Những “lỗ hổng” trong giáo dục nhân cách trẻ em
(Dân trí) - Người lớn chúng ta cứ hay ngỡ ngàng trước những hành động bạo lực, trước sự vô cảm, vô văn hóa của một bộ phận trẻ em mà không tĩnh tâm để nhìn lại xem chúng ta đã giáo dục trẻ em như thế nào?
Chúng ta quên mất rằng, một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành không phải sinh ra đã được như vậy mà nhờ được người lớn chăm sóc giáo dục. Bác Hồ cũng đã từng viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm- Nhật ký trong tù). Một đứa trẻ lớn lên, hình thành được một tính cách tốt hay xấu trước hết nó phụ thuộc vào sự giáo dục của người lớn trong gia đình, nhà trường mà các em học và môi trường xã hội, các hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia. Nhìn vào “ba lực lượng” giáo dục này nhiều lúc chúng ta phải giật mình bởi cách giáo dục còn thiên lệch, khắc kỷ hoặc là buông lỏng một cách đến vô tâm.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
(nguồn ảnh: Thethaovanhoa.vn)
Các vụ phạm tội do thanh thiếu niên gây ra đang gia tăng (ảnh minh họa)
Đối với nhà trường hiện nay thì xu hướng vẫn còn coi trọng dạy chữ hơn dạy người. Các em gần như phải học cả ngày. Học sinh phổ thông từ lớp 1 cho đến lớp 12 ngoài học buổi chính còn học buổi hai (nâng cao, củng cố kiến thức). Dưới áp lực của thi cử và các chỉ tiêu nhà trường đặt ra, mà thường là chỉ tiêu về chất lượng học lực đã làm cho giáo viên phải đầu tư nhiều vào việc truyền thụ kiến thức văn hóa nên còn rất ít thời gian cho giáo dục đức, thể, mĩ. Dẫn đến trẻ em cũng căng thẳng, mệt mỏi chán chường, sợ học và giảm hứng thú vui vẻ khi đến trường nên hiệu quả của việc giáo dục kỹ năng sống cho các em còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục được những điều còn bất cập trong giáo dục nhân cách cho trẻ hơn ai hết người lớn phải thấy được trách nhiệm giáo dục con cái của chính mình. Tổ chức đoàn thanh niên (ở địa phương cũng như trong nhà trường) phải đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên, phù hợp với nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu của giới trẻ, tạo được môi trường tốt để giáo dục tình cảm, lí tưởng cũng như những kỹ năng sống mà các em cần. Nhà trường chú ý hơn đến giáo dục toàn diện, cân bằng các chỉ tiêu giáo dục để trẻ em được phát triển hài hòa có trí thức, có văn hóa và đời sống tâm hồn phong phú.
Hồ Đình Kiếm
Xóm 7, Mai Hùng, Quỳnh Lưu, Nghệ An
LTS Dân trí - Ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây là sát với tình hình thực tế. Rõ ràng trẻ em của chúng ta ngày nay ít được quan tâm giáo dục về nhân cách, đạo đức cũng như nếp sống và cách ứng xử. Phần lớn gia đình buông lỏng sự giáo dục con cái: “trăm sự trông cậy vào nhà trường”; trong khi nhà trường cũng chỉ nặng về “dạy chữ” và coi nhẹ việc “dạy người”. Các đoàn thể trong nhà trường cũng như tại cụm dân cư chưa có những hoạt động có sức hấp dẫn tạo ra sân chơi lành mạnh và có tác dụng giáo dục trẻ em.
Tình hình thực tế nói trên đã được các diễn đàn nói đến nhiều. Điều quan trọng lúc này là các lực lượng giữ vai trò chủ yếu giáo dục trẻ em cần làm tròn trách nhiệm của mình. Trước hết là các bậc cha mẹ cần nêu gương sáng cho con em mình noi theo cả về đạo đức cũng như lối sống; luôn quan tâm giáo dục con cái, không ỷ lại vào nhà trường. Mặt khác, các thầy cô giáo cũng nên coi trọng việc khuyến khích các em vừa phấn đấu học tập tốt vừa có ý thức xây dựng tập thể, đối xử thân mật và sẵn lòng giúp đỡ bạn bè.
Các cấp quản lý giáo dục cần giảm nhẹ chương trình học tập chính khóa để nhà trường có điều kiện tổ chức hoạt động ngoại khóa, giúp cho việc học của các em trở nên sinh động, toàn diện, và thiết thực hơn.