Những điều vô lý đang tồn tại trong ngành giáo dục
(Dân trí) - Chỉ một ngày thôi sau khi xuất hiện bài viết “Ước muốn là những người thầy đúng nghĩa” trên Diễn đàn Dân trí, đã có hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi đến Tòa soạn bày tỏ sự đồng tình và tiếp tục nêu lên những điều trăn trở về nghề dạy học..
Hầu hết những ý kiến đó là của các thầy cô giáo vốn yêu nghề dạy học nhưng khi vào nghề gặp rất nhiều khó khăn, từ xin việc làm, đồng lương quá eo hẹp không đủ sống cho đến cách thức quản lý tạo nên nhiều áp lực không đáng có lên giáo viên…
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Chúng tôi xin được trích đăng một số ý kiến điển hình trong số đó:
Bạn đọc Giacmosaobang911@yahoo.com:
Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm được 4 năm. Ra trường tôi không được may mắn như bạn là được tuyển dụng biên chế. Bởi lẽ ở chỗ tôi việc tuyển biên chế là vô cùng phức tạp. Thi tuyển là một chuyện nhưng nếu như bạn không có cái gì “bôi trơn" thì cũng khó mà trúng tuyển. Tuy nhiên tôi vẫn may mắn hơn một số bạn khác là vẫn được đi dạy hợp đồng ở một truờng cấp 2, rồi cấp 3. Trải qua 4 năm đứng trên bục giảng.
Tôi hoàn toàn đồng ý với những “áp lực” bạn đã đưa ra ở trong bài viết. Thực sự đối với một giáo viên dù có nhiều năm trong nghề thì với đồng lương công chức như hiện nay thì dù sống ở những vùng nông thôn cũng khó sống huống chi là ở các thành phố lớn, giá mọi thứ đều đắt đỏ, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng ầm ầm.
Trong bài viết, bạn có nói đến nghề giáo là nghề "trên đe dưới thớt" nhưng ở đây bạn chỉ nói đến ở khía cạnh là chất lượng bài dạy mà thôi chứ chưa hề nói đến áp lực về “thành tích”. Tôi hiện đang công tác ở một trường thuộc huyện Đoan Hùng - tỉnh Phú thọ, ở đây chúng tôi được cái "sướng" hơn bạn là không bị áp lực bởi chất lượng bài dạy mà chủ yếu chúng tôi chỉ bị áp lực về sổ sách giấy tờ thôi bạn à.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh:gdtd.vn)
Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng đây là một môi trường lành mạnh, nhưng tôi đã nhầm, cái khó khăn của cuộc sống ngày thường đã len lỏi vào trong ý thức của mỗi người thầy, người cô, cái gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đã biến những người giáo viên trở nên ích kỷ và nhỏ nhen hơn (Tôi xin lỗi những ai không phải như tôi nói) nhất là những người giáo viên dạy ở các cấp học thấp, nội bộ giáo viên không thực sự đoàn kết, có khi chỉ vì chút quyền lợi cỏn con mà cãi nhau như mấy bà bán hàng ngoài chợ ấy.
Nhưng dù sao đi chăng nữa nói như bạn thì chúng ta vẫn có một cái được và cái được đó đã níu giữ chúng ta lại với nghề. Hạnh phúc biết bao khi được học trò yêu mến, hạnh phúc biết bao khi được nghe tiếng gọi "thầy". Tiếng gọi ấy chính là sợi dây níu giữ chúng ta lại nhưng liệu nó có níu giữ được mãi hay không khi mà áp lực cuộc sống ngày một đè nặng lên mỗi người chúng ta?
Bạn đọc Phạm Duy Ninh:
Tôi thực sự thấy ngành giáo dục của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là của ngành mầm non. Tôi lấy ví dụ tại huyện Sóc Sơn của thủ đô Hà Nội. Việc sử dụng giáo viên ở đây không đúng với luật lao động của Việt Nam.
- Các cô giáo phải làm việc từ 7h sáng đến 17h tương đương 10 tiếng và theo quy định của luật là 8 giờ/ngày. Vậy quá 2 tiếng làm thêm phải được trả lương ngoài giờ thành 4 tiếng, có nghĩa là làm 1 ngày thành 1,5 ngày công, nhưng cũng chỉ được tính một ngày lương . Như vậy là sai luật lao động (điều 61 luật lao động Việt Nam). Những ngày làm thêm nhưng không được tính thêm lương.
- Các chi phí in giáo án, văn phòng phẩm giáo viên tự túc (tự đổ mực in, tự mua giấy in tự chi trả tiền sửa chữa máy; nhà trường không chi các khoản trên). Đấy là điều rất vô lý không hề có quy định trong luật lao động cũng như các văn bản có tính pháp quy của ngành giáo dục. Vậy mà điều đó lại thực hiện ở một huyện trên địa bàn của thủ đô.
Một điều ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng đời sống của giáo viên những vùng nông thôn hay miền núi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. (nguồn ảnh: vinhcity.gov.vn)
- Đã phải làm thêm giờ không được tính đúng tiền lương mà tiền ăn trưa giáo viên vẫn phải trả.
- Không có tiền thưởng cuối năm (có thì rất ít chỉ được vài trăm ngàn)
- Đồng lương thì rất thấp trong khi áp lực công việc đè nặng, giáo viên phải chịu trách nhiệm cao (vừa phải dạy và trông trẻ). Lương của giáo viên mầm non được tổng cộng được hơn 2 triệu/tháng, vậy mà phải chi trả tiền cho nhà trường những phí tổn phục vụ giảng dạy như đã nói ở trên thì thật vô lý và lấy gì để giáo viên đủ sống trong tình hình bão giá hiện nay.
Bạn đọc Đỗ Văn Minh:
Trước hết tôi thấy rất đồng tình với một số ý kiến của nhà giáo Lưu Hải Phong. Tôi đã từng là một giáo viên THPT hơn 1 năm, nay chuyển ngành rồi nhưng tôi cũng muốn đóng góp thêm một số bất cập:
Điều đáng quan tâm nhất là áp lực thi công chức:
Những điều tác giả bài viết nói đến chỉ dành cho giáo viên đã ở trong biên chế, thế còn giáo viên hợp đồng thì sao? Lương của họ còn thấp hơn nhiều, tôi đã từng chứng kiến nhiều giáo viên huyện tôi dạy hợp đồng đến hàng chục năm, vẫn chỉ ăn lương 1,0 cơ bản, làm việc chẳng thua giáo viên biên chế là bao. Đối với họ nhiều khi kỳ thi công chức hàng năm như "ác mộng" vì thi quá nhiều lần để rồi để lại trượt! Một số tỉnh cải tiến thành xét duyệt qua “tổng điểm” để đỡ thi, nhưng ... việc chạy chọt và tiêu cực không thuyên giảm một chút nào, thậm chí còn nặng nề hơn, không làm gì có công bằng và minh bạch ở đây.
Bạn đọc Nguyễn Chinh:
Tôi cũng mới vào nghề nhưng tôi cũng cảm nhận được những áp lực trong ngành. Có lúc tôi phải nói "người ta bắt mình làm điều gì thì phải làm thôi", nói thế không phải là việc nào cũng làm. Tôi chỉ muốn nói đến áp lực “thành tích” thôi, ví dụ như cuối năm phải có bao nhiêu học sinh giỏi thi nhà trường yêu câu phải như thế này như thế nọ. Câu chốt là phải thực hiện bằng được.
Ngoài công việc chuyên môn, còn phải làm những việc không tên, tôi dạy toán nên ghét nhất là làm hồ sơ mà một số hồ sơ chẳng để làm gì như giáo án lao động chẳng hạn. Thời gian đó để tôi chuẩn bị giáo án cho môn toán, trau dồi thêm kiến thức có tốt hơn không. Còn nhiều điều bất cập lắm, nói cả ngày cũng không hết. Tôi là người may mắn khi xin việc không mất tiền, còn các bạn tôi thì có tiền cũng vẫn chưa chạy được; riêng tiền quà cáp, xăng xe đã tốn kém biết bao nhiêu mà công việc chưa đâu vào đâu! Các bạn tôi tâm sự: Nếu biết như vậy thì thà đi học thêm văn bằng 2 để kiếm nghề khác còn hơn.
Bạn đọc Lê Đức Dũng :
Hãy vững tin vào nghề cao quý mà chúng ta đã lựa chọn! Tôi hiện đang là Hiệu trưởng một trường THCS ở biên giới tỉnh Đồng Tháp. Nhớ năm 1996, khi mới ra trường, tháng lương đầu tiên tôi nhận được là 158.000đ. Đúng là chỉ vừa đủ ăn đạm bạc. Mùa nước lũ, nhà tập thể ngập, người dân xung quanh cho chúng tôi ở nhờ, nuôi cơm không lấy tiền. Mấy đứa học trò khi đánh cá về, lấp ló đổ cho mấy thầy, cô mớ cá, tép, có đứa vào bếp ăn, ngó tới ngó lui, hôm sau xách vào chai nước mắm... Có phải những tình cảm đó làm chúng tôi gắn bó với vùng đất khó khăn này?