Ma túy và cái nhìn từ phía cộng đồng (bài 1):

Những nẻo đường… nghiện ngập

(Dân trí) - Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại tới sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội…”. (trích Bộ luật phòng, chống ma túy năm 2000).

LTS: Tệ nạn ma tuý và các chất gây nghiện đang gây khủng hoảng toàn thế giới. Riêng ở nước ta tệ nạn này phát triển theo khuynh hướng rất xấu trong một bộ phận thanh thiếu niên. Các nỗ lực đấu tranh phòng chống ma tuý của chúng ta tuy  đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng đánh giá chung vẫn cho đó mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Dân trí xin giới thiệu bài viết đăng hai kỳ của tác giả Bùi Hữu Cường, đại học Quảng Nam đi sâu phân tích vai trò của các “ bên liên quan”.
 
Những nẻo đường… nghiện ngập - 1

Động cơ để các em đến với ma túy là tò mò thử xem, bạn bè rủ rê, lôi kéo, trong khi không hiểu tác hại của ma túy nên việc tiếp xúc với ma túy là dễ dàng. (nguồn ảnh internet)

 

Buông trôi theo số phận

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Phần chìm đầy nguy hiểm của tệ nạn này vẫn đang ẩn nấp, lấp lửng, chưa biết sẽ phơi bày và đe doạ đến cuộc sống của chúng ta khi nào. Hơn lúc nào hết xã hội cần phải lên tiếng và cùng nhau chung tay trong công cuộc phòng, chống ma tuý nhằm đấu tranh chống loại tệ nạn này, cũng như tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để không bị ngã vào con đường đen tối đó.

 

Khi đã rơi vào con đường nghiện ma túy, người nghiện là người có tâm lý bị rối loạn trong một thời gian dài…Họ mang tâm trạng hai chiều, mâu thuẫn, nghĩa là họ vừa thèm muốn được ma túy để thõa mãn cơn nghiện, vừa muốn chống lại hành vi đó. Và sự biểu hiện của nó là hay phủ nhận, không chú ý hoặc tỏ ra ít hiểu biết về ma túy.

 
Ta cũng thừa nhận một tâm lý “không có người nghiện nào không muốn bỏ nghiện”. Bởi vì trong tâm thức của họ không hề muốn bị nghiện và cũng luôn mong được thoát khỏi nó. Thật sự, họ đã cố gắng bỏ nghiện, có lần đã bỏ được, nhưng lại tái nghiện. Vì nghị lực của bản thân chưa thể thắng được những cám dỗ “phi thường” của ma túy. Sự thất bại nhiều lần trong bản thân, bạn bè đã làm cho họ mất niềm tin vào chính mình, buông trôi và tự cho là số phận. Họ tự tìm an ủi bằng cảm hứng của ma túy, và lần nữa họ lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn đầy nguy hiểm của ma túy. Vì vậy, sự giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài đến họ đòi hỏi sự kiên trì, lâu dài và những hiểu biết sâu rộng.

 

Người nghiện thường trầm cảm, luôn mang hình ảnh xấu về chính mình, buồn chán, cảm giác bị bỏ rơi, bị mọi người xa lánh. Từ đấy, họ thiếu niềm tin nơi chính họ và nơi người khác. Trạng thái người nghiện rất phức tạp, thay đổi theo nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn tương ứng một cách tiếp cận khác nhau. Nếu tiếp cận không đúng cách, không phù hợp thì sẽ bị thất bại.

 

Những nẻo đường… nghiện ngập - 2

Ma túy đã giết chết tương lai của rất nhiều trẻ vị thành niên (nguồn ảnh: Báo An ninh HP)
 
Những người nghiện quen được nuông chiều, chơi bời lêu lỏng. Khi bị gia đình bắt buộc vào cai nghiện thì họ không nhiệt tình chữa trị. Đây cũng là khó khăn lớn trong việc cai nghiện. Đồng thời, ý chí của người nghiện trong việc cai nghiện không cao thì nguy cơ tái nghiện là rất lớn.

 

Hạn chế kỹ năng sống

 

tính đến hết ngày 15/12/2009 cả nước có trên 146.731 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 15,45% so với cuối năm 2008. Trong tổng số 11.017 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc có 4.788 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, chiếm 43,46%. Trong năm 2009 các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ gần 13.300 vụ với trên 17.500 đối tượng phạm tội về ma túy. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 11.401 vụ án với 14.911 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định truy tố 11.286 vụ án với 14.575 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 10.571 vụ với 13.957 bị cáo. (Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm)

Hầu hết những người nghiện có giới hạn về kỹ năng sống. Học hỏi kỹ năng sống là học hỏi nhận biết về mặt mạnh và mặt yếu của mình, tức là kỹ năng suy nghĩ và kỹ năng hành động, kế đó là kỹ năng ngôn ngữ, khả năng phân tích hành vi của mình. Những tâm lý trên của họ rất cần được sự giúp đỡ, nhưng sự giúp đỡ này đòi hỏi phải có kiến thức, có kỹ năng chuyên môn về tâm lý và công tác xã hội. Ở đây đòi hỏi rất lớn về kỹ năng “mềm”.

 

Khi VN chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, sự đổi mới này đã đem lại nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những mặt trái nhất định: Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự chênh lệch quá mức về thu nhập, mức sống của các tầng lớp nhân dân. Người nghèo thường dễ sa ngã vào ma túy và chán nản, người giàu thì muốn thử cảm giác lạ...

 

Hoặc cũng do sự giáo dục của các em ở lứa tuổi mới lớn không được chú trọng, cha mẹ lo làm ăn, kinh doanh…Lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi mới lớn, đang trên đà phát triển mạnh về thể chất lẫn có những thay đổi về tâm lý. Ở lứa tuổi này các em chưa thật sự trưởng thành, suy nghĩ chưa chín chắn, tự bản thân các em dễ bị lôi kéo từ những kẻ xấu, hay thích ăn chơi đua đòi, thể hiện bản thân, bị ảnh hưởng bởi lối sống gấp, đặc biệt các em ở thành phố bị ảnh hưởng lối sống gấp rất rõ... Động cơ để các em đến với ma túy là tò mò thử xem, bạn bè rủ rê, lôi kéo, trong khi không hiểu tác hại của ma túy nên việc tiếp xúc với ma túy là dễ dàng.

 

Người dân có trình độ nhận thức kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nghiện ma tuý. Đặc biệt những em trong độ tuổi vị thành niên, còn đến trường nhưng hầu hết thuộc diện học kém, ý thức kỷ luật kém, coi thường việc học. Trong quá trình đi học thường bị nhà trường kỷ luật dẫn đến chán học và bỏ học, dần dần tập nhiễm những thói hư tật xấu. Các em nghỉ học, không đi làm gì cả hoặc có làm thêm nhưng không ổn định.

 

Những em không có nghề thì hay chơi bời, đàn đúm với bạn bè và cuối cùng rơi vào con đường nghiện ngập, tội phạm: trộm cắp, cướp giật, trấn lột... Vì ngoài thời gian ở nhà thì quỹ thời gian dạy chữ và giáo dục ở trường cho các em là khá lớn. Tuy vậy, các tổ chức Đoàn, Đội ở các trường còn lỏng lẻo, hoạt động chưa có chiều sâu cả về mặt hình thức và nội dung... Điều này sẽ dẫn các em đến những hoạt động tiêu cực, tụ tập chơi bời khi có sự lôi kéo nào đó. Đây là nguy cơ dẫn đến tệ nạn ma tuý.

 

Bùi Hữu Cường

VNH K08 Đại Học Quảng Nam