xã Hòa Thắng cùng với Phòng TN-MT H.Phú Hòa đã tổ chức gặp và đối thoại giữa người dân với chủ cơ sở phế liệu. Tại cuộc họp này, phòng TN-MT huyện Sơn Hòa công bố kết quả xét nghiệm (1 mẫu duy nhất tại giếng ông Thuận). Kết luận: “các chỉ số đều trong hạn mức cho phép, hoàn toàn phù hợp với chỉ tiêu của nước giếng”

Tuy nhiên, theo đối chứng kết quả kiểm nghiệm này thì đã thể hiện rõ có hai chỉ tiêu vượt mức cho phép, đó là KMnO4 vượt 1,3 lần và Mn vượt 10,6 lần so với tiêu chuẩn qui định của Bộ TN-MT.

Dừng hoạt động và kiểm tra lại nguồn nước

Tại cuộc họp ngày 28/6, vì tình làng nghĩa xóm, người dân đã thống nhất cho cơ sở phế liệu của bà Diễm thời hạn di dời đến ngày 15/7/2017. Nhưng chỉ ép khô, chứ không sử dụng nguồn nước trong quá trình sản xuất và không được nhập phế liệu mới về.

Dù cơ sở đã cam kết chuyển đi, nhưng đa phần người dân rất băn khoăn về vấn đề nguồn nước họ có bị ô nhiễm và ô nhiễm đến mức nào.

Một bể chứa nước thải của việc xay nhựa
Một bể chứa nước thải của việc xay nhựa

Ông Nguyễn Thành Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: Trong quá trình hoạt động, cơ sở này đã tự ý lắp đặt thêm hệ thống xay nhựa phế liệu thành nhựa hạt, kèm theo xả nước thải ra môi trường là hoàn toàn sai với giấy xác nhận về đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Mặc dù đến nay chủ cơ sở đã dừng hoạt động, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị lên Huyện, Sở để có đánh giá kiểm định lại nguồn nước một cách khách quan hơn.

Trả lời liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Quang Thủ, trưởng phòng TN-MT H.Phú Hòa khẳng định “Cơ sở phế liệu của bà Diễm đã gây ô nhiễm môi trường. Phòng sẽ tham mưu ngay cho UBND H.Phú Hòa đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở này và sẽ có kiến nghị lấy lại mẫu nước giếng của người dân gửi cơ quan kiểm nghiệm độc lập để xác định mức độ ô nhiễm…”

Chiều 28.6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Phú Yên) cũng đã tiếp cận và nắm thông tin tại cơ sở phế liệu này.

Trung Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm