Bạn đọc viết:
Phải coi như ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị tử hình
(Dân trí) - Sự việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, sau vụ án oan về tội giết người phải coi đây là đã bị thi hành án tử hình. Bởi vì một lẽ, do ông là con liệt sĩ, nên ông mới được giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Cuộc trở về đầy niềm vui và nước mắt của ông Chấn.
Thực ra, người cha liệt sĩ đã cứu ông; chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ đã cứu ông, chứ không phải là tòa án. Giả sử ông không phải là con liệt sĩ, bị kết án oan với tội giết người đặc biệt nghiêm trọng như vậy, thì hỡi ôi, ông đã bị kết án tử hình và đương nhiên, sẽ phải dựa cột, phải âm thầm đón nhận những viên đạn kết liễu cuộc đời, còn đâu cơ hội để được minh oan như ngày hôm nay?
Nghĩ đến ông Nguyễn Thanh Chấn, những người có lương tâm không khỏi xót xa buồn và rơi lệ.
Từ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, xin Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm xem xét, kiểm tra xem Công an tỉnh Bắc Giang đang làm gì để làm tròn chức trách, nhiệm vụ, bổn phận của mình? Có còn ai bị oan nữa không?
Trở lại vụ án 194 phố Huế mà Báo Dân trí đã đăng 34 bài cho thấy sự "đủng đỉnh" của TAND TP Hà Nội trong vụ án này. Bởi giữa Thủ đô lại xảy ra một vụ án động trời như vậy quả thật khó tin; Và khó tin hơn, khi vụ án kéo dài gần 5 năm vẫn chưa được giải quyết. Người dân mất nhà oan đến này vẫn còn lang thang vất vưởng, cay đắng nhìn sự đủng đỉnh của tòa án. Nói như vậy, bởi vì ngày 08/7/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã ban hành cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung theo khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự, về tội “Ra Quyết định trái pháp luật”. Vậy mà đến nay gần 4 tháng trôi qua (chỉ còn 5 ngày nữa) TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra xét xử vụ án trên theo quy định của pháp luật khiến dư luận hồ nghi.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Muốn thực hiện thành công chiến lược này, điều cốt yếu là phải quan tâm tới yếu tố con người. Con người thực thi các nhiệm vụ tư pháp phải thật sự vì dân, vì sự an toàn của đất nước, của sự thịnh trị của chế độ, vì hạnh phúc của con người. Những người ăn cơm nhân dân, làm việc của tổ chức, đặc biệt là của các cơ quan thực thi pháp luật, nhất thiết phải làm đúng, không được làm sai kể cả định tính và định lượng, dù là rất nhỏ, nhưng vô cùng nghiêm trọng.
Võ Như Báo