Tư vấn pháp luật:

Phụ nữ mang thai phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự?

(Dân trí) - Người phạm tội hình sự là phụ nữ mang thai thì có chịu trách nhiệm hình sự không? Và nếu người đó cứ sinh con và tiếp tục phạm tội thi pháp luật xử lý họ thế nào? (Bạn đọc có email: hoangthanh.hc@gmail.com)

Phụ nữ mang thai phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 1

Trả lời:

Tại Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999(BLHS) quy định về miễn trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá”.

Vì bạn không cung cấp đầy đủ thông tin nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể được, đối chiếu quy định nêu trên, bạn có thể vận dụng xem xét xem người phạm tội có đủ điều kiện miễn TNHS hay không?

Trường hợp nếu người phạm tội không đáp ứng đủ điều kiện để được miễn TNHS, thì khi xét xử và quyết định hình phạt họ sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm l khoản1 Điều 46 BLHS: “Người phạm tội là phụ nữ có thai”

- Tại Điểm b Khoản 1 Điều 61BLHS quy định về việc hoãn chấp hành phạt tù thì: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”;

Tại Điểm b, tiểu mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HDTP ngày 02/10/2007, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt có quy định : “7.1. Người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hoãn chấp hành hình phạt tù:

b) Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì để được hoãn chấp hành hình phạt tù thì họ phải đảm bảo các điều kiện như sau: có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và bị xử phạt tù lần đầu.

Tại tiểu 7.2 quy định: “khi người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này, thì Tòa án cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù. Tòa án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của BLHS mà không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này được hoãn chấp hành hình phạt tù, nhưng phải xem xét rất chặt chẽ.

Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt ba năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. B bị xử phạt tù lần này là lần đầu, đang nuôi con nhỏ mới 12 tháng tuổi và đang tại ngoại. Theo đề nghị của B, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với B cho đến khi con của B đủ 36 tháng tuổi.

 Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù B lại phạm tội trộm cắp tài sản và bị xử phạt hai năm tù; tổng hợp hình phạt của hai bản án buộc B phải chấp hành hình phạt chung là năm năm tù. Chánh án Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án. B có đơn đề nghị xin được hoãn thi hành án. Trường hợp này phải xem xét rất chặt chẽ. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, B có chồng chăm sóc con thì không cho B hoãn chấp hành hình phạt tù. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, nhưng hay ốm đau, nay B lại đang có thai, thì tuy B có chồng, nhưng vẫn có thể cho B hoãn chấp hành hình phạt tù

Mặt khác, tại Điểm b tiểu mục 7.3 mục 7: “Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi”.

Như vậy, theo quy định tại điểm b tiểu mục 7.3 mục 7 thì người phạm tội trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại phạm tội mới và bản thân trong thời gian đó họ sinh con thì vẫn được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi đứa con đó đủ 36 tháng tuổi. Còn nếu người đó cứ liên tục mang thai - sinh con và phạm tội trong thời gian tạm hoãn thi hành hình phạt tù thì họ vẫn được hoãn chấp hành hình phạt tù khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi, tuy nhiên khi quyết định hình phạt tù thì họ sẽ bị áp dụng quy định theo Khoản 2 Điều 61 BLHS, cụ thể như sau: “Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”.

Luật sư Vũ Thị Hiên

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc