Ninh Bình: Xuất lộ thêm nhiều bãi cát không phép ven sông Đáy

(Dân trí) - Không chỉ ở tuyến sông Hoàng Long đang tồn tại nhiều bãi cát “lậu” ngang nhiên hoạt động mà dọc theo sông Đáy, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện cũng xuất lộ thêm nhiều bãi cát không phép nhưng chưa bị dẹp bỏ.

Sông Đáy, đoạn quan xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hiện vẫn còn nhiều bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng không phép, hoạt đồng nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước sự vi phạm của hộ dân kinh doanh tại đây chính quyền địa phương không thẳng tay dẹp bỏ, ngược lại còn tạo điều kiện để hộ kinh doanh này “có thêm thu nhập”.

Bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng không phép của hộ ông Quyết nằm ngay bên sông Đáy.
Bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng không phép của hộ ông Quyết nằm ngay bên sông Đáy.

Theo đó, tại thôn Bến Xanh, xã Khánh Thiện hiện đang tồn tại bãi cát “lậu” của hộ ông Trần Văn Quyết. Diện tích đất mà gia đình ông Quyết làm bãi cát là bãi bồi ven sông Đáy, thuộc sự quản lý của UBND xã Khánh Thiện. Trước tháng 10/2015, UBND xã Khánh Thiện cho hộ ông Quyết thuê diện tích 1.500m2 đất hoang này với số tiền là 4.000.000 đồng/năm.

Gia đình ông Quyết san lấp, sau đó biến bãi đất hoang này thành bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng từ đó cho đến nay. Đến ngày 15/10/2015, hợp đồng thuê đất giữa hộ ông Quyết và UBND xã Khánh Thiện hết hiệu lực, tuy nhiên đến nay hộ ông này vẫn sử dụng diện tích đất trên để làm bến bãi, kinh doanh vật liệu xây dựng. Điều đặc biệt là bãi tập kết này chưa được sự cấp phép chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, nhưng không bị cơ quan nào đứng ra dẹp bỏ.

Ghi nhận của PV Dân trí, trên bãi đất rộng 1.500m2 bên sông Đáy, giáp với đê đường Bái Đính – Kim Sơn, hộ ông Quyết chia thành nhiều diện tích nhỏ khác nhau. Nơi thì dùng làm bãi tập kết cát xây dựng, nơi thành cát bồi nền, nơi để đá xay… Thời điểm chúng tôi có mặt, dù bãi tập kết này không có phép nhưng cảnh mua bán cát, vật liệu xây dựng tại đây vẫn diễn ra bình thường.

Phía dưới sông một vài con tàu lớn đang cập bến cung cấp hàng cho bãi, những chiếc cẩu điện dài hơn chục mét, có gàu múc hàng khối hoạt động hết công suất. Từ trên đê đường Bái Đính - Kim Sơn có một con đường đất lớn nối xuống bãi cát này, xe ô tô vào “ăn hàng” rồi từ đây đi phân phối vật liệu đến khắp nơi.

Không có phép nhưng nhiều năm qua bãi cát của hộ ông Quyết vẫn hoạt động bình thường, không bị xử lý dẹp bỏ.
Không có phép nhưng nhiều năm qua bãi cát của hộ ông Quyết vẫn hoạt động bình thường, không bị xử lý dẹp bỏ.

Cách bãi cát của hộ ông Quyết không xa là bãi cát của hộ ông Trần Văn Hiển, thôn Phú Hậu, xã Khánh Thiện. Bãi cát này không nằm lộ ra ngoài ven sông Đáy nhưng được nằm gọn vào chân đê ngay cạnh Âu Xanh. Dù chưa được cấp phép nhưng hộ ông Hiển vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh cát trái phép nhiều năm qua mà không bị dẹp bỏ.

Nhiều loại cát được chủ bãi tập kết và đổ vào ngay sát chân đê, chỉ cách Âu Xanh chừng 200m, cách đê hữu sông Đáy khoảng 100m. Bãi cát này nằm trọn trong hành lang bảo vệ đê. Vi phạm pháp luật là thế nhưng chủ bãi này vẫn cho tập kết cát để bán thường xuyên, tại đây không chỉ có cẩu điện để đưa cát từ dưới thuyền lên mà còn có hệ thống máy xúc để múc cát lên xe công nông, xe tải chở đi tiêu thụ…

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Minh Xanh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện thừa nhận đúng là 2 bãi cát của hai hộ dân trên chưa được cấp phép cho hoạt động, nhưng vẫn tồn tại trên địa bàn nhiều năm qua. Ông Xanh lý giải, các hộ dân hoạt động bãi cát là sai, nhưng do họ không có công ăn việc làm nên địa phương tạo điều kiện cho những hộ dân này hoạt động kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.

Bãi cát lậu của hộ ông Trần Văn Hiển nằm sát chân đê hữu sông Đáy, cạnh với Âu Xanh.
Bãi cát "lậu" của hộ ông Trần Văn Hiển nằm sát chân đê hữu sông Đáy, cạnh với Âu Xanh.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện, địa phương cũng chỉ cho các hộ dân này hoạt động từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau (mùa khô), còn đến mùa mưa bão thì yêu cầu họ dừng hoạt động. Thời điểm này, các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, lập biên bản xử phạt các hộ dân này vi phạm hành lang đê điều và phòng chống thiên tai, sau đó giao lại cho UBND xã Khánh Thiện ra quyết định xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động.

“Năm trước xã đã phạt các hộ dân này số tiền mỗi hộ 1.000.000 đồng. Năm nay thì chúng tôi chưa đi kiểm tra nên chưa có quyết định xử phạt. Nói về lý thì là sai nhưng cũng vì người dân nên cũng tạo điều kiện cho họ làm để phát triển kinh tế”, ông Xanh nói.

Chủ tịch xã Khánh Thiện cho biết thêm, trong 2 bãi cát “lậu” này, chỉ có bãi cát của hộ ông Trần Văn Quyết là được UBND xã “nhân nhượng” cho tập kết, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng vào mùa khô, còn mùa mưa thì cấm không cho làm. Còn hộ ông Trần Văn Hiển thì cương quyết cấm không cho làm vào bất cứ thời gian nào.

Tuy nhiên, thực tế hộ gia đình ông Hiển vẫn ngang nhiên tập kết cát sau đó kinh doanh như không hề có lệnh cấm của chính quyền xã. Nói về điều này, ông Xanh cho rằng đã cấm triệt để nhưng hộ ông này cứ “cù nhầy” nên không dẹp bỏ được, xã thì không đủ khả năng để cưỡng chế, ép hộ dân này tháo dỡ, di dời được vì bãi cát này nằm ngoài khả năng.

Chính quyền địa phương vào cuộc không cương quyết, chưa biết đến bao giờ những bãi cát không phép trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới bị dẹp bỏ.
Chính quyền địa phương vào cuộc không cương quyết, chưa biết đến bao giờ những bãi cát không phép trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới bị dẹp bỏ.

Tình trạng các bãi cát không phép ngang nhiên hoạt động dẫn đến Luật đê điều và Phòng chống thiên tại Ninh Bình đang bị xem nhẹ. Chính quyền địa phương nơi có các bãi cát “lậu” vào cuộc không cương quyết, có phần “nhân nhượng”, khiến dư luận đặt câu hỏi: Chưa biết đến bao giờ những bãi cát không phép này mới bị dẹp bỏ để loại trừ nạn “cát tặc” như chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong thời gian qua.

Thái Bá