"Con liệt sĩ chính thức mất đất sau bản án khó hiểu của tòa":
Niềm tin vào công lý của 2 con liệt sĩ đã thành hiện thực!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Con liệt sĩ chính thức mất đất sau bản án khó hiểu của tòa”, ngày 22/9/2017, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên xử chị em ông Phan Thành Trung được quản lý ngôi nhà cùng toàn bộ diện tích đất 6.860 m2, tọa lạc tại ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Phan Thành Trung (ngụ tại ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Ngày 20/9, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của ông với ông Nguyễn Phước Nhơn và các con của ông Dương Minh Hảo là bà Dương Thị Kim Dì, Dương Thị Ngọc Liêm.
Ngày 22/9, sau một thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên xử chị em ông Phan Thành Trung và bà Phan Thị Thu Thủy được quản lý ngôi nhà cùng toàn bộ diện tích đất 6.860 m2, tọa lạc tại ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách.
Ông Trung và bà Thủy chịu trách nhiệm hoàn trả cho bà Dì và bà Liêm mỗi người trên 40 triệu đồng. Riêng ông Nguyễn Phước Nhơn không có quyền lợi gì trong vụ tranh chấp này.
Rời phiên tòa, ông Phan Thành Trung nghẹn ngào: “Chị em chúng tôi đã phải trải qua những ngày mất ăn mất ngủ bởi những hồ sơ ngụy tạo, trái pháp luật của ông Dương Minh Hảo cũng như tâm địa xấu xa của ông Nguyễn Phước Nhơn và được sự “hỗ trợ nhiệt tình” của TAND huyện Kế Sách khi họ xử không đúng quy định pháp luật, khiến chị em chúng tôi đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà.
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, ông Nguyễn Phước Nhơn thẳng thắn tuyên bố với mọi người ở địa phương là sau phiên tòa phúc thẩm ông sẽ cho xe cuốc vào cào sạch cây cối trong vườn nhà tôi vì ông chắc chắn sẽ thắng kiện.
Ngày ra tòa phúc thẩm, tôi hồi hộp, lo lắng nhưng nhiều bà con trong xóm động viên gia đình tôi hãy tin tưởng vào pháp luật. Sau khi tòa tuyên, tôi mừng rơi nước mắt. Cuối cùng, tài sản của cha mẹ tôi không thuộc về người khác như bản án của tòa sơ thẩm”.
Như Dân trí đã phản ánh, cha mẹ bà Thủy, ông Trung là ông Phan Công Khanh và bà Nguyễn Thị Ba tạo lập được thửa đất diện tích 10.865 m2, tọa lạc tại ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (nay thuộc ấp Trường Thọ, xã An Mỹ).
Năm 1962, ông Phan Công Khanh hy sinh trong chiến đấu. Bà Nguyễn Thị Ba ở vậy nuôi con và quản lý, sử dụng điện tích đất trên, được UBND huyện Kế Sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/5/1994, do bà Ba là chủ tài sản.
Sau khi miền Nam giải phóng, bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo (SN 1926, ngụ cùng địa phương, là cán bộ UBND huyện Kế Sách, ông này mất ngày 18/2/2014) gá nghĩa với nhau, không đăng ký kết hôn, không có con chung; tháng 4/1996, ông Hảo nhập hộ khẩu vào hộ gia đình bà Ba.
Trên thửa đất đó, bà Nguyễn Thị Ba có cho người em ruột là ông Nguyễn Phước Nhơn (SN 1943) mượn một phần làm trại mộc.
Ngày 20/8/2007, bà Nguyễn Thị Ba mất nhưng không để lại di chúc, diện tích đất nói trên do ông Phan Thành Trung quản lý, sử dụng cho đến nay.
Lúc đó, ông Nguyễn Phước Nhơn cho rằng, ông đã mua của bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo ngày 20/4/2007, có làm giấy mua bán viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương với diện tích trên 1.100 m2, nên ông yêu cầu ông Trung phải giao đất cho ông Nhơn. Vì vậy, bà Thủy, ông Trung yêu cầu UBND xã An Mỹ tiến hành hòa giải.
Tại buổi hòa giải ngày 24/12/2010, ông Dương Minh Hảo thừa nhận: “Diện tích đất bà Nguyễn Thị Ba đứng tên là 10.865 m2 có từ năm 1952, là có trước khi bà Ba chung sống với ông nên thuộc quyền sở hữu của bà Ba; còn đất sang cho ông Nhơn thì ông không quan tâm vì đất này không phải của ông”.
Kết luận của Ban hòa giải xã An Mỹ như sau: Diện tích đất nơi có trại mộc của ông Nhơn có số đo dài 25 m, rộng 10,5m, không phù hợp với giấy thỏa thuận mua bán; phần đất 10.865 m2 theo quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Ba đứng tên chủ quyền là sở hữu của bà Ba; còn về phần nhà xây dựng sau khi ông Hảo về chung sống với bà Ba là tài sản chung của 2 người. Bà Ba qua đời thì ông Hảo có quyền sở hữu căn nhà đó; nếu ông Hảo sống trên mảnh đất và nhà đó thì thừa hưởng tài sản nhà cho đến khi qua đời, còn ông Hảo không về quản lý canh tác thì tạm thời để ông Phan Thành Trung quản lý, canh tác trên phần đất đó.
Hòa giải không thành, bà Thủy và ông Trung khởi kiện ra tòa, yêu cầu ông Nguyễn Phước Nhơn trả lại quyền sử dụng đất có diện tích 1.116,3 m2 và hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Ba, ông Dương Minh Hảo với ông Nguyễn Phước Nhơn. Tại 2 cấp tòa sơ thẩm (ngày 3/8/2012) và phúc thẩm (ngày 19/12/2012) đều xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Trung.
Sau khi được tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm xử cho ông Nhơn thắng kiện, ông Dương Minh Hảo đã “thừa thắng xông lên” với mục đích chiếm trọn toàn bộ diện tích đất còn lại của bà Nguyễn Thị Ba, tước quyền của bà Thủy và ông Trung.
Cụ thể, ngày 14/1/2014, ông Hảo đến Phòng Tư pháp huyện Kế Sách lập di chúc với nội dung: “Hiện tại tôi làm chủ khối tài sản gồm một thửa đất có diện tích 6.860 m2, một căn nhà tọa lạc tại ấp Trường Thọ. Ngày 24/4/2007, tôi có chuyển nhượng cho em vợ tôi tên Nguyễn Phước Nhơn với diện tích 1.116,3 m2 trong phần đất của tôi quản lý, còn lại là 5.743,7 m2. Sau khi tôi qua đời, tôi tặng lại cho em vợ tôi là Nguyễn Phước Nhơn một ngôi nhà và một phần đất 1.124m2; còn lại 4.619,7 m2 tôi cho 2 đứa con tôi tên là Dương Thị Kim Dì và Dương Thị Ngọc Liêm”. Di chúc này được ông Tô Long Em (Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Kế Sách) ký và đóng dấu xác nhận.
Sau khi có bản di chúc, các con ông Dương Minh Hảo đã khởi kiện đến tòa án tranh chấp đất với bà Thủy và ông Trung theo di chúc của ông Hảo. Tuy nhiên, tờ di chúc do ông Dương Minh Hảo lập, đã bị UBND huyện Kế Sách phát hiện là “trái quy định của pháp luật và không có giá trị pháp lý”. Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ rõ: “Thẩm quyền chứng thực di chúc thuộc UBND xã An Mỹ, huyện Kế Sách; Về nội dung di chúc, ông Dương Minh Hảo không phải là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời, trong hồ sơ chưa thể hiện bà Nguyễn Thị Ba có cho tặng tài sản là quyền sử dụng đất nêu trên cho ông Dương Minh Hảo. Vì lẽ đó, ông Dương Minh Hảo không có quyền tự định đoạt đối với tài sản của bà Nguyễn Thị Ba”.
Khi tờ di chúc bị phanh phui, ngày 21/8/2013, ông Dương Minh Hảo tự mình viết tay tờ di chúc với nội dung: “Khi tôi qua đời tài sản của tôi gồm có 6.865 m2, tôi cho 2 đứa con gái tôi Dương Thị Kim Dì, Dương Thị Ngọc Liêm; tôi tặng Nguyễn Phước Nhơn một ngôi nhà ngang 5,4 m, dài 14 m”. Tờ di chúc này không có xác nhận của cơ quan chức năng.
Theo phản ánh của bà Thủy và ông Trung thì tờ di chúc này có sự gian lận khi ở phần ghi ngày tháng năm đã bị sửa từ năm 2014 thành 2013. Ngày 9/9/2013, ông Hảo viết tay tờ giấy tặng cho ông Nguyễn Phước Nhơn một căn nhà ngang 5,4 m, dài 14 m và bổ sung tặng cho nhà ở và đất ở. Với tờ di tặng viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương này, các con ông Hảo và ông Nhơn khởi kiện bà Thủy và ông Trung ra tòa án.
Ngày 28/4/2017, TAND huyện Kế Sách mở phiên tòa xét xử và tuyên “Di chúc viết tay ngày 21/8/2013 và Di tặng ngày 9/9/2013 của ông Dương Minh Hảo có hiệu lực pháp luật một phần đối với di sản của ông Hảo; di sản của ông Hảo là quyền sử dụng phần đất diện tích 3.395,13 m2; di sản của bà Nguyễn Thị Ba là quyền sử dụng phần đất diện tích 1.697,57 m2”. Đồng thời, tòa cũng tuyên “Căn nhà kích thước ngang 5,4 m, dài 14 m gắn liền với phần đất diện tích 286 m2 giao cho ông Nguyễn Phước Nhơn quản lý, sử dụng; 2 con của ông Hảo là bà Dì và bà Liêm được thừa hưởng quyền sử dụng phần đất diện tích 3.395,13 m2; ông Trung và bà Thủy mỗi người được hưởng 848,785 m2 đất là di sản của bà Ba”.
Phán quyết của TAND huyện Kế Sách bị ông Trung và bà Thủy kháng cáo đến TAND tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên trả lại công bằng cho chị em ông Trung như nêu ở phần đầu bài viết.
Bạch Dương