Đánh bạc nhưng bỏ về trước, không bị bắt quả tang có bị xử lý hình sự?
Bạn đọc hỏi: Mới đây, 5 cán bộ Chi cục Dự trữ Nhà nước Hà Trung (Thanh Hóa) đánh bạc tại trụ sở làm việc đã bị đình chỉ công tác và bị khởi tố về hành vi đánh bạc.
Theo lời khai của các đối tượng, tham gia đánh bạc còn có một cán bộ chi cục khác nhưng đã đi về trước khi công an bắt quả tang. Vậy, theo quy định hiện hành, đối tượng này có bị xử lý hình sự về tội đánh bạc?
Lê Long Phương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:
Liên quan đến vụ cán bộ Chi cục Dự trữ Nhà nước Hà Trung (Thanh Hóa) đánh bạc tại trụ sở làm việc, được biết, sau khi nhận được tin tố giác của quần chúng nhân dân về việc đánh bạc tại đây cơ quan chức năng đã ập vào bắt quả tang 4 cán bộ của Chi cục đang đánh bài ăn tiền theo hình thức chơi liêng.
Cơ quan công an thu giữ tại chiếu bạc hơn 13,8 triệu đồng, một bộ bài tú lơ khơ 52 cây, một chiếu cói. Tại cơ quan công an, ngoài việc khai nhận hành vi, các đối tượng còn cung cấp thông tin tham gia đánh bạc còn có Nguyễn Thành L. (SN 1989) - cũng là cán bộ chi cục nhưng đã đi về trước.
Theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.
Như vậy, việc một cá nhân tham gia đánh bạc, dù không bị bắt quả tang nhưng bị những người bị bắt khác khai ra thì người này vẫn có thể bị triệu tập theo quy định của pháp luật để làm rõ về hành vi đánh bạc. Nếu kết quả xác minh cho thấy có đủ các căn cứ xác định hành vi đánh bạc trái phép của đối tượng đã đi về trước đó thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Trường hợp hành vi đánh bạc của đối tượng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 28 Nghị định này quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; Cá cược "cá độ" bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác.
Trên đây là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt với cá nhân.