Phụ huynh cũng nên nhìn lại mình

Nhiều chuyện không vui trong mối quan hệ thầy - trò xảy ra ở nhiều trường, nhiều địa phương thời gian gần đây khiến cho những phụ huynh có ý thức trách nhiệm cũng phải nhìn lại mình về cách dạy dỗ con cái.

 

Những ngày qua, theo dõi báo chí nói về những vụ việc mà thầy giáo đối xử hơi “nặng tay” với học trò, mà  "nóng" nhất là vụ thầy giáo Võ Hải Bình bị buộc thôi việc vì xử phạt "thụt dầu" học sinh, tôi nhận thấy dư luận xã hội có hai luồng ý kiến. Một là, cho rằng ngày nay có một bộ phận học sinh quá vô lễ khiến thầy cô không thể kiềm chế được. Hai là, cho rằng ngày nay giáo viên chịu quá nhiều áp lực: Áp lực từ phụ huynh, nhà trường và từ chính cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong đó áp lực lớn nhất là “bệnh thành tích”... khiến thầy cô giáo rất dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”.

 

Đó là sự nhìn nhận rất thẳng thắn vào sự thật của ngành giáo dục hiện nay. Chỉ có sự thẳng thắn như thế mới mong tìm ra được những nguyên nhân đích thực và đưa ra giải pháp tích cực. Tuy nhiên tôi nhận thấy dư luận dường như chỉ tập trung vào hai “nhân vật chính” là thầy và trò mà quên đi một “nhân vật” quan trọng không kém: Phụ huynh. Chính cách giáo dục con cái của không ít bậc phụ huynh góp phần làm cho bức tranh giáo dục thêm màu... tối.

 

Gia đình là hạt nhân, là nền tảng của xã hội. Giáo dục gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành chữ lễ, thái độ tôn trọng lễ phép của con trẻ đối với thầy cô. Thế nhưng vai trò này, nhiều gia đình lơ là xem nhẹ, nhiều gia đình thì lại quan tâm quá mức và mắc những sai lầm về quan điểm phương pháp.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngày xưa phụ huynh rất tôn trọng và tin tưởng thầy cô. Thái độ tôn trọng thầy cô của các bậc phụ huynh giúp các em tin tưởng, kính trọng thầy cô; ngược lại chính thái độ thiếu tôn trọng thầy cô của phụ huynh làm cho con em mình coi thường, thậm chí vô lễ với thầy cô giáo.

Ngày xưa khi thấy con mình bị thầy cô la rầy, các bậc cha mẹ mừng trong bụng và biết ơn vì nghĩ rằng thầy cô quan tâm đến con mình. Trong mỗi bữa ăn, cha mẹ thường nói đến thầy cô với giọng kính phục, biết ơn. Khi la rầy con, cha mẹ thường dọa mách thầy cô để trẻ sợ mà vâng lời. Và như vậy đứa trẻ lớn dần lên với niềm kính trọng thầy cô giáo trong lòng.

Ngày nay khi con cái bị thầy cô trách phạt, vì thương con thái quá mà nhiều phụ huynh phê phán thầy cô nặng nề. Có vị phụ huynh thì "chuyện bé xé to" làm um lên, khiếu nại với BGH nhà trường hay tố cáo với báo chí... Những việc làm đó rõ ràng là làm sụt giảm uy tín của thầy cô trong mắt con trẻ.

 

Ngày nay cũng có không ít bậc phụ huynh vô tư nói chuyện cô này hắc lắm, thầy kia trù dập con mình ngay trước mặt trẻ, rồi lại bàn chuyện lấy lòng cô này thầy kia bằng quà cáp tiền bạc khiến nhiều trẻ thấy hình ảnh thầy cô thật xấu xí, không đáng tôn trọng. Thậm chí vào các dịp lễ, tết có vị phụ huynh còn dắt theo con mình đến nhà thầy cô để biếu quà cáp và “phong bì” (làm vậy cho thầy cô biết mặt con mình mà ưu ái). Chứng kiến cảnh đó, những đứa trẻ tự nhiên nảy sinh ý nghĩ không tốt và có thái độ coi thường thầy cô, thậm chí thiếu luôn cả sự tôn trọng cha mẹ chúng vì không ai đáng làm gương trong sáng cho chúng học tập.

 

Bên cạnh đó, còn không ít bậc làm cha làm mẹ “khoán trắng” cho nhà trường, mải mê làm ăn không quan tâm đến con cái, không biết con mình học hành ra sao, chơi bời lêu lổng thế nào? Tôi dám khẳng định có không ít phụ huynh không biết tên giáo viên chủ nhiệm của con mình, không bao giờ xem thời khóa biểu học tập của con, không biết con giao du kết bạn với những bạn nào, xấu hay tốt…

 

Sự lơ là trong giáo dục con cái hay quan tâm yêu thương cưng chiều quá mức, cũng như sự thiếu tế nhị trong thái độ ứng xử với thầy cô của các bậc phụ huynh... góp phần làm sụt giảm sự tôn trọng thầy cô trong mắt con trẻ, từ đó nảy sinh những hành vi coi thường, xúc phạm, vô lễ với thầy cô. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên xem lại mình trong việc giáo dục con cái, cần cân nhắc trước mỗi câu nói với con về thầy cô giáo, cũng như nên suy nghĩ sâu hơn trước mỗi hành động của mình để không làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt trẻ.

 

Thu Thuỷ
Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Lời khẳng định của ông cha ta xưa kia: “Con dại - Cái mang” đã nói lên đầy đủ trách nhiệm dạy dỗ con cái của những người làm cha làm mẹ. Nếu con mình hư hay quậy phá trong lớp, học hành chậm tiến bộ, hay bị thầy cô giáo phạt,  thì không thể vì bực mình mà đổ hết trách nhiệm cho nhà trường và thầy cô giáo.

 

Quan tâm chăm lo dạy dỗ con em mình là trách nhiệm cao quý và không ai có thể thay thế các bậc làm cha làm mẹ. Giáo dục gia đình có tốt thì các thầy cô giáo mới có tiền đề và điều kiện phát huy và nâng cao hiệu quả giáo dục trong nhà trường.

 

Biết kính trọng và chân thành lắng nghe những ý kiến nhận xét của thầy cô giáo về con em mình để phối hợp giáo dục cho tốt, đấy là cách tốt nhất giúp cho con em chúng ta tiến bộ và trưởng thành nhanh.