Bình Định:

"Nín thở" lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh

Doãn Công

(Dân trí) - Mỗi mùa lũ về cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh lại bị hà bá "nuốt chửng". Qua lũ, người dân kiếm gỗ, bỏ công sức ra làm lại cầu để đi lại suốt 10 năm qua.

Hơn 10 năm nay, khoảng 70 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu ở xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vẫn phải đi lại qua cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh. Người dân ở xóm nghèo này mong mỏi sớm có một cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại và bớt hiểm nguy.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 1

Hằng ngày, người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) phải đi qua cây cầu tạm suốt hơn 10 năm qua.

Cách UBND xã Phước Thành chỉ chừng khoảng 3 km, nhưng xóm 4 (thôn Cảnh An 1) lại nằm ở vị trí vô cùng cách trở với dãy núi Hòn Chà vây quanh. Một bên là con sông Hà Thành "hung dữ" mỗi mùa lũ về. Đất đai ở đây cũng kém màu mỡ và nguồn nước khan hiếm, quanh năm còn bị "tra tấn" bởi tình trạng khai thác đá trên núi gây ảnh hưởng đời sống và ruộng đồng bị sa bồi.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 2

Cây cầu gỗ tạm bắc qua sông Hà Thanh dài hơn 100 m, không lan can, bên dưới nước sâu khiến người đi phải "thót tim".

Đặc biệt, giao thông qua lại còn rất khó khăn, vất vả. Để đến trung tâm xã nhanh nhất, hơn 10 năm qua người dân phải đi qua cầu tạm làm bằng gỗ bắc qua sông Hà Thanh dài hơn 100 m.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, cây cầu tạm được làm chủ yếu bằng gỗ bạch đàn (bạc hà). Trụ cầu được chằng chống sơ sài bằng các thân cây có đường kính từ 10 - 15 cm; mặt cầu đan kết lại với các cây nhỏ đường kính 5 - 7 cm.

Cầu rộng chỉ chừng 2 m, hai bên cầu chẳng có lan can. Phía dưới sông có những khu vực hố sâu, khi có mưa lớn nước chảy xiết rất nguy hiểm. Người dân địa phương phải cắm biển cảnh báo nước sâu nguy hiểm. Vậy nên mỗi khi đi xe máy hay xe đạp qua cầu, nhất là phụ nữ "yếu tim" và các em học sinh nhỏ phải "nín thở".

Bình Định: "Nín thở" đi qua cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh

Ông Nguyễn Tấn Bá (65 tuổi, xóm 4, thôn Cảnh An 1) cho hay, trước đây, lòng sông bằng phẳng, nước cạn, chỉ ngập ngang đầu gối người lớn nên người dân có thể chèo đò hoặc lội bộ qua sông. Sau này, tình trạng khai thác cát vô tội vạ làm thay đổi dòng chảy, lòng sông ngày càng thêm sâu và chảy xiết nên không thể đi lại được.

Ông Bá cho biết thêm, nhiều năm về trước, đã có một số người tử vong do lật đò khi chèo qua đoạn sông này. Từ đó, người dân mới nghĩ cách làm cây cầu gỗ tạm để thuận tiện cho việc đi lại và để con em đến trường được an toàn.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 3

Theo người dân, cứ đến tháng 9-10 hằng năm mưa lớn, lũ về là cây cầu lại bị cuốn phăng.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 4

Người dân đi lại khó khăn, nhất là các cháu học sinh đi qua cầu nguy hiểm vì nước sông sâu.

"Hơn 10 năm qua, mỗi năm người dân phải tự bỏ cây gỗ, đóng góp công sức để làm cầu đi lại cho thuận tiện. Thế nhưng cứ tới mùa mưa lũ là cầu trôi mất, năm nào cũng vậy, người dân tốn kém hàng trăm triệu đồng để làm lại cầu. Mùa mưa lũ, cầu bị cuốn trôi, học sinh phải đi đường vòng vừa xa, lại lầy lội khó đi. Gia đình nào có người quen bên trung tâm xã thì gửi nhờ con bên đó để tiện cho việc học", ông Bá nói.

Theo người dân cho biết, nhiều lần họp cử tri có lãnh đạo tỉnh, bà con xóm 4 rất tha thiết mong có cây bê tông cốt thép kiên cố để bà con đi lại, nhất là cho các cháu học sinh. Tuy nhiên, chính quyền nói rằng do dân cư ở đây ít, kinh phí xây dựng cầu quá cao nên chưa làm được.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 5

Tình trạng khai thác cát vô tội vạ khiến lòng sông bị khoét sâu, nên người dân phải đặt biển cảnh báo.

"Không có cây cầu, người dân, con em chúng tôi chịu thiệt thòi đủ thứ. Các cháu đi học qua sông nguy hiểm, còn người dân mua bán nông sản gặp khó khăn, bị ép giá. Nếu như giá lúa thương lái mua ở bên kia sông được 5.000 đồng/kg, thì mua của người dân chúng tôi chỉ 4.000 đồng vì đường đi khó khăn", ông Bá nói thêm.

Cụ Nguyễn Mỉnh (77 tuổi, người dân xóm 4) mong muốn: "Lâu lâu, tôi mới đạp xe ra khỏi xóm để xem quê hương đổi thay ra sao, nhưng mỗi lần qua cầu phải xuống xe dắt bộ. Giờ nhà nước quan tâm xây cho cây cầu qua sông thì nhân dân ở đây vui mừng biết mấy".

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 6

Mỗi năm, người dân phải tự góp cây gỗ, bỏ công sức ra làm lại cầu để đi lại, tốn hàng trăm triệu đồng.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 7

Trụ cầu, mặt cầu được làm sơ sài.

Ông Lê Thành Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) - cho hay, nhiều năm qua, người dân xóm 4 (thôn Cảnh An 1) liên tục kiến nghị việc xây dựng một cây cầu kiên cố để đi lại thuận tiện. Địa phương cũng nhận thấy việc xây dựng cầu là cần thiết nhưng do kinh phí khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được.

Nín thở lưu thông trên cây cầu tạm bắc qua sông Hà Thanh - 8

Người dân xóm 4 (thôn Cảnh An 1) mong mỏi một cây cầu kiên cố để thuận tiện việc đi lại.

Mới đây, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND huyện Tuy Phước đã thống nhất sẽ xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hà Thanh, kết nối giao thông từ xóm 4, thôn Cảnh An 1 với trung tâm xã Phước Thành.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm