Những vấn đề pháp lý đáng lo ngại đằng sau ánh hào quang của ChatGPT
(Dân trí) - Nhiều ý kiến lo ngại rằng, điều gì sẽ xảy ra khi ChatGPT thực hiện các hành vi gây hại cho con người? Khi đó, việc xác định tư cách pháp lý sẽ ra sao?
Chat GPT là trí thông minh nhân tạo được phát triển bởi công ty Open Ai, người đứng đầu là Altman người gốc Do Thái, cùng với tỷ phú Elon Musk và 1 số người khác ẩn danh đứng sau. Mục đích phi lợi nhuận, không làm vì tiền mà chỉ để phục vụ lợi ích của nhân loại.
Hiện nay chúng ta biết đến trí thông minh nhân tạo tương tự đó là Google.
ChatGPT phát triển ở cấp độ cao hơn, thông minh hơn và gần với người thật hơn. Hiện nay ChatGPT đang phát hành đến người xem dưới dạng Web với địa chỉ Chat.openai.com.
ChatGPT học tổng hợp nhiều nguồn thông tin, đọc nhiều sách báo thông qua việc chúng ta đăng tải, chia sẻ các thông tin lên mạng internet, tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt. Đây chính là cách cung cấp thông tin để trí thông minh nhân tạo học tập. Từ đó nó tạo ra văn phong riêng, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu phù hợp nhất với câu hỏi của người dùng.
Ví dụ bạn hỏi "Bài luận công nghệ trí thông minh nhân tạo".
Google sẽ trả kết quả là một loạt các trang Web có bài luận đó. Bạn tìm và chọn một bài luận có sẵn trong khu dữ liệu mà Google đang có. Lúc này Google như một người thủ thư cung cấp toàn bộ đầu sách, bạn tìm và tự chọn lấy cuốn sẵn có sẵn trong thư viện.
Còn với ChatGPT cùng câu hỏi đó, kết quả sẽ là một bài luận hoàn toàn mới, văn phong riêng có tính người hơn dựa trên kho dữ liệu các bài luận, bài báo công nghệ các kiến thức về công nghệ trí thông minh nhân tạo đã có sẵn.
Điểm khác biệt rõ nhất: Hỏi Google nó sẽ trả cho bạn kết quả hàng nghìn Website để bạn chọn và đọc rồi tổng hợp. ChatGPT sau khi nhận câu hỏi của bạn sẽ tổng hợp hàng nghìn Website để tổng hợp viết thành một bài cho bạn dễ hiểu nhất.
ChatGPT có thể làm được gì?
Viết báo, làm luận, xây dựng giáo án, tạo kịch bản, lập trình máy tính, lập hợp đồng, phân tích, giải thích các quy định pháp luật... ChatGPT được cho là sẽ đe dọa xóa bỏ rất nhiều các ngành nghề như giáo viên, kế toán, nhà báo, luật sư, thẩm phán bị thay thế.
ChatGPT sẽ học hết các luật, tổng hợp các án lệ, Nghị quyết, hướng dẫn áp dụng nó vào một vụ việc (dưới dạng câu hỏi) và cho ra một phán quyết chuẩn xác theo luật, không thiên kiến, cảm tính và rất công bằng.
20 luật sư hàng đầu của nước Mỹ gần đây đã chiến đấu với trí tuệ nhân tạo (AI) trong một cuộc thi để phát hiện các sai sót trong hợp đồng và họ đã bị thua. Các luật sư con người đạt được tỷ lệ chính xác 85%, trong khi AI đạt được độ chính xác 95%. AI cũng hoàn thành nhiệm vụ trong 26 phút, trong khi các luật sư con người mất trung bình tới 92 phút.
Tôi đã thử nhờ "Luật sư chatGPT" trả lời một câu tư vấn pháp lý như sau: "Di chúc viết tay không có người làm chứng ở Việt Nam có hiệu lực pháp lý hay không"?
"Luật sư chatGPT" trả lời: Tùy thuộc vào mục đích của di chúc, viết tay không có người làm chứng tại Việt Nam có thể hoặc không có hiệu lực pháp lý. Trong một số trường hợp, di chúc viết tay có thể được coi là hợp lệ nếu nó đáp ứng các tiêu chuẩn của luật pháp. Tuy nhiên, trong các trường hợp quan trọng hoặc cần có sự chứng minh rõ ràng, di chúc viết tay có thể không được coi là hợp lệ hoặc không có hiệu lực. Chúng tôi khuyên bạn nên đảm bảo rằng di chúc của mình đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý và có sự chứng minh của một người chứng nhận để đảm bảo hiệu lực.
Còn luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị với câu hỏi này đã tư vấn như sau:
Di chúc viết tay là một trong 5 hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Di chúc viết tay được quy định tại điều 633 theo đó người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc. Ngoài ra nội dung di chúc phải đúng nội dung quy định tại điều 631.
Với ví dụ như vậy, có thể thấy hiện tại trong nhiều tình huống pháp lý, chatGPT vẫn thua một luật sư. Nhưng chúng ta tin rằng trong tương lai với khả năng học tập vô hạn của mình, nó sẽ sớm vượt xa hơn.
Điều gì sẽ xảy ra khi ChatGPT thực hiện các hành vi gây hại cho con người?
Mặc dù ChatGPT mang nhiều "điểm cộng" nhưng đi kèm theo đó là hàng loạt thách thức không dễ để giải quyết, đặc biệt là thách thức về mặt xã hội và pháp lý. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, điều gì sẽ xảy ra khi ChatGPT thực hiện các hành vi gây hại cho con người? Việc xác định tư cách pháp lý sẽ ra sao? Nếu AI tham gia vào các quan hệ xã hội làm phát sinh các vấn đề pháp lý thì sẽ được điều chỉnh như thế nào? Đây là những câu hỏi được đặt ra đối với các nhà lập pháp.
Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng Đội cho biết, đối với vấn đề tư cách pháp lý, ở Việt Nam, chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho AI hay ChatGPT. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, tư cách chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức, do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI cũng như ChatGPT là những chủ thể trong pháp luật, có quyền như một con người.
Chính vì vậy không nên cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI, mà tập trung định nghĩa của AI và các vấn đề phát sinh. Còn đối với thực thể mang AI như ChatGPT cần có quy định rõ đến việc xác định bản chất của nó.
Về việc đảm bảo quyền riêng tư, các quy định của pháp luật nước ta về bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân hiện nay còn sơ khai. Một số quy định có thể được bắt gặp tại Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 31 Bộ luật Dân sự 2015 và trong các văn bản luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên các quy định này chưa quy định rõ các cơ chế để bảo vệ cũng như ngăn chặn vấn đề vi phạm quyền riêng tư liên quan đến AI.
Bên cạnh đó, việc trí tuệ nhân tạo khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của các cá nhân cũng đặt ra vấn đề đáng quan ngại. Bởi, khi muốn tra cứu thông tin từ ChatGPT, người dùng cần phải cung cấp đầy đủ dữ liệu "đầu vào" để ChatGPT trả thông tin chính xác nhất ở "đầu ra".
Việc toàn bộ những thông tin được người dùng cung cấp sẽ trở thành cơ sở dữ liệu cho ChatGPT đặt ra câu hỏi liệu có xâm phạm đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, thậm chí là trục lợi từ những thông tin đã khai thác từ người dùng hay không?
Vậy, trong trường hợp ChatGPT gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Nhiều quốc gia trên thế giới đều quy trách nhiệm pháp lý của hành vi xâm phạm do AI gây ra cho cá nhân, tổ chức xác định.
Ví dụ như pháp luật châu Âu quy định "hành vi sử dụng sản phẩm chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra", như vậy chủ thể sử dụng AI sẽ phải chịu trách nhiệm cho những xâm phạm do AI gây ra. Còn ở Việt Nam, chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu coi AI là một tài sản thì về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản, người chiếm giữ tài sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
Đối với quyền sở hữu trí tuệ, theo Luật sư Tiền, từ năm 2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã bắt đầu thảo luận các ảnh hưởng của AI tới hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, WIPO đã định hình một vài vấn đề nổi cộm và kêu gọi các quốc gia cùng tham gia thảo luận cho ý kiến, cụ thể là: (1) Việc quy định loại công nghệ AI nào là đối tượng được bảo hộ sáng chế; (2) Cách diễn giải và áp dụng ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI; (3) Có nên sửa đổi, bổ sung pháp luật sáng chế để phù hợp với đặc điểm riêng biệt của công nghệ AI hay không?
Có thể thấy, vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm, sáng chế do AI tạo ra đang tạo nên những thách thức pháp lý, bởi theo quy định pháp luật của nước ta, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra.
Như vậy, nếu những sản phẩm do AI tạo ra không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì những cá nhân, tổ chức khác có thể tự ý sử dụng và đăng ký bảo hộ đối với sản phẩm đó. Vấn đề đặt ra là nếu tranh chấp xảy ra thì xử lý như thế nào?
Ngoài ra, nếu sản phẩm do ChatGPT hay AI tạo ra được bảo hộ nhưng phần mềm này chỉ được coi là một công cụ để hỗ trợ con người tạo ra các tác phẩm, thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ được xác định như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Vì vậy, thiết nghĩ, pháp luật cần có quy định cụ thể về trường hợp này.