Những ai có thể được miễn án tù giam trong vụ "chuyến bay giải cứu"?

PV

(Dân trí) - "Nếu các bị cáo bị đề nghị mức án dưới 3 năm tù, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, không gây nguy hiểm cho xã hội nếu hưởng án treo, họ có thể được xem xét miễn án tù giam.

Sau hơn một tuần xét xử, phiên tòa vụ án "chuyến bay giải cứu" bước vào giai đoạn nghị án. Theo thông báo của tòa, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 28/7 tới.

Trong số 54 bị cáo bị xét xử, có 5 người được VKS đề nghị cho hưởng án treo gồm Đào Thị Chung Thúy (Lao động tự do), Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Lữ hành Việt), Phạm Bá Sơn (Nhân viên Công ty Thái Hòa), Tào Đức Hiệp (Công ty Công đoàn Đường Sắt, cùng về tội Đưa hối lộ) và Trần Quốc Tuấn (Công ty Vitrato, tội Môi giới hối lộ).

Theo dõi vụ việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, pháp luật hiện hành quy định ra sao về việc cho hưởng án treo? Để được hưởng án treo, các bị cáo cần có đủ những tình tiết nào?

Những ai có thể được miễn án tù giam trong vụ chuyến bay giải cứu? - 1

Sau hơn một tuần xét xử, phiên tòa vụ án "chuyến bay giải cứu" bước vào giai đoạn nghị án (Ảnh: Nguyễn Hải).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo định nghĩa tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. Thời gian thử thách ấn định trong khoảng 1-5 năm, đồng thời người bị tuyên án buộc phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Về điều kiện được hưởng án treo, Điều 2 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP quy định người phạm tội sẽ được xem xét cho hưởng án treo nếu đáp ứng những điều kiện sau:

Về mức án, mức phạt tù họ phải chấp hành không quá 3 năm;

Về nhân thân, người phạm tội có nhân thân tốt, tức ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;

Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sựngười phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 như người phạm tội là phụ nữ có thai; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự thú hay đã lập công chuộc tội…

Bên cạnh đó, người phạm tội cũng phải không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Về nơi cư trúngười phạm tội phải có nơi cư trú rõ ràng (tức nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể mà người đó sinh sống, cư trú thường xuyên) hoặc có nơi làm việc ổn định (tức nơi họ làm việc có thời hạn từ 1 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Về nhận định của HĐXX, HĐXX xét thấy không cần bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, Điều 3 Nghị quyết này cũng quy định những trường hợp không được hưởng án treo như sau:

- Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Người phạm tội bỏ trốn, đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi hoặc bị xét xử và kết án về 2 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.

- Người phạm tội 2 lần trở lên, trừ các trường hợp: Chưa đủ 18 tuổi; Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể và Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.

- Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Trong trường hợp này, mức án mà VKS đề xuất với các bị cáo lần lượt như sau: Đào Thị Chung Thúy (12-14 tháng tù), Vũ Thùy Dương (2-3 năm tù), Phạm Bá Sơn (18-20 tháng tù), Tào Đức Hiệp (18-20 tháng tù) và Trần Quốc Tuấn (2-3 năm tù). Như vậy, về mức án, các bị cáo đều đáp ứng điều kiện được hưởng án treo theo tinh thần của Bộ luật Hình sự 2015 cũng như Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP.

Trong thời gian nghị án, HĐXX sẽ tiếp tục xem xét những tiêu chí khác đối với bị cáo, đồng thời xem xét các bị cáo có thuộc trường hợp miễn hưởng án treo hay không, từ đó quyết định mức hình phạt đối với những người phạm tội.

Hoàng Diệu