Nỗi uất ức của thương binh ở Sóc Trăng khi công lý tiếp tục bị bác bỏ

(Dân trí) - Liên quan vụ khiếu nại về đất đai và chế độ chính sách của thương binh ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đến nay khiếu nại và tố cáo của ông chưa được giải quyết dù chứng cứ pháp lý đều thuộc về ông.

Chứng cứ pháp lý đất đai bị bác bỏ

Ngày 21/5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Trọng Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, cho biết UBND tỉnh Sóc Trăng đã có thông báo chấm dứt thụ lý đơn của ông Nguyễn Thanh Liêm và tỉnh cũng có báo cáo cho Ban Dân nguyện của Quốc hội.

Trước đó, ngày 12/12/2019, UBND tỉnh Sóc Trăng có thông báo với nội dung: “Chấm dứt việc nhận đơn, xem xét giải quyết vụ việc của ông Nguyễn Thanh Liêm tranh chấp 1.000m2 đất với ông Huỳnh Văn Lực. Giao Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngaanhf, địa phương liên quan chịu trách nhiệm tổ chức công bố và thực hiện thông báo này”.

Nỗi uất ức của thương binh ở Sóc Trăng khi công lý tiếp tục bị bác bỏ - 1

Thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Liêm (một thương binh) đi khiếu nại đòi quyền lợi của mình về đất đai nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 22/5, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Khi nhận được thông báo của UBND tỉnh, tôi đến trụ sở tiếp công dân tỉnh yêu cầu cung cấp cho tôi báo cáo của Tổ công tác do UBND tỉnh thành lập ngày 6/5/2019 thì họ trả lời là khiếu nại của tôi không có cơ sở nên không giải quyết.

Tôi hỏi họ là hồ sơ quản lý đất đai từ thị trấn Long Phú cho đến Sở Tài nguyên và Môi trường đều thể hiện tôi là người quản lý, sử dụng đất; UBND thị trấn Long Phú xác nhận tôi quản lý đất; cơ quan thuế xác nhận tôi nộp thuế cho phần đất đó mà nói không có cơ sở, còn ông Lực không cung cấp được chứng cứ gì thể hiện đất của ông lại được tỉnh coi là có cơ sở, giải quyết như vậy có đúng quy định không thì họ im lặng, kêu tôi nếu không đồng ý với thông báo thì làm đơn khiếu nại hoặc kiện ra tòa án.

Tôi rất bức xúc vì trước đây Thanh tra tỉnh đã làm sai khiến tôi bị mất đất nhưng sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương, tỉnh lại giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì xác minh. Việc làm này là giúp cho cơ quan vốn đã làm sai trước đây tiếp tục được bảo vệ cái sai của họ”.

Nỗi uất ức của thương binh ở Sóc Trăng khi công lý tiếp tục bị bác bỏ - 2

Phần đất khiếu nại của ông Liêm rơi vào tay người khác.

Ngày 22/5, có mặt tại khu đất mà ông Nguyễn Thanh Liêm đang khiếu nại, phóng viên ghi nhận nhiều công nhân và máy móc đang hoạt động, chuẩn bị xây dựng công trình. Một người dân cho biết, diện tích đất của ông Liêm trước đây đã được ông Lực sang bán cho người khác. Công trình đang chuẩn bị xây dựng là của một doanh nghiệp kinh doanh xe gắn máy ở Long Phú sở hữu.

Chế độ chính sách giải quyết lòng vòng

Về chế độ chính sách, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết ông tham gia cách mạng từ năm 1964, từng là Đội trưởng Đội biệt động huyện Long Phú thời kỳ chống Mỹ, được kết nạp Đảng năm 1970. Sau năm 1975, ông Liêm giữ các chức vụ Trưởng Công an rồi đến Thị Đội trưởng thị trấn Long Phú. Năm 1985, ông Liêm tham gia công tác ở Campuchia.

Năm 1986, ông Liêm về Long Phú, tham gia công tác, giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp 1, ấp 3. Sau đó, ông Liêm được bố trí làm công tác quản lý thị trường thị trấn Long Phú. Đến cuối năm 1996, địa phương cho ông Liêm nghỉ việc sau 33 năm liên tục công tác mà không nói rõ lý do.

Đối chiếu với các quy định về giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi thì ông Liêm đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Ngày 30/1/1999, Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú công nhận “thời gian công tác liên tục” của ông Liêm là 33 năm. Tuy nhiên, công văn vừa nêu lại “đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các bộ phận chức năng tiến hành chi trả tiền trợ cấp thôi việc” cho ông Liêm với mức 120.000 đồng x 33 tháng = 3.960.000 đồng.

Tiếp theo, ngày 12/6/1999, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Sóc Trăng lại có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú, cho rằng “ông Liêm tham gia cách mạng từ năm 1964, được bố trí công tác quản lý thị trường thị trấn Long Phú cho đến nay”. Từ đó, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh cho rằng, chức danh cán bộ quản lý thị trường không còn trong các chức danh cán bộ xã, phải giải quyết chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần, mỗi năm công tác được hưởng bằng một tháng sinh hoạt phí là 120.000 đồng/tháng nhưng ông Liêm không đồng ý, khiếu nại liên tục từ đó đến nay chưa được giải quyết nên ông phải khiếu nại đến các cơ quan Trung ương.

Ngày 24/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 10182/VPCP-V.I do Vụ trưởng Vụ I Trần Bích Ngọc ký với nội dung: Văn phòng Chính phủ nhận được đơn của ông Nguyễn Thanh Liêm gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Qua nghiên cứu nội dung, Văn phòng Chính phủ thấy đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Sóc Trăng nên Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của ông Nguyễn Thanh Liêm đến UBND tỉnh Sóc Trăng để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật.

Tiếp đó, ngày 9/3/2018, Ban Nội chính Trung ương cũng có công văn hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Liêm gửi đơn đến UBND tỉnh Sóc Trăng để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Nỗi uất ức của thương binh ở Sóc Trăng khi công lý tiếp tục bị bác bỏ - 3

Việc giải quyết chế độ chính sách cho ông Liêm cũng mất rất nhiều thời gian. 

Ngày 22/5, trao đổi với phóng viên, ông Kha Quốc Dũng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Long Phú, cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất công tác xác minh, có hồ sơ báo cáo về cấp trên trường hợp của ông Liêm và tỉnh đã giao cho Bảo hiểm xã hội tỉnh tạm tính để giải quyết cho ông Liêm đúng quy định”.

Trong khi đó, một cán bộ tiếp dân của Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng giải thích: “Trường hợp này chúng tôi đã biết nhưng theo quy định, Bảo hiểm xã hội chỉ chịu trách nhiệm chi trả chế độ tính từ ngày 1/1/1995 trở về sau này. Còn trước đó là chính sách thì do Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng chịu trách nhiệm”.

Đến Phòng Người có công của Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng, sau khi nghe phóng viên trình bày nội dung, một nữ cán bộ đã kiểm tra trên hệ thống và cho biết “không thấy tên của ông Nguyễn Thanh Liêm trong hồ sơ giải quyết chế độ”.

B.D