Phú Yên:

"Phù phép" hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp

Trung Thi

(Dân trí) - Hơn 1.600m2 đất lúa đang thuộc sở hữu của một người dân tỉnh Phú Yên, tuy nhiên Sở TN&MT tỉnh này lại cấp giấy chứng nhận toàn bộ diện tích trên cho doanh nghiệp làm dự án.

Ngày 28/1, ông Mai Xuân Thạnh (80 tuổi, trú thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Phú Yên), cho biết đã gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên ngăn chặn các hành động có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với chủ dự án Siêu thị và khu dịch vụ tổng hợp Hiệp Hòa Bình (gọi tắt là dự án Hiệp Hòa Bình).

Phù phép hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp - 1

Ông Thạnh ngỡ ngàng khi biết đất thuộc sở hữu của gia đình ông lại được cấp cho doanh nghiệp (Ảnh: Trung Thi).

Dự án này được tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2016 cho Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hiệp Hòa Bình, sau đổi thành Công ty cổ phần Thương mại Hiệp Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hiệp Hòa Bình).

Đất của dân vào tay doanh nghiệp

Ông Thạnh phản ánh, năm 1995, nhà nước có cấp cho gia đình ông hơn 1.600m2 đất lúa để trồng trọt. Ông Thạnh đã canh tác ổn định, lâu dài trên mảnh đất này hàng chục năm.

Năm 2016, UBND Thị Trấn Phú Thứ mời 15 hộ dân có diện tích đất lúa đến họp, để xin ý kiến thành lập khu thương mại Hiệp Hòa Bình. Tất cả các hộ dân đều đồng ý với chủ trương này.

Phù phép hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp - 2

Dự án Hiệp Hòa Bình được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2016 (Ảnh: Trung Thi).

Cùng năm 2016, bà Trần Thị Mộng Hiệp, người được ủy quyền điều hành Công ty Hiệp Hòa Bình, đã thực hiện chuyển nhượng mua bán đất của 14 hộ dân và tiến hành xây dựng dự án thương mại.

Riêng hộ gia đình ông Thạnh có 1.670m2 nằm trong dự án, bà Hiệp chưa thỏa thuận đền bù, mua bán.

Theo lời ông Thạnh, đến tháng 7/2017, bà Hiệp trở lại nhà ông Thạnh thỏa thuận việc chuyển nhượng và đưa cho gia đình ông này 50 triệu đồng tiền cọc, hẹn 10 ngày sẽ trả đủ tiền.

"Trong thời gian chờ trả tiền, các phương tiện cơ giới phục vụ cho dự án đã san ủi sạch đất của tôi. Tuy nhiên, sau hạn 10 ngày như đã hẹn, bà Hiệp không trả tiền. Tôi gọi điện thì bà Hiệp tránh né, không gặp. Vụ việc khiến tôi phải bỏ hoang 2 vụ lúa. Đến giữa năm 2018, tôi phải thuê người dọn dẹp để tiếp tục canh tác lúa đến nay", ông Thạnh cho hay.

Đến tháng 11/2023, bà Hiệp cùng một số người đem vật liệu cát, đá để xây dựng tường rào bao quanh lại thửa ruộng của ông Thạnh.

Phù phép hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp - 3

Phần đất của nhà ông Thạnh (ô đỏ) đã nhiều lần bị chủ dự án Hiệp Hòa Bình san ủi, định rào chắn (Ảnh: Trung Thi).

Gia đình ông Thạnh phát hiện việc làm trái pháp luật của chủ dự án Hiệp Hòa Bình nên ngăn cản. Đồng thời, ông Thạnh gửi đơn báo cáo về vụ việc trên và được biết Công ty Hiệp Hòa Bình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án bao trùm lên cả diện tích 1670m2 của gia đình ông đang sở hữu.

Giấy chứng nhận do Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Yên cấp ngày 14/3/2017.

Ông Thạnh cho rằng, qua sự việc trên, nhận thấy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án Công ty Hiệp Hòa Bình có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thừa nhận có sai sót

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc trên, bà Trần Thị Mộng Hiệp thừa nhận chưa ký kết hợp đồng mua bán đất đối với ông Thạnh. Theo quy định, ông Thạnh vẫn là người sở hữu hợp pháp hơn 1.600m2 đất lúa trên.

"Việc này là sai sót của công ty, chúng tôi đang cố gắng khắc phục", bà Hiệp nói.

Người điều hành Công ty Hiệp Hòa Bình nói rằng, việc được cấp giấy chứng nhận là do "anh em địa phương tạo điều kiện" xác nhận đã hoàn thành việc bồi thường.

Phù phép hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp - 4

Sau 7 năm khởi công, một số hạng mục của dự án chỉ xây dựng qua loa rồi bỏ hoang (Ảnh: Trung Thi).

Điều lạ trong giấy xác nhận hoàn thành việc bồi thường, người bút phê xác nhận là ông Trần Văn Thuận, Trưởng Khu phố Phước Mỹ Tây (thị trấn Phú Thứ). Còn ông Lê Khắc Liêm, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ, chỉ viết "chữ ký trên của ông Trần Văn Thuận" rồi ký đóng dấu, không "đả động" về nội dung.

Từ những xác nhận trên, cơ quan cấp trên cấp đất của dân cấp cho doanh nghiệp làm dự án, bao gồm hơn 1.600m2 đất của ông Thạnh trong khi công ty và ông này chưa ký hợp đồng mua bán đất.

Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết liên quan đến giấy xác nhận của thị trấn Phú Thứ, các cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra và phản hồi sau.

Phản ánh vụ việc có dấu hiệu "vi phạm pháp luật" của ông Thạnh đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên chuyển đến Sở TN&MT tỉnh Phú Yên kiểm tra, xử lý.

Ông Đỗ Mạnh Quốc, Phó Chánh văn phòng Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, thông tin sở đã tiếp nhận đơn phản ánh của ông Thạnh và đang rà soát, giải quyết.

"Chi Cục quản lý đất đai đang thụ lý đơn của ông Thạnh. Khoảng ngày 30/1, sở sẽ cử đoàn lên thực địa làm việc với địa phương và công ty để kiểm tra lại nội dung đơn thư ông Thạnh phản ánh, sau đó có hướng xử lý tiếp theo", ông Quốc cho hay.

Dự án ì ạch, chậm tiến độ

Theo hồ sơ, Siêu thị và khu dịch vụ tổng hợp Hiệp Hòa Bình được khởi công xây dựng vào năm 2017, tuy nhiên trải qua 7 năm, chủ dự án chỉ xây dựng được vài hạng mục rồi bỏ hoang.

Phù phép hơn 1.600m2 đất của dân vào tay doanh nghiệp - 5

Một số hạng mục mới xây dựng trong dự án lại phát sinh các đơn kêu cứu cho rằng chủ dự án Hiệp Hòa Bình không chi trả tiền cho đơn vị thi công (Ảnh: Trung Thi).

Dù chậm tiến độ đề ra, năm 2022, dự án vẫn được tạo điều kiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hiệp Hòa Bình của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, có trích dẫn ý kiến thẩm định từ Sở Tài chính về năng lực tài chính của Công ty Hiệp Hòa Bình, đánh giá công ty chứng minh đủ năng lực tài chính để hoàn thành dự án.

Dù chủ đầu tư được đánh giá "đủ năng lực", nhưng sau khi được chấp thuận điều chỉnh chủ trương hơn 1 năm, dự án vẫn ì ạch, không thể hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, quyết định điều chỉnh chủ trương của dự án Hiệp Hòa Bình cũng đã quá hạn.