Phụ nữ lấy nhiều chồng, đàn ông lấy nhiều vợ dưới góc nhìn pháp lý xưa, nay

Hải Hà

(Dân trí) - Trên thực tế hiện nay, vẫn còn có gia đình có một chồng nhưng hai vợ hoặc ngược lại. Tuy nhiên, điều này có được coi là hợp pháp hay không và liệu có được pháp luật công nhận hay không?

Quy định của pháp luật về việc lấy nhiều hơn một vợ - một chồng

Kể từ khi nước ta giành lại độc lập, tự do (ngày 2/9/1945), cho đến ngày nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quán triệt và nhất quán về vấn đề hôn nhân một vợ, một chồng. Cụ thể như:

Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau: "Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn; Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em". Nguyên tắc này đảm bảo cho sự hạnh phúc của gia đình, sự bền vững của hôn nhân và phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.

Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa và được quy định tại khoản 1, điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: "Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng".

Phụ nữ lấy nhiều chồng, đàn ông lấy nhiều vợ dưới góc nhìn pháp lý xưa, nay - 1

Từ 3/1/1959, khi Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên có hiệu lực thì pháp luật đã luôn đề cao nguyên tắc một vợ, một chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình (Ảnh minh họa).

Đây cũng là một trong các nguyên tắc được quy định tại các Luật Hôn nhân và Gia đình giai đoạn trước đó, cụ thể là:

Tại khoản 1, điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: "Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng".

Tại điều 1, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 quy định cụ thể như sau: "Nhà nước bảo đảm thực sự chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, nhằm xây dựng gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc, bền vững".

Tại điều 1, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định: "Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ".

Đồng thời, khoản 1, điều 4, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng khẳng định: "Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình".

Để thực hiện nguyên tắc này, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng nhấn mạnh và bảo đảm cho việc thực hiện bằng việc quy định cụ thể các hành vi bị cấm tại điểm c, khoản 2, điều 5 đó là: "Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ".

Như vậy có thể thấy từ 3/1/1959, khi Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên có hiệu lực thì pháp luật đã luôn đề cao nguyên tắc một vợ, một chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Việc lấy chồng - vợ thứ hai, là vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và vi phạm điều cấm của luật.

Một số trường hợp ngoại lệ và đặc biệt

Như phần trên đã trình bày, có thể thấy rõ rằng pháp luật hiện hành không cho phép một người nam được lấy hai vợ hoặc người nữ lấy nhiều chồng, tức là việc kết hôn với người thứ hai từ thời điểm Luật hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực là trái pháp luật. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc không tồn tại các trường hợp có hai vợ/ chồng hợp pháp.

Dựa trên các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi xin ra một số trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp kết hôn trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (trước ngày 13/01/1960)

Đối với miền Bắc:

Theo quy định của luật này, những trường hợp kết hôn từ ngày 13/01/1960 mà vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng thì được coi là không hợp pháp. Có thể suy ra rằng, những quan hệ hôn nhân được xác lập trước khi luật này có hiệu lực, dù có nhiều vợ, nhiều chồng thì vẫn không vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và được coi là hợp pháp.

Ngoài ra, do tồn tại của lịch sử, các quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/01/1959 vẫn được coi là hơp pháp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh nên luật này chỉ có hiệu lực đối với miền Bắc.

Đối với miền Nam:

Theo Nghị quyết 76/CP năm 1977 thì Luật hôn nhân gia đình năm 1959 được áp dụng từ ngày 25/3/1977 (ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước). Tương tự miền Bắc, những quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng được xác lập trước ngày 25/3/1977 vẫn được công nhận hợp pháp.

Trường hợp bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, lấy chồng khác

Theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao thì nay nếu người vợ hoặc người chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân mới và hôn nhân trước đây.

Lưu ý:

Thông tư này chỉ áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, bộ đội đã có vợ hoặc có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ hoặc lấy chồng khác và chỉ đóng khung trong thời gian từ sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ đến ngày Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thống nhất đất nước, Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc được áp dụng chung trong cả nước (tức ngày 25/3/1977).

Như vậy, hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng chỉ được công nhận trong các trường hợp trên. Do đó, có thể khẳng định, dù giai đoạn nào thì pháp luật cũng tôn trọng quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng. Đồng thời, tại điều 34, luật năm 1959 nêu rõ:

"Những hành vi trái với Luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật".

Bởi vậy, dù cưới hai vợ trước năm 1960 thì quan hệ hôn nhân giữa người nam và người thứ hai sẽ không được pháp luật công nhận. Riêng tại những vùng dân tộc thiểu số thì có thể căn cứ vào tình hình cụ thể mà đặt ra những điều khoản riêng biệt nhưng phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Luật sư Trần Thị Hiền

Văn phòng luật Đồng đội