Bài 7:

Ninh Bình: “Điểm mặt” những doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm pháp luật đê điều!

(Dân trí) - Trong tổng số 69 vụ vi phạm pháp luật đê điều còn tồn tại ở Ninh Bình hiện nay có đến 33 vụ của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đại gia, là các “ông lớn” tại địa phương. Những doanh nghiệp này bất hợp tác trong xử lý vi phạm, coi thường cơ quan chức năng và luật pháp.

Như Dân trí đã phản ánh, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tại Ninh Bình thời gian qua là “điểm nóng” và gây bức xúc trong dư luận. Trong những vi phạm gây “nhức nhối” có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn có tiền tuổi tại Ninh Bình, hay còn được gọi là các “ông lớn”. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo ban ngành chức năng, chính quyền địa phương mạnh tay xử lý các vi phạm nhưng hầu hết cơ quan chức năng đều không dám đụng vào các “ông lớn”. Vì thế đến nay, các vụ vi phạm pháp luật về đê điều tại Ninh Bình của các doanh nghiệp lớn vẫn còn “nhan nhản”.

Công trình vi phạm pháp luật đê điều khủng của Công ty CP chế tạo máy Ninh Bình tại đê hữu sông Đáy đoạn qua phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình vẫn chưa bị dẹp bỏ.
Công trình vi phạm pháp luật đê điều "khủng" của Công ty CP chế tạo máy Ninh Bình tại đê hữu sông Đáy đoạn qua phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình vẫn chưa bị dẹp bỏ.

Báo Dân trí đã từng thông tin chỉ rõ những sai phạm “khủng” của các doanh nghiệp, đến nay sau khi cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vào cuộc xử lý, các công trình sai phạm nghiêm trọng này vẫn “án binh bất động”, nhiều công trình vi phạm của các doanh nghiệp vẫn vô tư hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Các cơ quan chức năng, địa phương đến kiểm tra, xử lý thì các đơn vị này bất hợp tác, coi thường pháp luật.

Cụ thể, tại thành phố Ninh Bình hiện còn 5 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đê điều thì đều là vi phạm của những “doanh nghiệp đại gia”. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra xử lý, các doanh nghiệp này đều “trây ì”, bất hợp tác, viện nhiều lý do khiến cơ quan chức năng “bó tay” không thể xử lý triệt để các vi phạm “khủng” này.

Theo đó, tại Km20 + 360 đến Km20 + 660 đê hữu sông Đáy đoạn qua phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình, Tập đoàn Vissai Ninh Bình đã xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận, chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh, xây dựng một số hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT; xây nhà bảo vệ, đổ trụ bê tông, đặt vỏ công ten nơ lên bệ cọc lớp mái tôn làm nhà sinh hoạt. Khi cơ quan chức năng thành phố Ninh Bình vào kiểm tra xử lý những vi phạm trên, đơn vị này lấy lý do xin cấp phép bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Cảng vi phạm của Tập đoàn The Vissai Ninh Bình.
Cảng vi phạm của Tập đoàn The Vissai Ninh Bình.

Cũng tại đê hữu Đáy, đoạn qua phường Bích Đào, Công ty CP chế tạo máy Ninh Bình đã xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận, chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh; san lấp, xây dựng một số hạng mục không đúng trong văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT; Dựng hàng rào tôn, đổ bê tông làm đường ray cổng tại chân đê, dựng nhà khung thép di động, xây nhà bảo vệ, lắp phễu si lô rót hàng…

Đoàn kiểm tra của thành phố, UBND phường Bích Đào và Hạt quản lý đê Hoa Lư nhiều lần vào làm việc với công ty nhưng không lần nào gặp được lãnh đạo chủ chốt; công ty cử cán bộ phụ trách kỹ thuật tiếp đoàn và không có thiện chí hợp tác. UBND thành phố Ninh Bình cho biết, lý do chưa xử lý dứt điểm công trình vi phạm của đơn vị này do Công ty CP chế tạo máy Ninh Bình không hợp tác.

Tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình (đê hữu sông Đáy – Km23+120 đến Km23+170 và Km23+150 đến Km23+900) Công ty CP THAIGRUOP (Tên cũ Công ty CP Xuân Thành Group) đã tiến hành tập kết xi măng, cát, xây dựng công trình không có trong văn bản cho phép của UBND tỉnh; xây nhà bảo vệ, đổ bê tông trạm cân sát mép ngoài mái đê phía sông. Những vi phạm này cơ quan chức năng thành phố Ninh Bình cũng đã đến kiểm tra, tuy nhiên đến nay cũng chưa xử lý dứt điểm những vi phạm do công ty có ý kiến sẽ xin cấp phép bổ sung nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Bãi tập kết cát cao như núi bên chân đê hữu sông Đáy phía đồng của Công ty CP Thai Gruop.
Bãi tập kết cát cao như núi bên chân đê hữu sông Đáy phía đồng của Công ty CP Thai Gruop.

Một số doanh nghiệp lớn như: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty CP Đạm Ninh Bình, Nhà máy xi măng The Vissai, Công ty TNHH Thiên Trường An, Công ty TNHH Thiên Phú, Công ty TNHH MTV Linh Nhung, Công ty CP kinh doanh than miền Bắc Vina Comin… cũng có nhiều vi phạm nghiệp trong pháp luật về đê điều. Các vi phạm của những doanh nghiệp này nằm ở hai bên tuyến đê sông Hoàng Long, và đê hữu sông Đáy đoạn qua huyện Gia Viễn và huyện Yên Khánh.

Cụ thể, xưởng chế biến răm gỗ của Công ty TNHH MTV Linh Nhung ở xã Gia Phú, huyện Gia Viễn báo Dân trí đã phản ánh nhiều lần, tuy nhiên công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ của doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa bị cơ quan chức năng dẹp bỏ. Theo đó, hàng loạt sai phạm của công ty này như: San lấp, tôn cao, đổ bê tông mặt bãi; xây dựng nhà; mở dốc lên đê; xây nhà lợp mái tôn; xây tường bao dài 70m; lắp đặt băng tải, trạm cân vi phạm pháp luật về đê điều. Công ty này nhiều lần bị kiểm tra xử lý, tuy nhiên đến nay công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cũng dọc đê tả sông Hoàng Long (đoạn qua xã Gia Tân và Gia Thanh), Nhà máy xi măng The – Vissai cũng đã xây dựng nhiều công trình, hạng mục cảng sông trái phép khi mới chỉ có văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh… Công trình vi phạm “khủng” này không cơ quan chức năng nào dám đụng vào vì của “ông lớn” là Tập đoàn The Vissai Ninh Bình.

Công trình vi phạm của Nhà máy xi măng The - Vissai tại đê tả sông Hoàng Long.
Công trình vi phạm của Nhà máy xi măng The - Vissai tại đê tả sông Hoàng Long.

Tại ngã 3 sông Hoàng Long với sông Đáy, Công ty TNHH Thiên Phú cũng có hàng loạt vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó, san lấp, tôn cao mặt bãi khi chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh; xây nhà xưởng, kè, trạm trộn bê tông, chất vật liệu (quặng, cát), tập kết sửa chữa tàu thuyền trong hành lang thoát lũ. Những vi phạm này không những chưa bị xử lý dẹp bỏ, đến nay doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Dọc theo đê hữu sông Đáy về phía biển, đoạn qua các xã của huyện Yên Khánh hiện vẫn còn tồn tại hàng loạt các vi phạm pháp luật đê điều của nhiều doanh nghiệp lớn như: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty TNHH Thiên Trường An… những vi phạm này đều cũng không được xử lý dứt điểm như chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình gây bức xúc trong dư luận.

Ông Lâm Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Bình cho biết, hầu hết các vi phạm pháp luật về đê điều của các doanh nghiệp còn tồn tại hiện nay đều là các vi phạm lớn. Tuy nhiên, rất khó xử lý dứt điểm những vi phạm này vì các doanh nghiệp không chịu hợp tác. Chính quyền địa phương nhiều huyện cũng chưa thực sự cương quyết để dẹp bỏ những vi phạm này.

Thái Bá