Bài 34: Vụ án 194 phố Huế: “Tránh để bị can bỏ trốn như Dương Chí Dũng"

(Dân trí) - Hiện nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, chỉ bị áp dụng biên pháp ngăn chặn "nhẹ nhàng nhất" là cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là điều khiến dư luận và giới luật sư thắc mắc và trăn trở bức xúc nhất!!!

Tránh việc bị can bỏ trốn
 
Vụ án 194 phố Huế là một vụ án được dư luận cả nước nói chung và giới luật sư nói riêng đặc biệt quan tâm. Tiếp theo việc trao đổi quan điểm về vụ án trên với các luật sư, phóng viên báo Dân trí đã có buổi phỏng vấn trực tiếp Luật sư Lê Quốc Đạt - Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
 
Vụ án 194 phố Huế: “Tránh để xảy ra trường hợp bị can bỏ trốn như Dương Chí Dũng
Luật sư Lê Quốc Đạt: "Quan điểm của nhiều luật sư là phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất đối với Chung để góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền"

Là một người đã tham gia rất nhiều vụ án hình sự trong các năm qua, luật sư Lê Quốc Đạt có quan điểm bức xúc như sau:

"Vụ án Trịnh Ngọc Chung, nguyên là Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng can tội ra quyết định trái pháp luật trong việc cưỡng chế thi hành án tại số nhà 194 phố Huế đã gây bức xúc trong dự luận xã hội và những người yêu chuộng công lý. Ngày 08/7/2013 VKSNDTC đã ra Cáo trạng số  18/VKSNDTC-V1A truy tố Trịnh Ngọc Chung  theo khoản 3 điều 296 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt lên đến mười năm tù.
 
Bản cáo trạng này đã được dư luận đặc biệt quan tâm và hoan nghênh vì hiếm khi một cán bộ cấp trưởng của một cơ quan hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp lại phải chuẩn bị ra đứng trước vành móng ngựa, chịu sự phán xử của Pháp luật. Liệu một bản án nghiêm minh tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội có được tuyên đối với Trịnh Ngọc Chung là một câu hỏi đang gâytranh cãi trong giới luật sư.
 
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Như Báo Dân trí đã đưa tin, Trịnh Ngọc Chung bị VKSNDTC truy tố theo khoản 3 điều 296 Bộ luật Hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng. Với tính chất và mức độ của loại tội phạm này, cơ quan Tiến hành tố tụng thường bắt tạm giam bị can để phục cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ngoài ra còn ngăn ngừa bị can có thể tiếp tục phạm tội mới hoặc bỏ trốn (như vụ án Dương Chí Dũng gây vất vả tốn kém cho các cơ quan chức năng) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án (ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp làm sai lệch hồ sơ vụ án). Việc bắt tạm giam bị can còn có tác dụng phòng ngừa chung, răn đe những kẻ đang có âm mưu phạm tội và cảnh tỉnh những kẻ có thể chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, để họ có thể tiến tới tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm, giảm bớt nguy hiểm cho xã hội...

Hiện nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, chỉ bị áp dụng biên pháp ngăn chặn "nhẹ nhàng nhất" là cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là điều khiến dư luận và giới luật sư thắc mắc và trăn trở bức xúc nhất!!!

Hiến pháp đã quy định "Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật". Nếu là một vụ án hình sự thông thường do cơ quan công an khởi tố, chắc là bị can đã bị bắt tạm giam từ lâu, thậm chí có những bị can phạm tội nhẹ hơn Chung rất nhiều (ví dụ như các bị can trong vụ án 112 xảy ra tại Văn phòng Chính phủ), nhưng vụ án này sao lại khác lạ như vậy.

Theo nhiều nguồn tin trong dư luận cho biết vợ của Trịnh Ngọc Chung là Thẩm phán của TAND thành phố Hà Nội, nơi sẽ trực tiếp xét xử sơ thẩm vụ án này. Vì thế có thể Tòa án Hà Nội đã nương nhẹ cho Chung??? Ngoài ra cũng có tin vì Chung làm nhiều năm ở cơ quan Tư pháp nên có nhiều mối quan hệ “chống lưng” che đỡ cho Chung trong vụ án này nên lẽ ra Chung phải bị bắt tạm giam nhưng vẫn được may mắn ung dung tại ngoại, ung dung ngoài vòng pháp luật. Đây là những điểm không thể chấp nhận được vì Chung  một người có chức vụ quyền hạn, có hiểu biết pháp luật, đúng ra là phải bị áp dụng những biện pháp ngăn chặn thật nghiêm khắc để làm gương cho những kẻ có chức vụ quyền hạn có dấu hiệu chuẩn bị phạm tội và tạo lòng tin trong đông đảo dư luận quần chúng.
 
Quan điểm của nhiều luật sư là phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất đối với Chung để góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại lòng tin của nhân dân vào Pháp luật. Pháp luật phải được áp dụng nghiêm minh, không trừ một ai, không có ngoại lệ. Đối với Trịnh Ngọc Chung, bắt tạm giam là xứng đáng và rất cần thiết, tránh để xảy ra một trường hợp bị can bỏ trốn như đã xảy ra ở vụ án Dương Chí Dũng".
 
Vụ án 194 phố Huế: “Tránh để xảy ra trường hợp bị can bỏ trốn như Dương Chí Dũng
Vụ án 194 phố Huế đã trở thành “điểm nóng” trên các diễn dàn pháp lý Thủ đô suốt 2 năm qua và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cơ quan công luận (ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Quyết định trái pháp luật phải bị thu hồi, hủy bỏ

Liên quan đến vụ án 194 phố Huế, Báo Dân trí nhận được ý kiến của luật sư Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư HL Nghi Xuân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay:

Thời gian vừa qua tôi được biết vụ án 194 Phố Huế trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên báo Điện tử Dân trí. Về thời hạn điều tra, truy tố pháp luật đã quy định rõ tại điều 119 và 166 BLTTHS. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật có một số vụ án các cơ quan thực hành tố tụng rất khó thực hiện đúng thời hạn pháp luật đã quy định. Những trường hợp này thường rơi vào các vụ án có bị can đang tại ngoại, có nhiều tình tiết phức tạp cần phải xem xét thận trọng hoặc cũng không tránh khỏi áp lực của các cơ quan khác,..
 
Đối với vụ án 194 phố Huế chắc sẽ có nhiều áp lực dẫn đến thời hạn điều tra, truy tố phải kéo dài. Vấn đề quan trọng nhất là việc vi phạm về thời hạn này không làm oan người vô tội và cũng không bỏ lọt tội phạm.
 
Khi có căn cứ xác định quyết định của người có thẩm quyền ban hành là trái pháp luật và gây hậu quả thì cơ quan thực hành tố tụng mới ra quyết định khởi tố vụ án. Về nguyên tắc, quyết định trái pháp luật phải bị thu hồi, hủy bỏ.
 
Như vậy, sau hơn 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua.
 
“Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật
 
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến