"Phong thánh, hóa thần" cho bị cáo, giới trẻ có đang nhầm tưởng?

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Theo nhiều người, việc tô vẽ hào quang, phong thánh hóa thần cho những kẻ trục lợi trên nỗi đau của đồng bào trong đại dịch Covid -19 là sự lệch lạc về tư tưởng.

Những ngày qua, vụ xét xử đại án "Chuyến bay giải cứu" nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với những tình tiết "nổi sóng" như phiên tòa có 54 bị cáo phải hầu tòa, trong đó 21 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng. Số tiền đưa nhận hối lộ đặc biệt lớn khiến một số ý kiến cho rằng đây là "phiên tòa thế kỷ".

Trong các ý kiến bình luận gửi về báo Dân trí, độc giả mong các cơ quan công tố xét xử nghiêm minh những cán bộ bị tha hóa về đạo đức, lối sống, luôn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân và cho doanh nghiệp. Kết quả xét xử cũng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các cán bộ, lớp trẻ, thế hệ mới nhìn những "tấm gương bể" này để tự răn mình.

Trái ngược hoàn toàn với những cảm xúc trên, một bộ phận giới trẻ lại đang có xu hướng phong "thánh", hóa "thần" cho một vài bị cáo. Cụ thể, trên nền tảng tiktok, một bộ phận giới trẻ coi bị cáo Hưng như một idol (người được đông đảo người hâm mộ tôn sùng và ngưỡng mộ).

Nhiều ngày nay, mạng xã hội tiktok xuất hiện những hình ảnh, clip tiêu đề "Hoàng Văn Hưng trở thành idol vì bào chữa quá khét". Clip nói về bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra Bộ Công an), cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án tự bào chữa trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu".

Xuyên suốt nội dung clip thể hiện, nhân vật chính là Hoàng Văn Hưng với lời dẫn những câu trả lời "khét" của anh ta trước Hội đồng xét xử. Nội dung đoạn clip có những câu từ thể hiện Hưng như một idol, dù anh ta đang là bị cáo trong một vụ "đại án". Những đoạn trích này thậm chí còn thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận.

Tài khoản Kingsman92: "Những lời cuối anh Hưng nói đỉnh thực sự".

Tài khoản User226: "Dẫn dắt rất hay, có tình có lý, câu cuối đúng là người văn võ song toàn".

"Tôi fan anh Hưng nhé. Nếu anh có sai thì tôi cũng không cần đúng", tài khoản MaiKimDuyen.

Hay tài khoản Gia đình bất ổn: "Sao mình ngưỡng mộ ông Hưng này thế. Quá giỏi".

Phong thánh, hóa thần cho bị cáo, giới trẻ có đang nhầm tưởng? - 1

Sự lệch lạc trong văn hóa thần tượng khiến người trẻ quên đi trách nhiệm chống tiêu cực.

Nhầm lẫn giữa tài năng và hành vi chống đối pháp luật

Trước những bình luận mang tính "hiệu ứng đám đông", lệch chuẩn, nhiều người thể hiện sự quan ngại về việc các bạn trẻ đang thần tượng một cách lệch lạc.

Tài khoản Nguyen Cong: "Giữa tâm dịch, những kẻ trục lợi qua "chuyến bay giải cứu", lại đang trở thành "hiện tượng mạng" được đánh bóng, ca ngợi. Sự lệch lạc trong văn hóa thần tượng khiến người trẻ quên đi trách nhiệm chống tiêu cực".

"Thần tượng sai người chính là vô tình tiếp tay cho những tư tưởng xấu, tiêu cực, độc hại, về lâu dài sẽ khiến nhiều người định hướng sai về những chuẩn mực xã hội", theo tài khoản Lan Anh.

Tài khoản Đinh Le: "Nhiều người thậm chí còn không hiểu hết những diễn biến của phiên tòa nhưng lại a dua thần tượng theo số đông. Một số khác lại lợi dụng điều này để đăng clip câu view (lượt xem), nếu không quản lý chặt việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, nhiều người sẽ có những hành động sai lệch".

Theo tài khoản Hieu Nguyen: "Mỗi người nên xác định đúng vị trí của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng, không nên cổ súy cho những hành vi sai trái, trái pháp luật".

Tài khoản Hoa Nguyễn: "Idol (Thần tượng) những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật thì có gì hay ho, thậm chí cần lên án và chấn chỉnh".

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, nhiều bạn trẻ đang có xu hướng lãng mạn hóa vấn đề, phóng chiếu khát vọng của cá nhân vào hành vi của một người. Điều này cho thấy, dường như các bạn suy nghĩ không có tư duy phản biện, nhìn sự việc một chiều, dễ bị dẫn dắt theo xu hướng đám đông, thần tượng hành vi của người nào đó một cách nhất thời.

Nếu như bản thân nhiều bạn trẻ trước đó có tư tưởng "nổi loạn" nhưng không dám thể hiện, và khi bắt gặp một hành vi của người khác có cùng tần số thì tự nhiên người ta cảm thấy ngưỡng mộ. Điều đáng nói, tiêu điểm chú ý của cộng đồng lại thường tập trung vào những điểm xấu. Chính điều này có thể là kẽ hở để kẻ xấu dễ lợi dụng, bởi động cơ của những người thần tượng hành vi nhất thời này đều mang tính bản năng.

Đôi khi, trong cuộc sống, nhiều giá trị tốt đẹp lại chưa thực sự chạm tới cảm xúc của người trẻ. Cảm xúc ở đây chưa nói đến việc đúng hay sai, mà điều cốt lõi, những vấn đề mang tính tiêu cực phần nào đó phản ánh chính những "bức bối" của người trẻ, và khi tìm được một người dám làm những điều đó, người ta dễ dàng bị nhầm lẫn giữa hành vi thể hiện tài năng và hành vi chống đối pháp luật.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, sự việc thần tượng nhầm hay lệch lạc thần tượng trong giới trẻ không phải hiếm thấy. Điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc định hướng giáo dục, bao gồm cả nhà trường và gia đình để người trẻ nhận ra những chuẩn mực thực sự trong cuộc sống.