Nước thải bột mì làm cá chết, người dân bức xúc tại Bình Định!

(Dân trí) - Hiện tượng cá chết rải rác tại suối Đục, khu vực giáp ranh giữa thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ và thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát (Bình Định) được cho là do nước thải trong quá trình sản xuất tinh bột mì của một hộ dân ở địa phương.

Bình Định: Nước thải bột mì làm cá chết, do bò dẫm vỡ đường ống?

Theo phản ánh của người dân thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp), tình trạng nước ở suối Đục bốc mùi hôi và có tình trạng cá chết rải rác. Nguyên nhân được cho là từ việc sản xuất tinh bột mì của hộ ông Nguyễn Văn Hiếu ở cùng địa phương.

Ghi nhận của PV Dân trí tại khu vực suối Đục dài khoảng 100m, có hiện tượng nhiều loại cá nhỏ chết rải rác dọc suối và nguồn nước suối bốc mùi hôi khó chịu. Ông Nguyễn Văn H. một người dân ở thôn Vĩnh Long (xã Cát Hanh), sống ở giáp ranh với thôn Vạn Thiện (xã Cát Hiệp) cho biết: “Tình trạng nước suối Đục bốc mùi hôi và xuất hiện cá chết rải rác khoảng 10 ngày qua. Mấy ngày nay đỡ rồi chứ mấy hôm nước suối màu đen bốc mùi hôi thối, cá chết nhiều. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục để bảo vệ môi trường”.

Nước suối Đục bốc mùi hôi
Nước suối Đục bốc mùi hôi

Theo ông H. hiện tượng nước suối Đục có mùi hôi khiến cá chết là do cơ sở chế biến tinh bột mì đóng tại thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp) do ông Nguyễn Văn Hiếu làm chủ.

Thực tế, qua tìm hiểu lòng suối Đục - đoạn gần khu vực xử lý nước thải của cơ sở chế biến tinh bột mì của hộ ông Hiếu, có hiện tượng nước thải tinh bột mì bị rò rỉ, ứ đọng dưới lòng suối, bốc mùi hôi.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ cơ sở thừa nhận có việc rò rỉ nhưng không đáng kể và việc đó là sự cố ngoài ý muốn. “Hôm xảy ra sự cố, đường ống nước thải đấu nối từ khu vực nhà máy về các hồ xử lý bị bò của người dân địa phương dẫm vỡ. Do không phát hiện sớm nên có hiện tượng nước thải trong quá trình chế biến mì tràn ra ngoài và rò rỉ xuống lòng suối Đục. Hiện nay, tôi đã khắc phục, còn việc do nước thải làm cá chết thì tôi không nghe dân phản ánh vì suối này thường khô”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, cơ sở chế biến tinh bột mì của gia đình ông hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay theo kiểu gia đình, công suất khoảng 10 tấn mì tươi/ngày. Để bảo đảm môi trường trong quá trình hoạt động, ông đã xây dựng 6 bể lót bạt, 1 hầm biogas với tổng diện tích 3.500m2 để xử lý nước thải. Nước thải được lọc qua 6 bể lắng bằng bạt và cuối cùng qua bể lắng bằng đất.

Cá chết rải rác chết tại khu vục suối Đục
Cá chết rải rác chết tại khu vục suối Đục

Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Đầu tháng 10/2018, tôi có cử cán bộ phụ trách lên giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ sở chế biến tinh bột mì của hộ ông Nguyễn Văn Hiếu. Qua kiểm tra, cán bộ phụ trách nhận thấy cơ sở sản xuất này hoạt động cầm chừng, ngày chỉ vài tấn mì không đáng kể, không xảy ra hiện tượng nước thải chảy ra bên ngoài. Vì các hồ nước làm đảm bảo theo quy trình thiết kế và chưa đủ dung tích để thải. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí cung cấp, tôi sẽ chỉ đạo cán bộ phụ trách lên kiểm tra để nắm lại thông tin, nếu phát hiện có sai sót sẽ xử lý và yêu cầu ông Hiếu khắc phục”.

Doãn Công