Nhức nhối tình trạng học sinh bỏ học - chúng ta phải làm gì?

Thời gian gần đây, dư luận đang “nóng” lên vì những thông tin học sinh bỏ học. Tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt đang gia tăng trên các địa phương khiến những ai có tâm huyết với giáo dục không khỏi trăn trở, nhức nhối.

Báo Vietnamnet dẫn thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết: “Tính đến tháng 12/2007, tổng số HS THCS bỏ học trên cả nước là 63.729 - chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng HS của bậc học này; tổng số HS cấp THPT bỏ học là 50.309 (tỉ lệ 1,66%). Và trong năm 2007, cả nước đã có hơn 110.000 học sinh bỏ học, có những địa phương như An Giang có đến 17.000 học sinh bỏ học. Đó là những con số khiến chúng ta giật mình, và đã có ý kiến báo động về tình trạng thất học của  thanh thiếu niên.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Bộ GD-ĐT đã thừa nhận nguyên nhân của  tình trạng học sinh bỏ học tăng đột biến là do siết chặt kỉ cương trong thi cử, đánh giá, nhất là đối với học sinh có học lực yếu. Ngoài ra còn một số nguyên nhân cố hữu khác như hoàn cảnh khó khăn, nhà quá xa trường, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, vùng cao…Từ năm học trước, ngành giáo dục và các cấp chính quyền, đoàn thể đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này song hiệu quả chưa được như mong muốn.

Năm học 2007-2008, học sinh vẫn tiếp tục bỏ học, đơn cử như tỉnh Đồng Nai năm học 2006-2007 có hơn 6.000 học sinh bỏ học, nhưng chỉ mới từ đầu năm học 2007-2008 đến nay đã có gần 3.300 học sinh bỏ học (theo báo Tiền phong). Thậm chí có nơi do đói kém, học sinh bỏ học đến 70% như huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (báo Tuổi trẻ ngày 8/3). Cũng báo này đưa tin Kontum có 2.500 học sinh bỏ học. Riêng 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi, có 4000 học sinh bỏ học, v.v.

Thực tế đó đòi hỏi ngành giáo dục và các cấp chính quyền phải đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp đã mang lại hiệu quả, mặt khác nghiên cứu những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn. Đã có những giải pháp được đề xuất như phê bình, cắt danh hiệu, cắt trợ cấp và cả…phạt tiền những gia đình nào để cho con em bỏ học. Điều đó cho thấy việc giải quyết “vấn nạn” học sinh bỏ học đang gặp rất nhiều khó khăn.

Có nghịch lí nào chăng trong hiện tượng này khi mà việc đến trường không còn là quyền lợi chính đáng, là điều tự giác, là niềm vui, niềm hạnh phúc của con em chúng ta? Nền giáo dục phổ cập là một biểu hiện của  tính ưu việt của chế độ chúng ta mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh gian khổ, hi sinh xương máu mới giành được, nhà nước và nhân dân phải đầu tư biết bao công sức, tiền của  mới có được hàng triệu giáo viên và hệ thống nhà trường phổ thông trên cả nước. Cần phải có những khảo sát nghiêm túc trên diện rộng về vấn đề này để có những kết luận chính xác làm cơ sở để đề ra những giải pháp hữu hiệu.

Hiện nay, chúng ta chỉ mới biết được những nguyên nhân của  tình trạng học sinh bỏ học một cách đại khái mà không hề có được những con số thống kê, khảo sát của các nhà quản lí giáo dục, của các nhà khoa học.

Bao nhiêu % học sinh bỏ học vì trình độ học lực kém, sinh ra chán nản khi việc kiểm tra, thi cử bị xiết chặt theo tinh thần của  cuộc vận động “hai không”; bao nhiêu % học sinh bỏ học vì nghèo, vì khó khăn; bao nhiêu bỏ học vì sức ép gia đình % và bao nhiêu % học sinh bỏ học vì những nguyên nhân khác? Đó là những câu hỏi lớn…chưa có lời đáp. Tại sao không có những đề tài cấp bộ về vấn đề này?                                                         

Từ góc nhìn của một giáo viên phổ thông, chúng tôi xin trao đổi thêm về một số giải pháp xung quanh hiện tượng nói trên: 

Thứ nhất, cần phải có ngay một cuộc vận động “nói không với hiện tượng học sinh bỏ học vì nghèo”. Xã hội ta không thể để cho con em vì nghèo mà thất học. Cần rà soát lại những chính sách ưu tiên, hỗ trợ học sinh nghèo, bổ sung những ưu đãi mới, có những giải pháp vận động nguồn tài chính cho học sinh nghèo, thực hành tiết kiệm để dành tiền cho học sinh nghèo, đẩy mạnh phong trào từ thiện trong các nhà trường, vận động những học sinh khá giả giúp đỡ bạn nghèo. Hiện học sinh nghèo chỉ được giảm ½ học phí, các khoản đóng góp khác thì bình đẳng như những học sinh khác; báo chí cũng đã đề cập nhiều đến hiện tượng “lạm thu, loạn thu” trong các nhà trường, một trong những nguyên nhân làm học sinh nghèo phải bỏ học. Có không ít trường học không những không có biện pháp nào để giúp đỡ học sinh nghèo mà còn luôn “sáng tạo” ra những khoản thu để “bòn rút” học sinh. Cần có chính sách cho những gia đình nghèo vay vốn cho con học phổ thông. Cần có qui định “xử phạt” những trường nào, địa phương nào để cho học sinh  bỏ học vì nghèo. Đối với những địa phương khó khăn, cần điều tra, khảo sát và lập đề án xin nhà nước hỗ trợ kinh phí.       

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “hai không”. Việc học sinh bỏ học, yếu kém quá nhiều không thể không đề cập đến trách nhiệm của nhà trường. Do áp lực của thành tích, các nhà trường chỉ lo đầu tư vào phong trào “mũi nhọn” như lập ra các lớp chuyên chọn, lo bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện thi đại học mà bỏ qua, coi nhẹ việc phụ đạo, kèm cặp những học sinh yếu kém. Học sinh giỏi được lập một lớp riêng, được các giáo viên giỏi giảng dạy, học sinh yếu thì “thiệt đơn thiệt kép” vì nhà trường ít quan tâm, một số giáo viên cũng giảng dạy thiếu nhiệt tình, không có bạn giỏi để hỏi han, giúp đỡ.

Ngay cả khi thực hiện “học kì III” do Bộ GD-ĐT qui định, nhiều trường vẫn không thực sự mặn mà. Một hiệu trưởng đã phổ biến kế hoạch như sau: “Giao chỉ tiêu mỗi lớp phải có một học sinh giỏi để trường giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia; mỗi giáo viên phải chịu trách nhiệm về học lực của học sinh do mình phụ trách, nếu học sinh nào chưa giỏi thì phải bồi dưỡng cho giỏi, học sinh nào xếp loại yếu kém thì giáo viên phải tổ chức phụ đạo để nâng trình độ lên”.

Ông hiệu trưởng chỉ nói thế chứ không hề lên kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ hay kỉ luật gì cả. Thế là thay vì phải bồi dưỡng và phụ đạo thật vừa vất vả vừa không được trả công, các giáo viên tự cho mình là khôn ngoan tìm cách để nâng điểm cho học sinh với suy nghĩ “dại gì mà ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Dĩ nhiên là ai cũng biết cách làm theo kiểu “khôn vặt” ấy, song tất cả đều ngơ cho qua. Vậy là thành tích của trường “năm sau cao hơn năm trước” còn hậu quả thì học sinh và phụ huynh phải gánh chịu.

Thứ ba, ngoài những nguyên nhân đã được công luận đề cập, chúng tôi cho rằng một nguyên nhân quan trọng khác là do chương trình học quá tải. Học sinh phải học quá nhiều môn, kiến thức các môn đều nặng, khó. Hiện học sinh lớp 10 THPT đang phải học đến 15 môn. Nếu như môn nào cũng “dạy thật, học thật, thi thật” theo đúng tinh thần cuộc vận động “hai không” thì học sinh chỉ còn nước học tối tăm mặt mũi, thậm chí không học nổi. Trước đây do giáo viên du di, dễ dãi, “thương” học trò nên mọi việc vẫn cứ “xuôi chèo mát mái”.

Đến nay siết chặt kỉ cương thi cử nên tất yếu sẽ “lộ diện” rất nhiều học sinh yếu kém. Nhiều giáo viên có kinh nghiệm cho rằng, với chương trình hiện tại, chỉ có khoảng 40 % học sinh đạt yêu cầu các môn từ trung bình trở lên. Con số này tuy chưa thật chính xác và sẽ có sự khác biệt ở các địa phương, song đã nói lên tình trạng quá tải trong chương trình là rất nặng nề và chất lượng giáo dục đang  thực trạng giáo dục ở nhiều nơi. Cần có một cuộc điều tra, khảo sát toàn diện về vấn đề này. Lại vẫn thiếu sự chỉ dựa trên những con số điều tra cụ thể từ Bộ chủ quản.

Giảm tải chương trình đang là một yêu cầu bức thiết của nền giáo dục. Nhưng có một nghịch lí là những cuốn SGK “giảm tải” lại luôn bị các giáo viên kêu ca là còn quá tải hơn trước. Số môn học cũng tăng lên, ngoài ra còn các chương trình ngoại khoá, tự chọn…

Học thêm cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải. Hiện nay, nhiều nơi học sinh có thời gian ngồi ở các lớp học thêm ngang hoặc nhiều hơn thời gian học chính khóa. Nguyên nhân của tình trạng học thêm là do chương trình quá tải, và việc học thêm lại càng làm cho sự quá tải thêm nặng nề, đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Thực tế cho thấy, mục tiêu giáo dục toàn diện của chúng ta chỉ đạt được ở một mức độ rất khiêm tốn. Hiện tượng những học sinh tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Ôlimpia” chỉ là cá biệt, những học sinh thực sự xuất sắc, giỏi toàn diện như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay trong phạm vi cả nước.

GS. Nguyễn Lân Dũng, theo một bài viết trên báo Tiền phong (ngày 31/10/2007), nêu ra kinh nghiệm của Nê-pan: họ quan niệm bậc phổ thông chỉ đến THCS, lên THPT là đi vào chuyên sâu để tiếp cận với chương trình đại học, môn tiếng Anh đã được học từ tiểu học. Vì vậy, học sinh THPT của họ chỉ phải học ít môn theo nhóm nhưng “học ra học”, kết quả cao và thực tế là họ có rất nhiều chuyên gia quốc tế đẳng cấp cao, hơn hẳn Việt Nam. Đây là một điều rất đáng suy ngẫm. Đúng là mục tiêu giáo dục toàn diện của chúng ta rất tốt song nếu như không phù hợp với thực tế, quá tải, thì học sinh buộc phải đối phó bằng cách học lệch, hoặc học nhiều nhưng kết quả chẳng được là bao, nếu không nói là chẳng được gì. Sự lãng phí này tuy vô hình song vô cùng lớn.

Trong hai phương án: học vừa phải, chất lượng, hiệu quả và học nhiều, tràn lan, bội thực, hiệu quả thấp rất cần các cơ quan chủ quản cân nhắc. Trong thời đại lao động chuyên môn hoá cao như hiện nay, cái cấp thiết là đáp ứng nhu cầu chuyên môn hoá, để tồn tại, hội nhập và phát triển. Với điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân trí thấp của chúng ta, điều đó lại càng có ý nghĩa. Nếu không giảm tải nội dung giáo dục hợp lí thì tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Rất mong Bộ GD-ĐT quan tâm nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về một đề án giảm tải, linh hoạt hoá chương trình giáo dục phổ thông. 

Trần Quang Đại
Trường THPT Trần Phú-Đức Thọ-Hà Tĩnh
email: 
quangdaiht@gmail.com

LTS Dân trí - Trước hiện tượng học sinh bỏ học hàng loạt ở các địa phương mà có tờ báo giật tít là "Báo động đỏ" quả thật là tình hình rất đáng quan ngại, cần phải nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân đến nơi đến chốn để từ đó tìm ra những biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đấy là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng là trách nhiệm của UBND các địa phương có nhiều học sinh bỏ học.

 

Riêng về nguyên nhân chương trình học quá tải, học sinh phải học quá nhiều môn, như tác giả bài viết trên đây nhấn mạnh cũng là một vấn đề đáng bàn luận. Tác giả có nêu ý kiến của GS. Lân Dũng nêu kinh nghiệm của Nê-pan phân ban sâu ngay từ THPT, đúng là kinh nghiệm đáng tham khảo. Ngay đối với Việt Nam chúng ta, chương trình phổ thông trong thời kỳ kháng Pháp đâu có nặng nề như bây giờ mà sao vẫn đào tạo được hàng loạt nhân tài như Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Vũ Tuyên Hoàng v.v.  Mong rằng đông đảo bạn đọc, nhất các nhà giáo, các nhà khoa học dành thời gian quý báu trao đổi về vấn đề hệ trọng này trên Diễn đàn Dân trí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm