Nhịp cầu bạn đọc số 2: Công ty kêu cứu vì hàng trăm công nhân có nguy cơ thất nghiệp!

(Dân trí) - Tuần qua, báo điện tử Dân trí đã nhận được đơn thư khiếu kiện, khiếu nại của bạn đọc trên mọi miền phản ánh những vấn đề bất cập tồn tại trong lĩnh vực đất đai tại tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ninh và những tồn tại nguy hiểm tại Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà – Hà Đông… đang gây hoang mang, phẫn nộ cho người dân.

Báo Dân trí nhận được Đơn tố cáo của Công ty cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 1 - Hà Nội.

Đơn thư cho biết: Ngày 08 tháng 09 năm 2016, Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 1- Hà Nội được Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 2. Mã số doanh nghiệp: 0100105327. Thay đổi người đại diện, người Đại diện là Bà Vũ Thị Đông.

“Đây là kết quả của Đại hội đồng cổ đông trong suốt một thời gian dài 15 năm từ sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp công ty mới tổ chức được Đại hội. Ngay khi Đại hội đồng cổ đông thành công, Ban lãnh đạo công ty đã thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để tiếp tục lãnh đạo điều hành Công ty. Tuy nhiên, lãnh đạo cũ của công ty đã không thực hiện theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về việc bàn giao công việc, tài sản trụ sở và con dấu của công ty cho Ban lãnh đạo mới tiếp nhận.

Do không nhận được bàn giao, Ban lãnh đạo mới không thể trực tiếp điều hành công ty nên toàn bộ các hoạt động sản xuất của công ty bị ngừng trệ, có nguy cơ phá sản, đẩy hàng trăm cán bộ công nhân viên của công ty không có công ăn việc làm.

Để tạo điều kiện cho công ty hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để Ban lãnh đạo mới của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 1- Hà Nội thực hiện việc tiếp nhận, thu hồi đầy đủ các trụ sở của mình theo Quyết định số 3707/QĐ-UB ngày 01 tháng 06 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 1- Hà Nội khẩn thiết kêu cứu và đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo tiến hành ngay các biện pháp theo quy định để giúp Công ty thu hồi trụ sở đúng pháp luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như hàng trăm cán bộ Công nhân viên có thu nhập và công việc làm ổn định.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư đến UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Văn Tích, trú tại Xóm 3, thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, với nội dung khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-UBND-ĐT ngày 09/01/2018 của UBND huyện Đức Trọng.

Nội dung đơn như sau: “Năm 1988 vợ chồng tôi được Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Hội sắp xếp cho một căn nhà tọa lạc trên diện tích đất 293,6m2 để ở, thuộc một phần thửa đất số 652, tờ bản đồ số 2, xã Phú Hội, vợ chồng tôi đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ năm 1988 đến nay.

Năm 1993 Xí nghiệp gỗ giải thể, nhà đất nói trên được giao về cho UBND huyện Đức Trọng quản lý và hiện nay do UBND xã Phú Hội quản lý. Ngày 15/7/2015 UBND xã Phú Hội có tờ trình số 85/TTr-UBND đề xuất UBND huyện Đức Trọng chia thửa đất nói trên thành 3 thửa, đồng thời kiến nghị giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá cho gia đình tôi và một số hộ khác, vì chúng tôi có hộ khẩu thường trú tại địa phương, chưa được nhà nước giao đất ở, hiện nay không có đất nào khác tại xã Phú Hội.

Ngày 17/8/2016, Phòng TNMT huyện Đức Trọng đã có báo cáo đề xuất UBND huyện Đức Trọng giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá cho các hộ gia đình tại xã trong đó có gia đình tôi. Tuy nhiên, ngày 29/8 Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng có văn bản không chấp nhận đề xuất của Phòng TNMT; ngày 15/11 UBND huyện ra văn bản từ chối giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá cho gia đình tôi với lý do kỳ lạ: “Hiện nay gia đình ông Nguyễn Văn Tích đã có đất và nhà ổn định tại xóm 4, thôn R’Chai 3, xã Phú Hội nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy CNQSDĐ. Gia đình ông Tích không còn sử dụng diện tích đất và nhà tại khu tập thể xí nghiệp gỗ nữa mà cho người khác sử dụng. Mặt khác, gia đình ông Tích không phải hộ nghèo hoặc cận nghèo của xã và không thuộc đối tượng chính sách theo quy định”.

Trong khi thực tế gia đình tôi không có nhà ở ổn định ở xóm 4, bản thân tôi là bội đội nhập ngũ năm 1979, hiện là Hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Đức Trọng; mẹ tôi là người có công với cách mạng được Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Định ra quyết định và được Nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng NHất năm 1987.

Tôi tiếp tục làm khiếu nại nhiều lần thì đến ngày 9/1/2018, UBND huyện Đức Trọng lại ban hành quyết định 02/QĐ-UBND-ĐT đưa ra một lý do khác thật kỳ lạ: “Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Đức Trọng được phê duyệt tại Quyết định số 2455/QĐ-UBND ngày 11/11/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì diện tích đất ông Nguyễn Văn Tích yêu cầu được giao thuộc quy hoạch đất xây dựng công trình sự nghiệp”… thử hỏi với diện tích 293,6m2 đất ở của tôi hiện nay quy hoạch thì xây dựng dựng được công trình sự nghiệp gì?”

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Đỗ Thị Huyền, trú tại khu 9, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh phản ảnh việc UBND tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên đã thu hồi đất của gia đình bà trái pháp luật, không bồi thường, đền bù thỏa đáng.

Đơn có nội dung: “Hộ gia đình tôi sinh sống trên mảnh đất bị thu hồi tại địa chỉ khu 9 phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh có diện tích 178m2 bị thu hồi để phục vụ dự án nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn Biểu Nghi-Phà Rừng, mở rộng điều chỉnh nút giao thông ngã ba cầu Sông Chanh.

UBND tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên đã thu hồi đất của gia đình tôi trái pháp luật, không bồi thường, đền bù thỏa đáng. Các hành vi, quyết định hành chính trái pháp luật của UBNd tỉnh, huyện Yên Hưng, PMU 18 thu hồi đất trái pháp luật, cưỡng chế thu hồi đất đã đẩy gia đình tôi vào con đường cùng, mất đất, mất nhà cửa.

Tôi đã làm đơn khiếu nại liên tục thì Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) giao cho cơ quan thanh tra CP giải quyết, nội dung được thể hiện trong Thông báo số 74/TB-TTCP ngày 14/01/2016, cụ thể văn bản mà Thủ tướng chỉ đạo là văn bản số 8083 ngày 06/5/2015 và số 82/BC-TTCP ngày 10/7/2015 yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng) trả lại quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi.

Chỉ đạo là vậy nhưng cán bộ của tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên không bồi thường, đền bù thỏa đáng mà lại đi vận động tôi chấp nhận những sai phạm của chính quyền.

Trong kết luận của Thanh tra CP số 74/TB-TTCP ngày 14/1/2016 chỉ nêu chung chung là “kiểm điểm tập thể các cá nhân liên quan đã tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Phạm Sáu, trú tại Tổ 21, KV4, phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đại diện cho 10 hộ dân phản ánh những việc làm tiêu cực, không công bằng của những cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định và UBND phường Đống Đa trong việc kiểm kê, áp giá bồi thường GPMB thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại.

Nội dung đơn như sau: “Gia đình tôi cùng với 10 hộ gia đình khác ở xóm Ba Ông là những người được thừa kế theo pháp luật tài sản của ông bà để lại để làm nhà ở. Tại công văn số 197 ngày 30/6/2017 UBND phường Đống Đa xác nhận: Nguồn gốc đất có nhà ở của ông Nguyễn Thục, Nguyễn Nhữ, Võ Lệ, Phạm Bánh và Võ Tịnh tạo lập sử dụng trước năm 1975. Nơi đây còn gọi là xóm 3 Ông, từng là nhà ở àm căn cứ và hầm hào để nuôi cách mạng, song do chiến tranh tàn phá, nhà cửa bị đổ sập nên các hộ phải di tản để sính ống”.

Sau năm 1975 ông bà chúng tôi quay trở về chỗ cũ để xây dựng lại nhà ở và sinh sống ổn định và làm thủ tục tặng cho các con sử dụng. Thế nhưng Trung tâm PTQĐ tỉnh không thực hiện bồi thường đất ở, không bồi thường tài sản trên đất và cũng không đề nghị cấp đất TĐC cho các hộ gia đình chúng tôi.

Đối chiếu với khoản 3 Điều 42 Quyết định số 13 của UBND tỉnh Bình Định thì các hộ gia đình chúng tôi nếu không được bồi thường đất ở thì vẫn được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất theo quy định, vì hiện nay các hộ chúng tôi đêù không có nhà ở, nếu giải tỏa sẽ không biết ở đâu. Thế nhưng không hiểu vì động cơ gì mà TT PTQĐ tỉnh không cho gia đình chúng tôi được hưởng chính sách đền bù của Nhà nước, thậm chí còn bỏ 11 hộ gia đình chúng tôi ra ngoài Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án khu DLST Đầm Thị Nại. Trái lại, có rất nhiều trường hợp hộ gia đình có nhà và đất ở không đủ điều kiện để được hưởng chính sách theo quy định lại được hợp thức hoá, nâng khống diện tích đất ở để bồi thường, hỗ trợ và cấp đất TĐC trái quy định pháp luật”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Bình Định, Thanh tra Sở TNMT tỉnh Bình Định, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể cư dân sinh sống và làm việc tại tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông tại địa chỉ số 131 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP.Hà Nội với nội dung như sau:

“Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà – Hà Đông đi vào sử dụng sau 06 năm mới được chủ đầu tư tổ chức cho cư dân bầu Ban quản trị và được công nhận chính thức theo quyết định của UBND quận Hà Đông. Đại diện toàn thể cư dân tòa nhà xin được trình bày sự việc vô cùng nghiêm trọng, đang hàng ngày hàng giờ gây hoang mang và bức xúc, phẫn nộ cho hàng nghìn cư dân đang sinh sống và làm việc trong tòa nhà, mất an ninh trật tự trong khu vực.

Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà không bàn giao hồ sơ tòa nhà theo đúng quy định của pháp luật, luật nhà ở;

Tòa nhà đã được bàn giao sử dụng cho cư dân và khối văn phòng từ năm 2010 nhưng đến năm 2016 mới được Cảnh sát PCCC thành phố HN xác nhận nghiệm thu về công tác PCCC.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống PCCC hoạt động không bình thường, cảnh sát PCCC đã vào cuộc, lập biên bản ghi nhận sự việc và kết luận: Chủ đầu tư chưa bàn giao hệ thống PCCC cho BQT, ngắt tòan bộ hệ thống báo cháy tự động đặt tòa nhà trong tình trạng nguy hiểm cao độ;

Chủ đầu tư đã đặt phòng kỹ thuật điện trong hành lang bộ thoát hiểm là vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Nếu xảy ra cháy nổ ở phòng kỹ thuật điện thì hàng nghìn cư dân không có lối thoát, gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của cư dân, sống trong nỗi sợ hãi thường trực;

Chủ đầu tư ngang nhiên thế chấp toàn bộ tầng sinh hoạt cộng động của tòa nhà với Tổng công ty CP Tài chính dầu khí để vay tiền từ năm 2012 khi không có sự đồng ý của các chủ sở hữu tạo ra phản ứng căng thẳng của cư dân với chủ đầu tư; đồng thời khai thác sử dụng 2 tầng hầm H1, H2 thuộc phần tài sản chung của tòa nhà, được Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU và Công ty CP Đầu tư CD&PT đô thị Sông Đà mang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Tân Bình.

Trong vòng 13 ngày (từ 15/12/2017) đến nay đã có 03 lần Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU (Công ty con của chủ đầu tư) do ông Trần Văn Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cũng là phó ban quản trị tòa nhà đã thuê Công ty Dịch vụ bảo vệ Thiên trường VN và Công ty dịch vụ bảo vệ Vân Long kéo hàng trăm đối tượng từ các nơi tới tòa nhà gây rối, phá hoại tài sản, đe dọa, uy hiếp cư dân, gây mất an ninh trật tự trong khu vực, ép cư dân phải sử dụng vé gửi xe do Công ty Dịch vụ bảo vệ Thiên trường Vn phát, tự ý lập barie cửa ra vào tại tòa nhà, tự động lắp camera theo dõi tầng hầm, đặc biệt các đối tượng đã dùng vũ khí gây chấn thương ông Nguyễn Đức Quyết – trưởng ban quản lý tòa nhà”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND quận Hà Đông, UBND phường Văn Quán, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà xem xét, giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân