Bạo lực học đường - nhìn về phía người lớn

(Dân trí) - Những học sinh gây ra các vụ bạo lực học đường thường bị người lớn lên án nặng nề và lớn tiếng đề nghị kỉ luật đích đáng. Nhưng nếu có con mắt khách quan thì bản thân những “người lớn” chúng ta không phải là vô can trong những vụ bạo lực đó.

Những hình phạt đúng đắn, thỏa đáng thường có tác dụng răn đe trước hết với đối tượng trong cuộc, sau là răn đe những học sinh khác, để các em không dám vi phạm. Điều này có vẻ hợp lí. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, thì đôi khi chính những em phạm lỗi ấy cũng là nạn nhân và kẻ đáng trách nhất không hẳn là các em.

 

Người lớn chúng ta thường đưa ra lý lẽ “thương cho roi cho vọt”. Trẻ con có lỗi thì phải nghiêm phạt để uốn nắn, sửa sai. Nhưng thường thì người lớn hay tức giận trước lỗi lầm trước mắt của trẻ con mà không kịp bình tỉnh tự hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn chúng đến phạm lỗi.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hình phạt nghiêm trị chỉ thực sự áp dụng đối với những người trưởng thành, có năng lực nhận thức hoàn chỉnh và đầy đủ tư cách pháp nhân. Nhưng “nghiêm trị” đối với trẻ con là xuất phát từ lòng thương yêu, nhân hậu của người lớn, mở đường cho các em sửa chữa sai lầm và có cơ hội vươn lên sánh vai cùng bạn bè đồng trang lứa.

 

Do đó, nếu quả thực hiểu điều này, thì bản thân những người làm thầy phải thực sự trăn trở rất nhiều khi quyết định đưa ra hình phạt đối với học sinh tham gia bạo lực học đường. Bởi nếu cứng nhắc dùng luật lệ nghiêm phạt, điều đó cũng đồng nghĩa tương lai các em chấm hết. Ở tuổi chập chững chưa kịp trưởng thành, các em đã mang mặc cảm lớn, nó sẽ đeo đuổi các em suốt đời thì khả năng các em bị “tha hóa” càng nhiều hơn.

 

Có vô vàn những lí do có thể dẫn các em đến bạo lực ngoài việc bản thân HS không tốt: giáo dục gia đình thiếu sót, hoặc gia đình rối ren, cha me li dị, suốt ngày cãi cọ, đánh nhau khiến tuổi thơ các em u ám, rồi tác động của phim ảnh, game bạo lực…Và sâu xa nhất chính là nền tảng luân lí, đạo đức xã hội.
 
Bạo lực học đường - nhìn về phía người lớn - 1

Hình chỉ mang tính chất minh họa (ảnh trong bộ phim Bóng ma học đường)

 

Nhân cách một con người không do mình tự mong muốn, nhất là ở tuổi bồng bột, chưa định hình rõ ràng nhân cách sống thì những sai phạm của học sinh trước hết phải xét đến lỗi của người lớn.

 

Phải nghiêm khắc mà nói chính người lớn chúng ta mới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trẻ em hư hỏng ngày càng nhiều, cũng như tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến.

Bác Hồ đã nói rất thấu tình, đạt lý: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – phần nhiều do giáo dục mà nên. Bởi thế, người lớn chúng ta, những bậc làm cha mẹ, làm thầy, đứng trước lỗi lầm của học sinh, dù là nghiêm trọng mức nào, trước khi xử phạt các em nên trách chính mình trước đã.

 

Dĩ nhiên cũng có những học sinh thật sự quá cá biệt, không thể dạy dỗ. Một xã hội diễn ra tình trạng bạo lực học đường đến mức đáng lo ngại, thì phải coi lại đạo đức xã hội đó.

 

Do đó, tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân trực tiếp của bạo lực học đường thì dễ dàng, nhưng để hiểu thấu và chấm hết nguyên nhân sâu xa của nó thì vô cùng khó. Chúng ta không nên nhìn hạn hẹp lỗi của các em hay nhà trường, mà phải nhìn sâu rộng đến nền tảng luân lí và đạo đức xã hội. Đứng ở góc độ này, chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung, thấu tình đạt lý hơn đối với các em.

 

Phải nghiêm khắc mà nói chính người lớn chúng ta mới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trẻ em hư hỏng ngày càng nhiều cũng như tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến. Người lớn (chứ không phải trẻ em) có trách nhiệm quản lý xã hội, mà để cho nền tảng luân lý và đạo đức xã hội xuống cấp đến nỗi người vợ đang tay thiêu sống người chồng vốn sống tận tụy với vợ, với con (câu chuyện đau lòng ở Long An); rồi chuyện “xử kín” một hiệu trưởng trường THPT ở một tỉnh vùng cao có hành động “mua dâm” nhiều học trò của mình…Những hiện tượng tha hóa đạo đức tới mức độ đó buộc chúng ta phải lo lắng về nền tảng luân lý của xã hội.

 

Những người làm cha làm mẹ, làm thầy cô giáo nên tự vấn lương tâm của mình đã xứng đáng là tấm gương về đạo đức, tư cách cũng như lối sống và cách ứng xử có văn hóa cho con em mình noi theo hay chưa?

                                  

                                                            Hồ Hoàng Khải

                                                                          TP Cần Thơ

 

LTS Dân trí - Không ít ý kiến cho rằng muốn chấm dứt tình trạng bạo lực học đường đang trở nên phổ biến hiện nay, thì điều quan trọng trước hết là phải kỷ luật thật nghiêm những học sinh tham gia các vụ bạo lực.

 

Tác giả bài viết trên có một cách nhìn khác về lỗi lầm của các em mà “người lớn” không phải là “vô can” trước những lỗi lầm đó. 

 

Vì vậy, cách xử lý quyết liệt mà đơn giản như thế không đem lại kết quả mong muốn.  Điều quan trọng ở đây là phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của từng vụ bạo lực để có cách giải quyết thấu tình đạt lý, có sức cảm hóa và thuyết  phục đối với những “tội đồ” ở tuổi vị thành niên.

 

Và muốn khắc phục từ gốc tình trạng bạo lực học đường, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nền tảng luân lý và đạo đức xã hội, chăm lo xây dựng nền giáo dục thật sự thấm nhuần tính nhân văn cả trong nội dung chương trình cũng như cách thức giáo dục.

 

Nếu các em được sống trong gia đình yên ấm hạnh phúc, được tiếp thu những ảnh hưởng giáo dục lành mạnh và tốt đẹp của nhà trường cũng như gia đình và xã hội, thì chắc chắn các em có điều kiện phát triển thuận lợi để trở thành những người con hữu ích cho gia đình và xã hội.