Nhịp cầu bạn đọc số 18: Công dân gửi đơn khiếu nại quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh!
(Dân trí) - Trong tuần qua, báo Dân trí nhận được nhiều đơn, thư của bạn đọc với các nội dung: phản ánh việc có bất cập trong giải quyết đất tái định cư cho nhân dân ở huyện Đông Anh và tỉnh Thanh Hóa; xây dựng trái phép nhà ảnh hưởng đến an toàn của hộ dân xung quanh tại Hà Nội; người dân gửi đơn khiếu nại quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gây khó khăn cho đời sống của nhiều gia đình…
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của 19 hộ dân ở xóm 3, thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội, đại diện là bà Nguyễn Thị Cúc, mong muốn các cấp lãnh đạo huyện Đông Anh và TP.Hà Nội quan tâm giải quyết chế độ liên quan đến đất tái định cư cho các hộ dân một cách thỏa đáng, hợp tình.
Đơn kêu cứu cho biết: “Chúng tôi là những người dân thuần nông được chính quyền xã cấp đất cho gia đình từ những năm 1960, nguồn gốc đất đều do tổ tiên, cha ông chúng tôi để lại cho con cháu đến tận bây giờ.
Năm 2007, huyện Đông Anh có chủ trương làm đường từ bệnh viện Đông Anh đi đến Đền Sái, khu nhà – đất của chúng tôi nằm trong diện bị giải tỏa. Tháng 12/2008, Ban dự án và Ban giải phóng mặt bằng của huyện Đông Anh đã đưa thông báo và phương án đề bù nhà, đất, hoa màu bằng tiền mặt với số m2 đã thu hồi cụ thể cho từng hộ gia đình. Nhưng trong bản thông báo đó lại không nêu rõ các hộ gia đình chúng tôi được tái định cư như thế nào và được diện tích là bao nhiêu.
Chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành động viên con cháu và tự tháo dỡ nhà, các công trình để trao trả đất cho dự án một cách nhanh nhất. Do gia đình chúng tôi tin tưởng và chờ đợi vào các cơ quan liên ngành, tin tưởng vào UBND xã Xuân Nộn và UBND huyện Đông Anh rằng sẽ cấp đất tái định cư cho các hộ gia đình chúng tôi mà không biết rằng theo Luật đất đai điều 67, Mục 2,3,4 nêu rất rõ: “Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất”.
Từ khi bị thu hồi, nhiều hộ dân chúng tôi không còn nhà ở, con cháu đông đúc có nhà tới 3,4 thế hệ đã phải thuê nhà tạm cư, sống chật chội khổ sở. Số đất không trong diện giải tỏa thì hầu hết là đất vườn và liền kề, nguy hiểm hơn là nằm dưới đường điện cao thế 110KV tuyến Hà Nội – Thái Nguyên.
Chúng tôi đã làm đơn cầu cứu khắp nơi để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Lãnh đạo TP.Hà Nội, lãnh đạo huyện Đông Anh cũng đã có công văn chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư huyện để cấp đất tái định cư cho chúng tôi, nhưng cứ chờ đợi mỏi mòn, các cán bộ trên huyện bảo chúng tôi đừng làm đơn nữa không ai đọc đâu, đưa lên nhiều chúng tôi cũng chỉ cất chật cả tủ thôi!
Chúng tôi thấy việc đền bù tái định cư tại khu dân chúng tôi không công bằng và dân chủ, vì ít người chấp hành (như chống đối không bàn giao mặt bằng) thì được cấp đất tái định cư trước chúng tôi, diện tích cấp đất tái định cư cũng mập mờ không được niêm yết công bố công khai trước người dân”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc tới UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường TP.Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dương Nộn, Ban quản lý dự án đầu tư huyện Đông Anh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của 18 hộ dân ở khối phố I phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đại diện là các ông Lê Văn Dũng, Lê Văn Hùng, Nguyễn Đình Thắng phản ánh việc các hộ dân không được UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty Sông Mã không giải quyết đền bù giải tỏa, khiến 18 năm nay các hộ gia đình phải sống cảnh tạm bợ, khó khăn.
Đơn có nội dung: “Năm 2001 UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND TP.Thanh Hóa phê duyệt mặt bằng 131 quy hoạch làm khu dân cư Đông Nam cầu Đông Hương, P.Đông Hương diện tích làm nhà với 165 căn hộ liền kề đã bán hết từ năm 2005. Chúng tôi nằm trong hệ giải tỏa đền bù nhưng UBND tỉnh và UBND thành phố cũng như công ty Sông Mã là công ty kinh doanh nhà đất lúc bấy giờ không đền bù cho chúng tôi, cũng không giải quyết cho chúng tôi ổn định nơi ăn chốn ở mà để chúng vào quy hoạch treo 18 năm nay.
Toàn bộ diện tích của 18 hộ gia đình chúng tôi bị ngập úng, môi trường ô nhiễm trầm trọng, nhà cửa dột nát, nguy cơ đổ sập luôn hiện hữu. Việc xây dựng, sửa chữa nhà ở kiên cố là hết sức cần thiết nhưng lại không được cấp phép xây dựng vì được trả lời là đang trong khu dự án quy hoạch treo. Hiện nay cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn và khổ sở, trong đó có 3 gia đình là con liệt sĩ, 1 gia đình là thương binh. Chúng tôi ở đối diện nhà ông Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mà vẫn nằm trong khu vực dự án quy hoạch treo 18 năm nay mà chưa được quan tâm giải quyết”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP.Thanh Hóa, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa, UBND phường Đông Hương xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Phạm Đình Đông, trú tại tầng 1 số nhà 23 Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội phản ánh việc gia đình anh Trung xây dựng không phép số nhà 23 Hàng Bạc ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà - có nguy cơ sập nhà đe dọa đến tính mạng con người.
Đơn có nội dung: “Gia đình anh Nguyễn Đức Trung và chị Trần Thị Quỳnh sống tại tầng 2 có diện tích trong sổ là 34m2, chiềm cao 3m8. Trước đây đã chồng tầng cơi nới tầng 3 có diện tích 60m2 lấn chiếm trên khoảng không và diện tích sân chung của toàn nhà số 21-23 Hàng Bạc, có chiều cao là 3m. Từ diện tích lấn chiếm đó, ngày 2/4/2017 đã tự ý xây không phép tầng 3 cao hơn 50cm. Tầng 4 cao là 3m, dùng cột sắt chữ I-20 làm cột chống xuống sàn là rất nguy hiểm.
Toàn bộ sàn tầng 4 (tức mái tầng 3) bằng hệ thống sắt chữ I-20 đan kết cấu 1mx1m, hộp sắt vuông 10x10 đan kép 50x50 kín mặt sàn diện tích gần 70m2 đưa ra mặt tiền trước của số nhà 1m. Với hệ thống sắt thép nặng nhiều tấn, làm nứt tường chịu lực tàng 1 và sụt lún làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà (vì móng nhà 23 chỉ có 2 tầng Pháp cổ được tồn tại hơn 100 năm trước) gây sập nhà bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của cả gia đình tôi ở tầng 1.
Sau nhiều lần gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền, gia đình anh Trung chị Quỳnh không chấp hành pháp luật, coi thường tính mạng con người. Mạng sống của chúng tôi bị đe dọa từng giờ. Gia đình tôi yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ hệ thống sắt thép nặng nhiều tấn sàn tầng 4 tức mái tầng 3 có diện tích gần 70m2, hạ độ cao xuống sát tường cũ tầng 3, trả về nguyên trạng ban đầu, di dời toàn bộ nhiều tấn sắt thép trên ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc tới UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ, UBND Quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Bạc xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Trần Văn Đông, trú tại số 25 đường Tân Phú 1B, xã Nghi Phú, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, đại diện cho các hộ gia đình có cùng cảnh ngộ viết đơn khiếu nại quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 11/10/1993 (gọi tắt là QĐ 1217) của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đình chỉ xây dựng công trình đối với các hộ dân có đất bám mặt đường Quốc lộ 1A, phía nam cầu Bến Thủy, từ đó đến nay (2017) vẫn không hủy bỏ nhưng cũng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi cũng như các hộ khác.
Đơn có nội dung: “Tôi cùng với 55 hộ dân có đất bám đường QL1A, phía nam cầu Bến Thủy, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch ngày 15/01/1992 và QĐ số 255/QĐ-UB ngày 17/3/1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép UBND huyện Nghi Xuân bố trí đất ở cho các hộ gia đình.
Các hộ gia đình đã nộp tiền kinh tế đất, được bàn giao đất, trong đó ghi rõ mốc giới an toàn giao thông cách tim đường 1A 20,5m, không ít hộ đã được UBND huyện Nghi Xuân ban hành Quyết định giao đất (thường gọi là bìa xanh) là đúng với thẩm quyền, thể hiện tại Mục 1, Điều 13 Luật Đất đai năm 1987.
Ngày 11/10/1993 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành QĐ1217 đình chỉ xây dựng công trình đối với các hộ dân có đất bám mặt đường 1A, phía nam cầu Bến Thủy để thực hiện quy hoạch chuyển đổi từ xã Xuân An lên thị trấn Xuân An.
Ngày 08/4/2014, UBND tỉnh thành lập Đoàn thanh tra theo QĐ số 2188QĐ/UBND xem xét, giải quyết các khiếu nại của các hộ dân (78 hộ có đất tại TTXA, bao gồm 55 hộ có đất bám đường 1A và 23 hộ dân khác) cùng nằm trong dạng bị đình chỉ xây, đến nay đã 03 năm nhưng vẫn không có kết luận.
Từ khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành QĐ 1217 đến nay đã gần 24 năm, nhưng không hủy bỏ QĐ1217 và cũng không cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho nhân dân, có nghĩa là UBND tỉnh đã tước đoạt các quyền lợi: làm nhà ở, quyền cầm cố, thế chấp vay vốn, mua bán, chuyển nhượng lô đất của nhân dân chúng tôi.
Liên tục 24 năm qua, tôi cũng như nhiều hộ dân đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, các bộ, ban ngành TƯ đều không được trả lời, không được giải quyết, không hồi âm, không đối thoại…”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định cuả pháp luật.
Khả Vân (tổng hợp)