Nhịp cầu bạn đọc số 12: Tác giả bài thuốc quý từ sâm ngọc linh xin xét lại giải thưởng Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân Trí tại TP HCM đã nhận được đơn, thư khiếu nại của nhiều bạn đọc và đã chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của các hộ dân tại tổ 41, ấp Chiêu Liên, phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương về việc Cty Đông Nam gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo đơn khiếu nại, Cty Đông Nam sản xuất mặt hàng inox và chất chống dính, nằm cạnh khu dân cư, thường xuyên thải bụi và khí độc. Hàng ngày Cty hoạt động từ 6g sáng đến 6g tối, gây tiếng ồn rất lớn. Nhiều hôm Cty thải ra mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em. Người dân đã nhiều lần báo lên cơ quan chức năng huyện Dĩ An đến kiểm tra. Cty Đông Nam cũng đã nhiều lần hứa sẽ khắc phục, nhưng sau đó tình hình ô nhiễm vẫn không giảm.

Báo Dân Trí trân trọng chuyển đơn của các hộ dân đến Ban Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết.

Đơn của ông P.M.T và vợ là bà G.T.T.G ngụ tại khu phố Minh Tân 3, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận về việc con gái bị xâm hại tình dục. Gia đình đã tố cáo với Công an địa phương nhưng chưa đến nay vụ việc chưa được giải quyết.

Trong đơn cho biết, con gái ông bà là P.Y.N, sinh ngày 20/6/2013, được gửi tại một nhà trẻ ở địa phương. Ngày 26/2/2016, sau khi đón cháu từ nhà trẻ về, gia đình phát hiện cháu bị đau và tổn thương vùng âm hộ. Bệnh viện huyện Tuy Phong khám nghiệm và chẩn đoán cháu bị “Sang chấn âm hộ - rách màng trinh”. Gia đình đã tố cáo vụ việc đến Công an huyện Tuy Phong và Công an thị trấn Phan Rí Cửa. Công an huyện Tuy Phong đã cho đi giám định pháp y vào ngày 1/3/2016. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết. Gia đình chưa nhận được thông báo gì từ Công an huyện.

Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của ông bà đến Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của bà Lê Thị Tú, tạm trú tại số 125/22 đường số 7, phường 3, Q. Gò Vấp, TP HCM về bản kháng nghị giám đốc thẩm số 2/KN/HNGD của Tòa án cấp cao tại TP HCM.

Theo đơn khiếu nại, bà Tú là người được ủy quyền của anh trai là ông Nguyễn Đức Thông trong vụ kiện “Tranh chấp chia tài sản vợ chồng và tranh chấp quyền sở hữu”, liên quan đến căn nhà số 60 đường 65 khu Tân Quy Đông, phường Tân Phong Q.7, TP HCM. Vụ án đã nhiều lần được TAND các cấp đưa ra xét xử. Ngày 24/2/2016, TAND TP HCM xử phúc thẩm lần 2 đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Thông, xác định căn nhà này thuộc sở hữu của ông Thông và vợ là bà Phan Thị Thanh Thu, không thuộc sở hữu cha mẹ vợ ông Thông. Ông Thông và bà Thu mỗi người được hưởng ½ giá trị căn nhà. Thế nhưng ngày 24/2/2016 TAND cấp cao tại TP HCM đã có bản kháng nghị giám đốc thẩm số 02/KN-HNGD, qua đó kháng nghị toàn bộ bản án của TAND TP HCM. Bà Tú cho rằng bản kháng nghị này là không có căn cứ.

Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn của bà Lê Thị Tú đến Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM xem xét và giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn xin xét lại giải thưởng Hồ Chí Minh của Thượng tọa Thích Huệ Đăng thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đơn thư cho biết: Thượng tọa Thích Huệ Đăng hiện là Chủ tịch Hội đồng điều hành Công ty Cổ Phần Đầu Tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

“Nhận thấy Sâm Ngọc Linh là một cây thuốc quý nên tôi quyết tâm muốn sản xuất giống Sâm này. Năm 2006, tôi quyết định đến huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam lên núi để tìm củ và cây Sâm Ngọc Linh. Sau 2 ngày tìm kiếm, tôi có được 98 củ và cây đem về tạo mẫu gây giống để sản xuất Sâm Ngọc Linh. Từ đó tới nay đã thành công cây giống đưa ra vườn 300.000 cây giống trồng bằng giá thể vỏ cafe và sản xuất cao sinh khối Sâm Ngọc Linh đã chế phẩm thành thực phẩm chức năng dạng viên nén với chất lượng MR2, G-RgI, G-Rb1 xấp xỉ gần bằng củ Sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi trồng tại núi Ngọc Linh trồng tại KonTum và Quảng Nam, đây là một đề tài đột phá để phát triển của cây Sâm Ngọc Linh.

Ngày 26 tháng 10 năm 2012, đôi được Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục SHTT) cấp Bằng độc quyền Sáng chế đề tài sáng chế QUY TRÌNH TRỒNG CÂY SÂM NGỌC LINH NUÔI CẤY MÔ và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 22 tháng 4 tặng Bằng khen về đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học góp phần phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 15 tháng 11 năm 2015, tôi nhận được thông báo số 808/TB-VDL của Viện Dược liệu về việc chuẩn bị hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình Sâm Ngọc Linh có tên tôi và chỉ đạo lập Hồ sơ tập hợp kết quả, nghiên cứu sản xuất giống Sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô, và tôi đã nộp đầy đủ thủ tục đến Viện Dược liệu và có xác nhận đã nhận đầy đủ.

Nhưng đến ngày 28/4/20106 trên cổng điện tử Bộ Khoa học Công nghệ có thông báo danh sách 27 tác giả, đề tài Giải thưởng Hồ Chí Minh về đề tài Sâm Ngọc Linh của Viện Dược Liệu thông báo, nhưng không có tên tôi trong danh sách 27 tác giả. Theo tôi được biết lần trước Viện Dược Liệu gửi lên 33 danh sách tác giả lên Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Dược Liệu có cho người đem vô Đà Lạt - Lâm Đồng để tôi ký tên tôi trong 33 danh sách tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng lần này danh sách trên trang điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ không có tên tôi. Nhưng không biết lý do gì.

Như vậy, việc này, tôi kính trình cấp lãnh đạo, Hội đồng xét thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế và Viện dược liệu cứu xét và nghiên cứu, và xin thông báo kết quả cho tôi đươc biết”, đơn của Thượng toạ Thích Huệ Đăng cho biết.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư đến Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Dược liệu xem xét, trả lời bạn đọc theo quy định pháp luật.

Trung Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm