Ninh Bình chỉ đạo "nóng" xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luật đê điều

Thái Bá

(Dân trí) - UBND tỉnh Ninh Bình vừa yêu cầu 5 Sở, ngành; 8 huyện, thành phố cùng một số đơn vị vào cuộc "mạnh tay" xử lý dứt điểm vi phạm luật đê điều trên địa bàn, không để bức xúc trong nhân dân.

Như báo Dân trí đã phản ánh, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trở nên nhức nhối. Các vụ vi phạm diễn ra trong nhiều năm, tuy nhiên các cấp chính quyền, ban ngành chức năng không thể xử lý dứt điểm. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm cứ thế "mặc sức tung hoành".

Ninh Bình chỉ đạo nóng xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luật đê điều - 1

Hàng loạt vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 54 vụ vi phạm (29 tổ chức, 25 cá nhân) hành lang bảo vệ đê. Trong đó, nhiều nhất là huyện Yên Khánh 18 vụ, Gia Viễn 12 vụ, Nho Quan 8 vụ, Hoa Lư 7 vụ, Kim Sơn 5 vụ, TP Ninh Bình 3 vụ…

Để đảm bảo an toàn cho đê điều và an toàn giao thông, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan vào cuộc "mạnh tay" xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các phòng, ban chức năng thuộc UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, phối hợp ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm cũ còn tồn tại;

Ninh Bình chỉ đạo nóng xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luật đê điều - 2

Các tổ chức, cá nhân xây nhà trái phép ngay trong hành lang bảo vệ đê.

Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê cấp III trở lên sau khi đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, bàn giao đưa vào sử dụng; phối hợp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố địa phương triển khai tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V theo quy định; triển khai thực hiện lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê.

Đối với UBND các huyện, thành phố: Không để vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm; chủ động làm việc với các hộ gia đình, doanh nghiệp có vi phạm còn tồn tại kéo dài để tự giác giải tỏa hạng mục vi phạm theo quy định; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, thoát lũ và xe quá tải trọng chạy trên đê theo đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình cưỡng chế để xử lý các vụ vi phạm còn tồn đọng kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông trên địa bàn đảm bảo an toàn cho tuyến đê và tiêu thoát lũ…

Ninh Bình chỉ đạo nóng xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luật đê điều - 3

Nhiều năm qua, chính quyền các cấp ở Ninh Bình bất lực vì các vụ vi phạm Luật Đê điều dẫn đến các tổ chức, cá nhân mặc sức tung hoành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra các dự án liên quan đến đê điều; tham mưu thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án hoạt động không hiệu quả, các chủ doanh nghiệp không chấp hành, cố tình vi phạm quy định về bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ.

Sở Giao thông vận tải ngăn chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm việc xếp hàng hóa, vật liệu lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép ngay tại các đầu mối, khu vực tập kết hàng hóa để ngăn chặn kịp thời trước khi xe lưu thông đồng thời kiểm tra, xử lý đối với các xe quá tải trọng đi trên đê. Rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát các đơn vị, cá nhân thực hiện dự án liên quan đến đê điều theo Giấy chứng nhận sử dụng đất được cấp và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ninh Bình chỉ đạo nóng xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luật đê điều - 4

Công trình "khủng" vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Công an tỉnh kiểm tra, giám sát thường xuyên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các phương tiện chạy trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh. Chủ trì thực hiện công tác kiểm soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, các chủ phương tiện không chấp hành pháp luật về giao thông, chở quá khổ, quá tải ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê.

Các Chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng Nông nghiệp và PTNT tỉnh khi triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng mặt cắt đê phải xem xét giải phóng mặt bằng thu hồi hành lang đê đúng theo quy định của Luật Đê điều; đưa hạng mục cắm biển báo và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê vào dự án mới để thực hiện; xem xét bổ sung hạng mục cắm mốc chỉ giới đối với các dự án đang triển khai thực hiện; Chỉ đạo đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án chở vật liệu, máy móc yêu cầu tải trọng xe chạy trên đê không được vượt quá tải trọng cho phép được quy định.