Phụ huynh nghèo lo lắng gì khi năm học online mới cận kề?
(Dân trí) - Tình hình xã hội khác hẳn những năm trước nhưng lại áp dụng khung thời gian vào năm học không thay đổi. Một bên chúng ta cần ở yên tại nhà để hạn chế dịch lây lan, một đằng thì lịch học gần kề...
Đưa tiến độ sớm cho trẻ nhập học, chủ trương đó rất đúng đắn, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, liệu tự học online tại nhà có hợp lý hay không? Nhất là với nhóm trẻ năm nay mới bước chân vào lớp 1: chưa biết cầm bút, chưa biết sử dụng máy tính thì học thế nào?
Xã hội phần lớn là người lao động thu nhập thấp, không ổn định, họ không có những thiết bị để hỗ trợ cho việc học online. Máy tính, laptop, ipad, điện thoại thông minh chỉ những học sinh trong gia đình có điều kiện mới có. Bên cạnh đó, trẻ nếu phải học trên điện thoại thông minh rất khó khăn do màn hình nhỏ...
Đó là một trong nhiều nỗi niềm của bạn đọc gửi về Dân trí khi năm học mới cận kề.
Con nhà nghèo, gia đình công nhân xóm trọ học online thế nào?
"Xin cho tôi hỏi, nhà tôi có 3 cháu học lớp 2, 4, 7. Nhà chỉ có 2 chiếc điện thoại, nếu thời gian học của 3 cháu trùng nhau thì tôi phải làm như thế nào đây? Hiện tại nhà tôi khó khăn nên không thể mua điện thoại hay máy tính mới cho các cháu được", bạn đọc Hồng Ngọc lo lắng.
Cùng nỗi niềm, bạn đọc Trần Thị Mai: "Tôi có cháu học lớp 8, nhà chỉ có hai bà cháu. Tôi già 70 tuổi, nhà không có internet, không có điện thoại thông minh vậy làm sao cháu học online?".
Bạn đọc Hồng Đức: "Lực bất tòng tâm, hoàn cảnh chúng tôi: nhà 2 con học online cần 2 thiết bị, hai chỗ học tách biệt. Công nhân chúng tôi ở nhà trọ 12m2 thì xoay sở ra sao, chưa nói đến các chuyện khác như việc lắp đặt internet, tiền mua máy để học".
"Nhà tôi 2 anh em học, bố mẹ cũng phải làm việc mà chỉ có 2 máy tính thì không biết phải làm sao, giờ có tiền cũng không mua được. Bây giờ ai bán mà mua, nhà 2 cái máy mà 2 vợ chồng dùng làm việc tại nhà từ 8-17h, chả lẽ 2 đứa con lại mua thêm 2 cái máy, quá phí và tốn kém. Còn dùng điện thoại thì máy điện thoại cũng phải loại tốt và dùng điện thoại học online cũng bất tiện và cũng không phải nơi đâu cũng có đường truyền Internet tốt. Nên theo tôi các địa phương có thể kết hợp vừa học online, vừa học trên truyền hình", bạn đọc Hải Minh chia sẻ.
"Chủ trương cũng cần phải hướng tới số đông, đại đa số học sinh. Mọi người nghĩ sao về những cháu nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đầy đủ sách vở để đến trường đã là quý rồi chứ đừng nói giờ phải có máy tính, laptop hay điện thoại thông minh để học online. Không có điều kiện học online là sẽ mất bài rất nhiều, nên cần đảm bảo các con đều được học như nhau. Đừng để trẻ em đã khó khăn trong cuộc sống lại phải bất hạnh trong giáo dục. Giáo dục phải nhân văn, nhân đạo", bạn đọc Mai Phương lo ngại.
Cho rằng nên rút ngắn thời gian nghỉ hè năm 2022 để có sự chuẩn bị tốt hơn cho năm học này, bạn đọc Thanh Tâm: "Theo tôi, nên họp khẩn chia nhiệm vụ cho cán bộ giáo dục, giáo viên các cấp để có chương trình học đặc biệt dành cho các con khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Các con đã nghỉ một mùa hè quá dài, việc rút ngắn lại mùa hè 2022 và chú trọng đến các kiến thức cần thiết cho các con. Áp dụng phương pháp phải phù hợp với nội lực của địa phương, đất nước. Cho đến cuối cùng thì cũng là để trang bị kiến thức cần thiết cho các con, chứ đừng vì thành tích.
Thậm chí, nếu tháng 9 dập dịch chưa xong, nên dời lại tháng 10 mới khai giảng, để đủ thời gian cho công tác chuẩn bị (thời gian chậm khai giảng được trừ vào thời gian nghỉ hè).
Bên cạnh đó, học sinh cấp 1 học qua truyền hình và đài phát thanh kênh FM, AM gì đó… (giảm quá tải internet) và hạn chế việc các con phải tiếp xúc với màn hình máy tính hoặc khắc phục tình trạng không có máy để học. Cấp 2 và 3 học online như trước đó đã được áp dụng".
Bên cạnh nỗi lo vì không có đủ thiết bị cho con học online, thì nhiều phụ huynh lo lắng vì tiếp xúc với màn hình máy tính/điện thoại nhiều trong quá trình học online sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thị lực của các con.
Bạn đọc Đăng Khoa: "Không dám tưởng tượng sau một học kỳ tương tác thường xuyên với chiếc smartphone. Mắt các con sẽ tăng độ thế nào, vì các con chưa có ý thức bảo vệ mắt của mình. Chưa kể ý thức tự giác của các bé, nhân lúc không có phụ huynh ở nhà thay vì học, thì lại vô game chơi. Chừng ba mẹ về tới nhà thì chuyển qua học như một học sinh siêng năng... Một bài toán khá nan giải để quản lý các con. Tôi rất mong các con được học theo kiểu truyền thống, nếu nhập học trễ thì các con nghỉ hè năm đó ít lại thôi".
Nên lùi thời gian nhập học hoặc triển khai dạy trên truyền hình
Tình hình xã hội khác hẳn những năm trước nhưng lại áp dụng khung thời gian học của những năm đó. Một bên chúng ta cần ở yên để hạn chế dịch lây lan, một đằng thì lịch gần kề trong khi nhiều phụ huynh chưa chuẩn bị vở, sách, dụng cụ... tại sao chúng ta không tập trung chống dịch, tháng 10 hãy nhập học?
Đó là ý kiến chung của nhiều bạn đọc.
Bạn đọc Lê Thiện: "Cấp tiểu học thì từ từ giảm bớt dịch bệnh rồi sẽ tựu trường. Còn học sinh cấp 2, 3 thì học online cũng được vì học sinh nhỏ lớp 1, 2 cần sự ân cần của cô giáo, rèn luyện chữ, chính tả, toán... cần phải làm quen với môi trường mới".
"Nan giải việc học thời Covid-19, đến trường thì chưa thể, học online thì còn nhiều điều bất cập. Đề nghị ngành giáo dục xem xét lại thời gian nhập học phù hợp hơn, có thể hết tháng 10 rồi trừ vào thời gian nghỉ hè, vì kỳ nghỉ hè vừa rồi là quá dài với học sinh rồi", bạn đọc Hải Phong.
Bên cạnh đó, nên kết hợp vừa học online, vừa học trên truyền hình là giải pháp được nhiều bạn đọc đưa ra.
Bạn đọc Đức Nguyên: "Nhà nước nên triển khai dạy học qua tivi, tài liệu SGK thì đưa lên mạng miễn phí cho tải về. Ngoài ti vi, cho phát trên các nền tảng như Youtube thành từng buổi, học kỳ, bài test. Ở Úc, vùng sâu hoặc xa thời chưa internet họ học qua radio, đài phát thanh. Có thể nhà nước phải làm podcast nghe, spotify bài giảng. Và tiên quyết nhất đó là hãy đơn giản giáo trình SGK, dạy cái cơ bản nhất, đó là đọc, viết tiếng Việt, đừng ôm quá nhiều nữa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Minh Châu: "Chọn giáo viên dạy chuẩn theo chương trình, phát lên truyền hình cho học sinh toàn thành phố cùng học, phát sóng trong nhiều thời gian khác nhau, những em bị kẹt dưới quê vẫn học được luôn. Khi tạm ổn sẽ tập trung củng cố kiến thức và kiểm tra chất lượng, chăm lo cho giáo dục nhưng phải quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh".
Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!