Chồng cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

(Dân trí) - Hành vi chồng cấm cản không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết có phải là hành vi vi phạm pháp luật? Và đây có phải là lý do để Tòa án chấp nhận cho ly hôn không?

Mỗi dịp tết đến xuân về, việc có được ăn Tết nhà ngoại hay không là vấn đề được các chị em phụ nữ quan tâm. Và trường hợp nhiều chị em bị chồng, gia đình chồng cấm cản về nhà ngoại ăn Tết là câu chuyện bắt gặp khá nhiều trong các gia đình hiện nay.

Vậy, chồng cấm cản không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Luật sư Quách Thành Lực (Công ty TNHH Luật LXS) cho biết, Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”

Theo đó, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình…

Và tại điểm a khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình đã có quy định:

Điều 52. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

2. a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;”

Như vậy, từ 2 ý trên có thể khẳng định việc chồng cấm cản không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể người chồng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng

 Theo Luật sư Lực, người chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn tết có phải lý do Tòa án chấp nhận cho ly hôn không thì 

Tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứvề việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Căn cứ vào quy định trên, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về nhà ngoại ăn Tết gây áp lực tâm lý thường xuyên; vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ bình đẳng của vợ chồng…thì Tòa án có thể giải quyết Ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Tuy nhiên, người vợ phải đưa ra được căn cứ về hành vi cấm đoán của chồng bằng nhiều hình thức khác nhau như: nhờ người làm chứng, quay phim, ghi âm… phòng khi người chồng không thừa nhận hành vi của mình trước pháp luật.

Trước tình huống này, để tránh đẩy gia đình đến tình trạng phải ly tán, hai vợ chồng nên nhìn nhận lại và cùng bàn bạc, phân tích kỹ về vấn đề tết nội-tết ngoại. Bởi ngày tết là ngày vui lớn của cả năm, theo quan niệm dân gian đầu năm tâm trạng có vui vẻ hạnh phúc thì trong năm vạn sự mới được hanh thông thuận lợi.

Xin cảm ơn Luật sư!

Ngọc Hân (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm