Những người vô tình trở thành bác sĩ Sản... khi đang trực chốt kiểm dịch
(Dân trí) - Nhiều em nhỏ cất tiếng khóc chào đời ở chốt kiểm dịch, xung quanh không có bác sĩ chuyên khoa mà chỉ có nhân viên y tế, công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện... vậy mà vẫn mẹ tròn con vuông.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nhiều địa phương trên cả nước buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chốt kiểm dịch được dựng lên ở khắp nơi để kiểm soát người dân ra vào, tránh lây lan dịch bệnh.
Trong suốt những ngày qua, không thiếu những câu chuyện cảm động khiến nhiều người phải rơi nước mắt ở các chốt kiểm dịch trên cả nước.
Đặc biệt, một vài em nhỏ thay vì cất tiếng khóc chào đời trong phòng sinh ở bệnh viện, xung quanh là những y bác sĩ đầu ngành nhi khoa. Thì nay, những em nhỏ đó lại chào đời ở chốt kiểm dịch, ở ngoài đường, xung quanh là công an, bộ đội, thanh niên, tình nguyện viên… và đã mẹ tròn con vuông.
Tại tỉnh Sóc Trăng, 5h ngày 10/8, một sản phụ ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên trên đường tới bệnh viện thì trở dạ. Người chồng đành lấy gối, khăn, đặt vợ xuống đường để sinh con. May mắn thay cho gia đình này là cậu sinh viên năm 2 ngành Y đa khoa Đại học Võ Trường Toản tên Lâm Chí Cương đang trực chốt kiểm dịch biết chuyện nên vội chạy đến giúp đỡ.
Thấy Cương đến, người chồng mừng rơi nước mắt, vội vàng nhường chỗ lại cho cậu sinh viên. Lúc này em bé đã ra được một phần, áp dụng những kiến thức đã học trên ghế nhà trường, Cương đỡ bé ra ngoài một cách an toàn. Cậu sinh viên sau đó vệ sinh, quấn khăn cho bé, đặt da kề da lên bụng mẹ và gọi xe cứu thương, chạy xe lên trạm y tế nhờ hộ sinh đến cắt rốn cho mẹ con sản phụ. Lúc trở lại, cậu cùng người chồng đưa hai mẹ con lên xe cứu thương tới Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên.
Tại Thừa Thiên Huế, khoảng gần 9 h ngày 6/8, một người đàn ông điều khiển xe máy chở một phụ nữ có bụng bầu lớn, trên đường đến bệnh viện để sinh. Tới chốt kiểm soát, người phụ nữ bỗng chuyển dạ, đau bụng dữ dội.
Thấy vậy, mọi người đã nhanh chóng đưa người phụ nữ vào lều bạt dã chiến nằm trên giường xếp. Lúc này, lượng lực tại chốt trực cùng nhân viên y tế tại chỗ đã hỗ trợ người phụ nữ sinh ngay tại đây. Người phụ nữ này đã sinh bé trai nặng hơn 3kg, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh, sau đó được xe cấp cứu đưa 2 mẹ con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chăm sóc.
Tại tỉnh Bình Dương chiều 5/8, tại chốt trực đường An Thạnh 14, khu phố Thạnh Lợi, thành phố Thuận An, một sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, nhưng không ai có kinh nghiệm và toàn nam giới.
Một dân quân đã nhanh chóng chạy đi tìm người giúp đỡ, cô gái có tên Nhi kịp thời đến trợ giúp. Đến nơi, Nhi giải tán người dân hiếu kỳ rồi nhanh chóng kiếm chiếc màn của lực lượng trực chốt để quây chỗ sản phụ nằm. Người mẹ nằm trên ghế đá trong tình trạng vỡ ối, đứa trẻ đã chào đời. Bé trai nặng 3,5 kg và đang được một phụ nữ sống gần đó bế.
Nhìn quanh không có đồ đạc gì, Nhi nhờ người đi xin quần áo để thay cho hai mẹ con rồi gọi y tế. Em giúp người mẹ mặc đồ, đi tất, đeo bao tay, bao chân và quấn chăn cho em bé, xoa dầu, bịt bông tai cho người mẹ. Sau khi nhân viên y tế có mặt, Nhi tiếp tục hỗ trợ cắt dây rốn và vệ sinh cho hai mẹ con.
Tại Hà Nội, khoảng 8h ngày 31/7, thiếu tá Nguyễn Văn Lộng và đại úy Nguyễn Đình Chiểu là cán bộ Công an phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát COVID-19. Một nữ nhân viên phòng khám chạy đến nhờ trợ giúp vì có sản phụ sắp sinh nhưng gọi taxi đưa đi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không được.
Ngay sau khi nhận được tin báo, thiếu tá Lộng và đại úy Chiểu đã nhanh chóng báo cáo cấp trên, đồng thời dùng xe ô tô cá nhân của đại úy Chiểu để nhanh chóng đưa sản phụ đi sinh. Tuy nhiên, ngay khi vừa vào ôtô, nhận định sản phụ sắp sinh nên các cán bộ chiến sĩ đã hỗ trợ nhân viên y tế đưa sản phụ trở lại phòng khám để sinh con.
Chỉ ít phút sau, em bé đã sinh ra đời an toàn, mạnh khỏe. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, tổ công tác vẫn quyết định đưa hai mẹ con đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để kiểm tra.
"Đây đúng là một bài thực hành đột xuất và bất đắc dĩ đối với cậu sinh viên Y khoa. Trước hoàn cảnh như vậy nhưng cậu sinh viên này đã vượt qua một cách xuất sắc. Chúc mừng em, chúc mừng gia đình đón thành viên mới trong bối cảnh không ai có thể ngờ được như vậy. Chúc cậu sinh viên và tất cả những người tham gia chống dịch trên mọi miền đất nước luôn khỏe mạnh, may mắn, mong dịch sớm chấm dứt để mọi người ổn định cuộc sống", độc giả Trần Vân bày tỏ sự xúc động.
"Đọc những trường hợp người mẹ sinh con ngay tại chốt kiểm dịch, đỡ đẻ cho họ không phải là y bác sĩ mà là những thành viên của chốt kiểm dịch tôi thấy cảm động vô cùng. Trong lúc khó khăn mới thấy được tình yêu thương đồng bào, tình yêu dân tộc, máu mủ ruột già cao thượng thế nào", độc giả Nhất Nam.
Những câu chuyện chỉ thấy trên phim ảnh nay đã xuất hiện giữa đời thường là bình luận của độc giả Vũ Phong: "Đọc mà hồi hộp vì trong lúc giãn cách đường vắng người ko có ai nhờ vả, chốt trực toàn mấy anh nam giới. Trong lúc căng thẳng cũng may có cô gái tên Nhi đến trợ giúp. Đến đoạn tả em bé và thấy hình ảnh em xách đồ phụ, mẹ bế con mà cảm động quá. Những hình ảnh này trước đây chỉ thấy trên phim ảnh thì nay đã xuất hiện giữa đời thường. Cảm ơn cô bé tên Nhi nhiều".
"Xuất sắc quá cô gái. Cảm ơn em vì đã mang đến câu chuyện đẹp giữa đại dịch. Chúc em sức khỏe, chúc chị Như và em bé sức khỏe. Cái số cái duyên đã cho nhau để tương trợ nhau", một độc giả khác nói.
"Rất nhân văn và tràn ngập tình yêu thương. Chúc em thành công và gặp nhiều may mắn. chúc bé mạnh khỏe mau ăn chóng lớn. Sau này lớn lên những em bé này sẽ được bố mẹ kể cho câu chuyện mình được sinh ra như thế nào, quả thật là một kỳ tích", độc giả Tuệ Lâm.