Ninh Bình: Hàng loạt bãi cát "lậu" ngang nhiên hoạt động bên sông Hoàng Long
(Dân trí) - Hàng loạt bãi tập kết cát trái phép ngang nhiên hoạt động bên tuyến đê tả sông Hoàng Long (Ninh Bình) nhiều năm qua nhưng không bị dẹp bỏ. Các chủ bãi thì vô tư kinh doanh còn chính quyền địa phương thì “bó tay” trong cách xử lý.
Hàng loạt bãi cát “lậu”
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tuyến đê tả sông Hoàng đoạn từ cầu Gián Khẩu đến xã Gia Phú, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) hiện đang tồn tại gần chục điểm, bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trái phép. Nhiều năm qua, những bãi cát lậu này ngang nhiên hoạt động nhưng vẫn không bị ngành chức năng tỉnh Ninh Bình xử lý dứt điểm.
Tại địa bàn xã Gia Trung, huyện Gia Viễn có 3 bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng đều chưa được cấp phép gồm: Bãi tập kết cát của hộ ông Hà Minh Tiện (thôn Đông Khê), hộ Trần Văn Tuấn và Trần Văn Quản (thôn Điềm Khê).
Theo quan sát của chúng tôi, các bãi cát, vật liệu xây dựng này nằm gần nhau, chỉ trên một đoạn ngắn sông Hoàng Long. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, các chủ bãi đã dựng những chiếc cẩu điện dài gần chục mét với hệ thống dây cáp và gàu múc vươn xuống những chiếc tàu, thuyền chở cát từ nơi khác đến múc đổ lên bãi chất thành đống lớn.
Từ bãi tập kết ven sông này, để thuận tiện cho việc xe tải ra vào “ăn hàng” đưa đi tiêu thụ, các chủ bãi bạt luôn sườn đê để làm đường đi từ bãi lên đê, nhằm dễ bề kinh doanh buôn bán. Có những điểm tập kết nằm sát chân đê nhưng cách xa sông Hoàng Long, chủ bãi cát còn đào cả hệ thống lạch nối từ bãi ra sông để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cung cấp cát.
Thấy phóng viên đến tìm hiểu về những bãi cát “lậu” này, một người dân cho hay, những bãi cát này tồn tại nhiều năm nay nhưng không thấy dẹp bỏ, nhiều lần dân cũng thấy đoàn kiểm tra về nhưng sau đâu lại vào đấy. “Bãi cát hoạt động ngay sát chân đê mùa mưa bão sắp đến cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, bảo vệ đê. Xe tải ra vào lấy cát cứ chạy ầm ầm trên đê chẳng mấy chốc mà đường đê nát hết”, người dân này nói.
Dọc theo tuyến đê tả sông Hoàng Long, cách các điểm tập kết cát lậu của xã Gia Trung không xa là 3 bãi tập kết cát, xưởng chế biến gỗ tại thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú (Gia Viễn). Theo tìm hiểu, các điểm tập kết này cũng không được cấp phép nhưng hoạt động chuyên nghiệp và quy mô lớn hơn rất nhiều các điểm tại xã Gia Trung. Tại đây, một bãi cát với những chiếc cẩu điện công suất lớn được đầu tư hiện đại, bãi cát chất đầy cao lớn như núi, con đường dẫn từ đê xuống bãi được làm rộng lớn bên sường đê nhưng do nhiều xe ra vào nên cũng bị cày nát.
Đặc biệt hơn, ngay sát chân đê tại thôn Ngô Đồng ngoài bãi cát còn có một xưởng chế biến gỗ hoạt động không phép. Gỗ nguyên liệu được xe tải đưa về đây, sau đó đưa vào máy nghiền thành dăm gỗ rồi chất thành đống to. Từ đây, dăm gỗ này được chuyển xuống các xà lan khối lớn chuyển đi xa.
Chính quyền xã “bó tay” xử lý
Trước thực trạng các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ nằm sát chân đê không phép, vi phạm Luật đê điều và Phòng chống thiên tai, ngang nhiên hoạt động trên địa bàn, PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Gia Trung và xã Gia Phú, huyện Gia Viễn.
Chủ tịch UBND 2 xã này đều thừa nhận, các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng hoạt động trên địa bàn từ rất lâu và đến nay đều chưa được cấp phép. Nhưng chính quyền xã chỉ biết yêu cầu, còn không có cách nào xử lý được vì “vượt thẩm quyền” cũng như các chủ bãi “không tuân thủ” quy định của pháp luật.
Ông Dư Xuân Tạo, Chủ tịch UBND xã Gia Trung cho biết, các bãi tập kết cát trên địa bàn trước kia là đất công ích của xã cho các hộ dân thuê để sản xuất nông nghiệp nhưng họ lại sử dụng sai mục đích. Ngay sau đó, UBND xã đã cắt hợp đồng cho thuê đất và yêu cầu các hộ dân dừng hoạt động bãi cát, tháo dỡ các công trình vi phạm.
Chính quyền xã Gia Trung yêu cầu các chủ bãi này “tuân thủ” từ nhiều năm trước, hàng năm cũng thường xuyên yêu cầu nhưng không hiểu lý do vì sao, đến nay các bãi tập kết cát “lậu” trên địa bàn vẫn ngang nhiên hoạt động, vi phạm pháp luật, thách thức các cơ quan chức năng.
“Địa phương không xử phạt hành chính các hộ này được vì vượt quá thẩm quyền? Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị lên huyện, lên tỉnh rồi! Năm 2016 đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã về kiểm tra lập biên bản, xử phạt hành chính yêu cầu dừng hoạt động, tháo dỡ để đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay các hộ không chịu thực hiện”, ông Tạo nói.
Chủ tịch UBND xã Gia Trung nêu quan điểm: “Nhà nước nhất trí cho họ làm (một số bãi cát nằm trong quy hoạch - PV) thì phải tạo điều kiện, hành lang pháp lý còn không thì phải làm (xử lý) triệt để. Nếu không cấp phép thì phải giải tỏa”.
Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cũng thừa nhận trên địa bàn xã có 3 bãi tập kết cát, chế biến gỗ tồn tại đã lâu, những bãi tập kết này cũng không có phép, diện tích đất làm bãi này trước kia cũng là đất công ích của xã. Các bãi này của các hộ gồm: ông Tạ Văn Chung, Nguyễn Văn Khiêm và Vũ Thanh Phúc.
“Xã cũng chỉ biết nhắc nhở các hộ dân phải tuân thủ đúng quy định chứ thẩm quyền để xứ lý thì chúng tôi không được phép. Hàng năm trước mùa mưa bão chúng tôi cũng cử người đến yêu cầu các hộ phải đảm bảo dòng chảy…”, ông Sơn nói.
Được biết, ngày 26/10/2016, Chi cục Đường thủy Nội địa phía Bắc đã về kiểm tra và lập biên bản đình chỉ hoạt động các bãi tập kết này. Tuy nhiên, đến nay tất cả các bãi tập kết cát trái phép này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có cơ quan chức năng nào của tỉnh Ninh Bình đứng ra xử lý dứt điểm, để các chủ hộ “vô tư” vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Việc các bãi cát “lậu” tồn tại và ngang nhiên hoạt động khiến dư luận hoài nghi, phải chăng các bãi cát này đã được “bật đèn xanh” cho lộng hành? Hay có sự “chống lưng” nào đó để họ ngang nhiên vi phạm pháp luật?
Thái Bá