Những vụ bạo hành trẻ dã man gây chấn động dư luận

Hải Hà

(Dân trí) - Khi thiên chức làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ không đủ sức khiến cho họ thức tỉnh kịp thời, họ đối xử với con ruột của mình, con riêng của vợ/chồng... như những kẻ thủ ác, nhẫn tâm, vô nhân tính.

Dư luận xã hội cảm thấy đau xót và phẫn uất khi gần đây khi báo chí liên tục đăng tải thông tin về những đứa trẻ bị bạo hành dã man dưới đôi bàn tay tàn ác của chính cha mẹ đẻ, hay những người thân bên cạnh các cháu. Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ của trẻ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho những đứa trẻ này.

Khi thiên chức làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ... không đủ sức khiến cho họ thức tỉnh kịp thời, họ sẵn sàng đối xử với con ruột của mình, con riêng của vợ/chồng... như những kẻ thủ ác, nhẫn tâm và vô nhân tính. Sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên đầu những đứa trẻ không có khả năng tự vệ...

Họ không chỉ gây ra cho con mình những tổn thương về vật chất, những sang chấn về tâm lý mạnh mà còn có những trường hợp đau lòng dẫn đến cái chết thương tâm.

Bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị người tình của bố đánh đập đến tử vong

Những ngày gần đây, vụ việc bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, TP.HCM) bị "mẹ kế" đánh đập, bạo hành đến chết khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Tại cơ quan công an, người "mẹ kế" khai nhận nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé V.A. khiến cơ thể bé có nhiều vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, khi roi mây gãy, người phụ nữ này còn dùng gậy gỗ để đánh bé A.

Đau xót hơn, bố đẻ bé A. còn làm ngơ, thậm chí đồng tình và bao che cho tội lỗi của người tình trước cái chết của cháu.

Những vụ bạo hành trẻ dã man gây chấn động dư luận - 1

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang và vết tích cháu gái 8 tuổi bị bạo hành (Ảnh: CACC).

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - VPIT cho biết, trong vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành, người phụ nữ tạo ra câu chuyện thương tâm này chỉ là bạn gái của bố đứa trẻ. Do đó, xét về mặt trách nhiệm pháp lý, người phụ nữ này không có quyền giáo dục bé V.A.

Tuy nhiên, người phụ nữ này lại vượt giới hạn khi tự cho mình quyền dạy dỗ, giáo dục bé; thậm chí còn dùng đòn roi để đánh đập, hành hạ. "Điều này không thể chấp nhận. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để xác định thực sự câu chuyện này là gì, từ đó can thiệp và đưa ra mức xử lý thỏa đáng".

Cũng theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, không riêng gì vụ việc này, mà trong xã hội hiện nay, việc sử dụng đòn roi để giáo dục trẻ là hành vi phi giáo dục.

Đánh mắng, đòn roi hay chỉ trích một cách quá mức sẽ tạo ra những hệ quả về mặt cơ thể và tinh thần của trẻ. Vì vậy, cần nói "không" với cách giáo dục mang tính tiêu cực này. Thay vào đó, bố mẹ có thể hướng tới những biện pháp giáo dục tích cực; ví dụ như đưa ra những hình phạt phù hợp với trẻ, hay bố mẹ có thể ngồi lại để chỉ dẫn, phân tích cho con đúng sai…

Một chuyên gia giáo dục tại TPHCM chia sẻ, có rất nhiều chữ "nếu" dành cho tất cả trong cái chết của bé gái 8 tuổi. Nếu hàng xóm quanh em sống quyết liệt hơn, nếu ban quản lý không xem đó là "chuyện người ta dạy con", nếu các đoàn hội trẻ em năng động hơn trong việc bảo vệ trẻ nhỏ, nếu mỗi chúng ta không mặc nhiên chấp nhận và cổ vũ cho những quan niệm dung dưỡng hành vi bạo lực trẻ em như "con tao đẻ ra tao có quyền", "thương cho roi cho vọt"…

Và có cả chữ "nếu" dành cho cả ngành giáo dục. Nếu trường học, giáo viên quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của học sinh trong giai đoạn học online hơn là tập trung vào việc chạy cho kịp chương trình... 

Khi "hổ dữ ăn thịt con"

Dư luận từng bàng hoàng trước vụ bé N.H.N.T. (7 tuổi) tại Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn bằng cách đánh lõm đầu, dí thanh sắt nung đỏ vào má, vào tay khiến cháy da, sém thịt. Những vết bỏng sâu trên cơ thể em tố cáo tội ác dã man "như thời trung cổ" của người lớn. Vụ việc bị phát giác vào cuối tháng 11/2017.

Không được đi học, phải làm đủ các việc nhà, chỉ ăn được mì tôm sống và cơm nguội, thường xuyên bị đánh đập bằng guốc, đũa, muôi gỗ, móc quần áo đến mức từ 40kg chỉ còn 20kg, ốm yếu gày mòn, những vết thương chằng chịt trên khuôn mặt và vùng đầu là hoàn cảnh thương tâm của em T.G.K. ở Nghĩa Đô, Hà Nội. Không ai nghĩ rằng một cậu bé mới 8 tuổi lại phải chịu cảnh đánh đập đến gãy xương sườn, rạn sọ não dưới bàn tay của bố đẻ và mẹ kế.

Tháng 3/2021, người dân phát hiện cháu V.N.P.C (6 tuổi, ở xã Định Sơn, H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) kêu khóc trong phòng trọ bị khóa kín của nhà ông Trần Ngọc Nhiên (thôn Quý Dương, xã Tân Trường, H.Cẩm Giàng) nên báo công an để giải cứu cháu bé.

Những vụ bạo hành trẻ dã man gây chấn động dư luận - 2

Cháu C. bị bầm tím vùng mắt do bị chính mẹ đẻ đánh.

Kết luận giám định pháp y về thương tích của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương kết luận: Cháu C. bị chấn thương gãy xương chính mũi; chấn thương phần mềm gây bầm tím, bong tróc da vùng hai mắt, má trái, cằm trái, cẳng tay phải, cẳng tay trái. Tỷ lệ tổn thương cơ thể cháu C. do thương tích gây nên là 7%. Thủ phạm không ai khác, chính là mẹ đẻ của cháu.

Tháng 9/2021, Lê Thành Công (43 tuổi, trú P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm) dạy con gái là bé L.H.A (6 tuổi) học tại nhà riêng. Quá trình học, thấy bé A. mất tập trung, chậm tiếp thu nên Công dùng đũa gỗ vụt hơn 10 lần vào mu bàn tay trái, cánh tay trái và chân trái con gái. Chưa dừng lại, Công tiếp tục bảo vợ lấy chổi để dạy con, nhưng vợ không tìm thấy chổi nên đưa một thanh tre dài khoảng 50cm cho Công. Sau đó, Công tiếp tục vụt vào mông, lưng con gái.

Bé A. sau đó bị nôn và được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư thăm khám. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bé A. đã tử vong ngoại viện, cơ thể có nhiều vết bầm tím nghi do bạo hành, nên báo lực lượng chức năng.

Cái chết của cháu L.H.A hay cháu V.A thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ngược đãi trẻ em. Đó là nỗi nhức nhối của xã hội.

 Bé gái 3 tuổi nghi bị nhân tình của mẹ hành hạ, cắm đinh vào đầu

Mới đây, lại thêm một sự việc bạo hành trẻ gây rúng động dư luận ở huyện Thạch Thất, Hà Nội khi bé Đ.N.A. chưa đầy 4 tuổi rơi vào nguy kịch khi bị nhân tình của mẹ hành hạ dã man.

Sự việc được phát giác từ chiều 17/1, khi bé gái được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng hôn mê sâu, co giật toàn thân. Khi khám sơ bộ, bác sĩ thấy tay phải của bé đã được bó bột trong hai tuần và chuẩn đoán ban đầu bị viêm màng não, có 9 đinh găm ở đầu khiến sưng tấy. Sau một giờ nhập viện, bé gái được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và hiện vẫn rất nặng.

Những vụ bạo hành trẻ dã man gây chấn động dư luận - 3

Bé Đ.N.A. (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho hay, vụ việc đáng buồn này như "giọt nước tràn ly", phần nào cho thấy hậu quả của một cuộc hôn nhân đổ vỡ để lại chính là sự thiệt thòi của con cái.

Bởi thực tế, vụ bé gái 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành đến chết, hay bé N.A bị người tình của mẹ hành hạ dã man đến không tưởng - không phải là những trường hợp đầu tiên. Nhiều năm trở lại đây, những vụ bạo hành trẻ em liên tục được truyền thông phản ánh và cứ lặp đi lặp lại. Đáng nói, trong số những vụ bạo hành trẻ em xảy ra, không ít vụ việc đau lòng gây ra bởi những người được gọi là "mẹ kế", "dì ghẻ" hay "cha dượng"...

"Bố mẹ "đường ai nấy đi", trẻ sẽ không có được sự chăm sóc đầy đủ từ bố và mẹ, không còn được cả hai quan tâm, sẻ chia trong câu chuyện tình cảm mỗi ngày.

Đứa trẻ nào cũng cần sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ. Một chút nghiêm khắc của bố, cộng với một chút dịu dàng và nhẹ nhàng của mẹ sẽ giúp con trở thành một người toàn diện. Nhưng khi bố mẹ ly hôn, con sẽ mất đi cơ hội được phát triển toàn diện.

Ngoài ra, cuộc hôn nhân đổ vỡ có thể đẩy những đứa trẻ vào môi trường thiếu sự an toàn khi trẻ không cảm nhận được tình yêu trọn vẹn của gia đình, hay sự xuất hiện của người thứ ba khi bố hoặc mẹ có tình yêu mới.

Nói chung, vì bất kể lý do gì, cuộc ly hôn của bố mẹ cũng đều tác động tới trẻ, đặc biệt với những em nhạy cảm. Kết thúc một mối quan hệ vợ chồng thì dễ nhưng để xóa nhòa đi những vết sẹo tổn thương in hằn trong tâm trí con thì không hề dễ dàng. Thậm chí, những nỗi đau còn theo con suốt đời, ngay cả khi trưởng thành, mặc dù thành đạt nhưng con chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc".

Trên đây chỉ là những vụ việc được đưa ra ánh sáng, bị xử lý. Các chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì lo sợ hoặc ngại tố cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm