Nhịp cầu bạn đọc số 22: Người dân bị côn đồ đe dọa vì đấu tranh chống tàu cát?
(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn, thư của bạn đọc trên khắp mọi miền tổ quốc, phản ánh những vấn đề bất cập còn tồn tại liên quan đến chế độ công chức, khai thác cát sỏi trái phép gây nguy hiểm đến đời sống nhân dân, tranh chấp đất đai, đề nghị giải quyết chính sách liệt sĩ cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ đã 29 năm nay...
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Trần Thị Hiệp, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa phản ánh việc Sở Giáo Dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa không thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đối với 66 giáo viên hợp đồng lao động.
Đơn có nội dung: “Ngày 5/9/2016, tại Thông báo số 66/TB-UBND thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện biên chế sự nghiệp giáo dục bậc THPT và thực trạng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đối với 66 giáo viên hợp đồng lao động đã được sở GD&ĐT cho phép các trường THPT thực hiện trong chỉ tiêu biên chế được giao đảm bảo khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Sau đó nhà trường đã thực hiện đầy đủ các quy trình để tuyển dụng nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được tuyển dụng nên rất hoang mang, lo lắng.
Hiện nay các trường đang tiến hành điều chuyển giáo viên cho năm học 2017-2018, việc mà đáng lẽ ra phải được thực hiện sau khi tuyển dụng 66 giáo viên hợp đồng lao động đã được Sở GD&ĐT cho phép như thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh từ năm học 2016-2017, vậy thì đến khi nào chúng tôi sẽ được tuyển dụng?”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Phạm Công Chứ, trú tại Thôn 4, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện cho 16 đồng chí cựu chiến binh thôn 3,4,5 cùng hơn 100 hộ dân thôn 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10 xã Trung Hà, huyện Yên Lạc phản ánh Công ty CP khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô khai thác cát quá mức quy định, dùng côn đồ uy hiếp bà con.
Nội dung đơn như sau:
“Công ty CP khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô khai thác cát trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Trung Hà quản lý đã khai thác vượt quá chiều rộng, chiều sâu và khối lượng làm mất dần phần đất canh tác của nhân dân chúng tôi, uy hiếp kè WB6.
Chúng tôi đã làm đơn đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ TNMT xem xét giải quyết nhưng đến nay đã gần 3 tháng nhưng không được các đơn vị này giải quyết. Hiện bản thân tôi và các gia đình trong thôn đã bị côn đồ đe dọa, khiến chúng tôi sống trong lo âu và sợ hãi”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Yên Lạc xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Vương Thị Nhỏ, trú tại khu phố 3, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phản ánh việc chính quyền địa phương Phan Thiết đã tạo điều kiện cho cho cán bộ có chức quyền tại địa phương chiếm dụng đất của dân.
Đơn có nội dung: “Năm 1977 thực hiện chính sách đi kinh tế mới, tôi và chị Trần Thị Suối cùng phường Phú Hài có đến khu vực phố 5 khai hoang khu đất là 21.000m2. Đến năm 1985 nhà nước có chủ trương 327 trồng cây phủ xanh đồi trọc. Cùng thời điểm này ba ông cán bộ: Ngô Minh Cương, Ngô Minh Thượng và Nguyễn Đăng Tuấn trồng thêm cây trên đất của chúng tôi, đến năm 2002 tôi được biết UBND phường Phú Hài và UBND TP.Phan Thiết chuẩn bị giao phần đất của tôi cho 3 ông cán bộ trên sử dụng.
Gia đình tôi đã gửi đơn từ phường Phú Hài đến tất cả các cơ quan nhưng không được quan tâm giải quyết mà ngược lại ban hành ba quyết định bác bỏ đơn của chúng tôi, cho rằng tôi không có giấy tờ để chứng minh việc quản lý, sử dụng đất trên, bỏ đất không sản xuất trong khi tôi vẫn sinh sống trên mảnh đất của mình. Khi đã biết 3 ông cán bộ chiếm đất của mình, tôi đã làm đơn khai nguồn gốc đất từ ngày 19/4/2002 để xác nhận nhưng chính quyền lúc đó không chấp nhận, vậy dân chúng tôi làm sao có giấy tờ hợp pháp?”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Bộ TNMT, UBND tỉnh Phan Thiết, Sở TNMT tỉnh Phan Thiết xem xét giải quyết đơn bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Bồng, trú tại số 31 Huỳnh Thị Mai, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An về việc 29 năm rồi nhưng việc giải quyết chính sách liệt sĩ cho quân nhân Huỳnh Tấn Quới nổ mìn hy sinh khi làm nhiệm vụ vẫn chưa được giải quyết.
Đơn có nội dung: “Năm 1988 con tôi là Huỳnh Tấn Quới, sinh năm 1969 được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An phát lệnh gọi thi hành nghĩa vụ quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long an.
Khi nhập ngũ con tôi được điều động làm Bộ đội kinh tế, đến ngày 04/10/1988 trong lúc thi hành nhiệm vụ lái máy cày khai hoang đất cho đơn vị thì xảy ra sự việc mìn nổ chết. Khi xảy ra sự việc, Ban chỉ huy Đoàn III Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An tổ chức tang lễ và làm thủ tục gửi về trên xét liệt sĩ cho con tôi. Từ đó đến nay đã 29 năm vẫn chưa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết chính sách liệt sĩ cho con tôi.
Thời gian qua UBND tỉnh đã họp cùng các ban ngành thống nhất đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét giải quyết chính sách liệt sĩ cho quân nhân Huỳnh Tấn Quới và các đồng chí lãnh đạo đã đích thân đem hồ sơ đề nghị đến Bộ LĐTBXH, nhưng Bộ này đã đẩy cho Bộ Quốc Phòng giải quyết. Gia đình tôi thấy cách làm việc liên hệ đối chiếu các văn bản trong giải quyết chính sách thương binh liệt sĩ còn lúng túng, thiếu trách nhiệm”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và xã hội xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Khả Vân