Từ vụ "chuyến bay giải cứu": Tiền hối lộ có được trả lại người đưa hối lộ?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, do giao dịch đưa và nhận hối lộ là bất hợp pháp, số tiền trong giao dịch này cũng được coi là tiền phạm pháp và sẽ phải sung quỹ Nhà nước thay vì trả lại cho người đưa.

Trong những vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ, các bị cáo thường phải nộp lại số tiền lớn để bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Theo quy định của pháp luật, số tiền này có thể được chuyển cho tổ chức, cá nhân nào quản lý?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp lý, những hành vi đưa, nhận hay môi giới hối lộ đều là phạm pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 đã có chế tài cụ thể dành cho những hành vi này tại các Điều 354 (tội Nhận hối lộ), Điều 364 (tội Đưa hối lộ) và Điều 365 (tội Môi giới hối lộ).

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Tiền hối lộ có được trả lại người đưa hối lộ? - 1

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Trong số này, tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 có khung hình phạt nặng nhất. Theo đó, trong trường hợp số tiền hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, theo Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp tử hình và Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định về nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ, trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

"Trên thực tế giải quyết các vụ án về hối lộ, người phạm tội thường nộp tiền khắc phục hậu quả nhằm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trên tinh thần của Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của TAND Tối cao, nếu bị cáo chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền hối lộ đã nhận thì sẽ không phải chịu khung hình phạt cao nhất tại Điều 354 là tử hình", luật sư Quynh cho biết.

Đối với số tiền hối lộ đã nhận, luật sư cho rằng do giao dịch giữa người đưa và nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, số tiền trong giao dịch này cũng sẽ là phạm pháp. Khi đó, số tiền này sẽ không thể trả lại cho người đưa hối lộ mà phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Tiền hối lộ có được trả lại người đưa hối lộ? - 2

Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) là bị cáo liên quan đến cả hành vi đưa hối lộ để được cấp phép tổ chức chuyến bay giải cứu, lẫn chi tiền để "chạy án" (Ảnh: Hải Nam).

Có chung nhận định, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, nộp tiền khắc phục hậu quả là biện pháp để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc thi hành án để thu hồi lại tài sản hối lộ. Số tiền này thường sẽ được nộp tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Theo quy định, vụ án được xét xử ở cấp nào thì số tiền khắc phục hậu quả sẽ được nộp tại Cục hoặc Chi cục Thi hành án dân sự cùng cấp. Đồng thời, số tiền thu được từ việc khắc phục hậu quả này sẽ được sung vào Ngân sách Nhà nước.