Khuyến khích học trò xưng "tôi" với thầy cô: Trái truyền thống người Việt?

Hải Hà

(Dân trí) - Trước quan điểm giáo viên không được gọi học sinh là "con"; khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, bạn đọc đã có nhiều phản ứng trái chiều.

Trên trang facebook cá nhân của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân mấy ngày trước có bài viết với tựa đề: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là "con", đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ phía các nhà giáo dục cũng như phụ huynh học sinh.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, đây không phải lần đầu ông và nhiều người quan tâm lên tiếng, ông viết:

"Chúng tôi yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:

1/ Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "Con", "Các con"; phải gọi là "Trò", "Các trò", "Các em", "Các bạn"

2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn"; Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo" !

3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "Tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học".

Khuyến khích học trò xưng tôi với thầy cô: Trái truyền thống người Việt? - 1

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học.

Ở một bài viết khác, ông cũng đưa ra quan điểm cho rằng, nếu bạn tin vào tính độc lập của nhân cách, bạn hãy xưng "tôi" với những người khác, hãy từ bỏ những cách xưng là "cháu", là "em", và hãy dám đề nghị những người khác, không phải bà con họ hàng, đừng gọi mình là "em" là "cháu".

"Người viết những dòng này còn nhớ những cảm giác khó tả thời trẻ khi có người lạ hoắc gọi mình là cháu, là con: cảm giác vừa được bao bọc vừa bị coi thường…. Có một điều đáng được chờ đợi nhưng vẫn chưa xảy ra: ấy là việc các đoàn thể hoặc nhà trường tham gia vào việc làm hình thành một chuẩn xưng hô theo hướng xã hội hóa các quan hệ giao tiếp.

Vậy thì, hãy bắt đầu từ sự chủ động của chính các bạn trẻ trong việc thực hiện hành vi ngôn ngữ này. Hãy xưng tôi trong giao tiếp với mọi người dưng ngoài đời!".

 Việc xưng hô là do người với người tự nhận thức và lựa chọn phù hợp!

Gửi ý kiến cá nhân về Dân trí, bạn đọc Minh Lương cho rằng: "Việc xưng hô là do người với người tự nhận thức và lựa chọn phù hợp. Ví dụ sinh viên, hay kể cả giáo viên mới ra trường vẫn xưng "con" với cô giáo sắp về hưu, chứ không ai xưng như vậy với cô giáo vào nghề vài năm cả. Việc xưng hô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thay vì nghiên cứu những thứ thế này, tại sao không dành thời gian để nghiên cứu những vấn đề thiết thực hơn, như làm thế nào để có một quyển sách giáo khoa chuẩn mực mà không phải cách vài năm lại cải cách một lần làm khổ cả thầy cả trò cả cha mẹ, thưa các ngài nghiên cứu?".

Cùng quan điểm, bạn đọc Hữu Khoa viết: "Các vị làm giáo dục cần làm một đề tài về giáo dục định hướng cho học sinh khi ra đến cuộc sống bên ngoài sao cho hạnh phúc, biết cống hiến cho xã hội, có kĩ năng sống và giao tiếp với nhau để tạo ra một cộng đồng văn minh và có tính kế thừa truyền thống. Đợi các vị tranh cãi đề xuất ba cái chuyện con - trò này xong chắc các em nó nói tiếng Anh hết cho xem".

"Nếu muốn tôn trọng sự sáng tạo sao lại tạo ra một cái khuôn, một quy cách "cấm" thế này, "yêu cầu" thế kia để gò ép cách xưng hô trong nhà trường? Để học sinh và giáo viên phát triển, thay đổi cách xưng hộ phù hợp với văn hóa, xã hội; đào thải những cách gọi không hợp thời đại 1 cách tự nhiên thì không phải khiến tư duy họ mới mẻ và cởi mở hơn sao? Phụ huynh gọi một tiếng thầy A, cô B vì đó là chức danh của họ và cũng là cách tôn trọng giáo viên của con em mình chứ không lẽ lại "Chào, giáo viên A", quan điểm của bạn đọc Trọng Vũ.

Bạn đọc này cũng cho rằng, cái quan trọng trong lớp giữa thầy với trò là dạy và học. Thầy, cô gọi trò hay em hoặc con không quan trọng, miễn sao dạy tốt, học hay là được.

Tiếng Việt phân ngôi thứ quá nhiều khiến người nước ngoài bối rối khi tiếp xúc với ngôn ngữ ta, bởi họ đơn giản hơn you me (Anh) hay moi toi (Pháp). 60 năm trước, tôi học lớp nhất, cô giáo bảo phải xưng là con, có sao đâu. Bởi cô còn lớn tuổi hơn mẹ tôi.

Cái gì nó bình thường và phát triển tốt không ảnh hưởng gì thì đừng làm đảo lộn. Các vị được gọi là nghiên cứu thì cho biết ảnh hưởng mức nào? Giờ cách giáo dục đổi mới rồi, việc tự tin phát biểu không phải do cách xưng hô mà do cách dạy thôi.

Ngày xưa là một chiều thầy dạy trò thầy là số một học trò răm rắp nghe theo bây giờ có trao đổi tham luận. Tùy theo sao cho đôi bên cùng thoải mái trong dạy và học là được không quan trọng con/em/tôi gì?.

Bạn đọc Duy Hải bày tỏ quan điểm rằng không nên đưa ra quy tắc vì nó sẽ rất khiên cưỡng trong giao tiếp: "Trong giáo dục, các cách xưng hô phổ biến là thầy, cô - con; thầy, cô, tôi - em; thầy cô, tôi - anh, chị... thậm chí có thầy - cô còn gọi học sinh là chúng mày (trong hoàn cảnh cụ thể, thân thiết... ví dụ: Mấy đứa chúng mày rét mướt như thế này mà ăn mặc phong phanh… ốm ra thì sao!). Do vậy, theo tôi tùy thầy cô và học sinh trong hoàn cảnh cụ thể mà sử dụng cách xưng hô sao cho phù hợp, thoải mái, thân thiện và có hiệu ứng tốt cho giáo dục".

Khuyến khích học trò xưng tôi với thầy cô: Trái truyền thống người Việt? - 2

Bạn đọc Dân trí cho rằng, với truyền thống người Việt Nam chuyện mà học sinh xưng tôi với người lớn tuổi hay giáo viên thì rất khó nghe.

Với truyền thống người Việt, học sinh xưng "tôi" với giáo viên thực sự khó nghe!

Đó là quan điểm của bạn đọc Phúc Thắng khi cho rằng, cách xưng hô không phải vấn đề lớn, tùy theo văn hóa vùng miền cho phù hợp miễn sao vẫn giữ được sự tôn sư, trọng đạo là ổn. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục có lành mạnh và trong sạch không thôi, đặc biệt là bệnh thành tích...

"Cấp phổ thông xưng con là hợp lý chẳng có gì sai cả. Còn cái khéo của giáo viên trẻ có thể mềm mại trong giảng bài và giao tiếp với học sinh sẽ gọi là các bạn thì gần gũi hơn. Với truyền thống người Việt Nam chuyện mà học sinh xưng tôi, tớ với người lớn tuổi hay giáo viên thì rất khó nghe. Còn sinh viên thì là tùy theo tuổi tác xưng hô cho hợp lý cái đó tôi khuyến khích, còn phổ thông phải nền nếp".

Đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, bạn đọc Nguyễn Trọng Toán viết: "Theo thiển ý của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định về xưng hô trong trường học, dựa trên cơ sở khoa học giáo dục và truyền thống của Việt Nam. Không để tình trạng muốn gọi sao cũng được như hiện nay. Mầm non và Tiểu học có thể xưng hô: Thầy, cô/ con, các con. Từ bậc THCS đến THPT có thể xưng hô: Thầy, cô/ em, các em. Các bậc sau có thể xưng hô: Tôi/ anh, chị".

"Tôi năm nay 62 tuổi, nhớ thời tôi đi học, các cấp toàn xưng hô với giáo viên là, em thưa thầy, hoặc em thưa cô, tôi nghĩ cách xưng hô như vậy là đúng nhất và là cách xưng hô truyền thống", bạn đọc Nguyễn Toán.

Cần thay đổi bởi xưng "con" mãi thì bao giờ mới lớn được, là ý kiến của bạn đọc Thái Hoàng: "Chuẩn mà. Học sinh thì gọi "thầy, cô", xưng em; sinh viên gọi "thầy, cô", xưng tôi; vài năm gần đây mới thấy xưng "con" nhiều. Cô giáo như mẹ hiền, chứ cô giáo không phải là mẹ hiền, xưng hô đúng thể hiện quan điểm độc lập tư duy, tư khẳng định vai trò của bản thân, "con" mãi thì bao giờ lớn được".

Theo www.facebook.com