Nhịp cầu bạn đọc số 11: Bị Cục thi hành án TP Hải Phòng cưỡng chế kê biên, doanh nghiệp kêu cứu!
(Dân trí) - Tuần qua báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên mọi miền, phản ánh những vấn đề: Dự án khu nhà ở Tân An - TP.HCM có dấu hiệu mập mờ gây khó cho người dân, người dân kiến nghị điều chỉnh thiết kế đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; 109 hộ dân quận Hoàng Mai không được cấp sổ đỏ dù đã đủ điều kiện...
Báo Dân trí nhận được đơn của nhiều người dân thuộc tổ dân phố 11 khu 5 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Đơn kiến nghị của các hộ dân cho biết: Các hộ dân sinh sống tại đây đã sinh sống ổn định từ trước năm 1993. Sinh sống ổn định nên các hộ dân ở đây đã ra chính quyền địa phương là UBND Phường Hạ Đình làm thủ tục kê khai xin đóng các khoản thuế đối với phần diện tích nhà mình đã mua và nhận chuyển nhượng từ người khác theo quy định của pháp luật.
Sau đó, đã được chính quyền địa phương ủng hộ và hợp thức hoá các hộ trong khu vực mà người dân đã mua, bán, sang tên chính chủ với các loại giấy tờ xác định như: Chứng nhận các số nhà theo Quyết định số 2761/ QĐ - UB ngày 23/8/1996, Quyết định số 48/QĐ - UB ngày 17/6/1999 của UBND TP Hà Nội do đồng chí PCT UBND Quận Thanh Xuân là ông Hoàng Nam Sơn ký ngày 29/6/2004 theo giấy chứng nhận E – 3388 và cũng theo quyết định trên thì ông Đặng Hồng Thái là PCT hiện tại của UBND Quận Thanh Xuân ký chứng nhận bổ sung số nhà cho một số hộ dân còn lại trong tổ dân phố năm 2012.
Cùng với đó là các giấy tờ điện nước, có hộ dân cũng là đất nông nghiệp mua sau đó hiện cũng đã có sổ đỏ và sổ hộ khẩu. Phía công an khu vực cũng đã tạo điều kiện và làm thủ tục đầy đủ cho các hộ dân được nhập hộ khẩu về mảnh đất hiện đang sinh sống, không có bất kì tranh chấp đất đai nào và thực hiện đóng góp đầy đủ mọi chính sách, chủ trương theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến dự án kè hồ Rẻ Quạt của UBND TP Hà Nội và làm đường quanh hồ, người dân rất phấn khởi mong dự án được thực hiện sớm để người dân được hưởng môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án này đã phát sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Trong đó, việc lập dự án theo điều 17 của Luật Xây dựng đó là phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi trực tiếp có người dân nằm trong quy hoạch nhưng nhiều hộ dân trong quy hoạch không được các cấp chính quyền mời lên họp và lấy ý kiến, thành phần chủ đạo chỉ là lãnh đạo khối UBND Phường và Ban Dự án, GĐ Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội. Tuy nhiên, khi công bố thì số phiếu đồng thuận của người dân lại… rất cao. Không chỉ thế, khi công bố kết quả báo cáo lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, có những người không hề tham gia nhưng lại… vẫn có tên trong phiếu lấy ý kiến.
Trước sự việc này, người dân rất bức xúc và yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan làm đúng quy trình thực hiện dự án để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật!
Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc đại diện pháp luật Công ty TNHH In và Quảng cáo Trường Hồng, địa chỉ số 1068 khu 12 Lũng Bắc, phường Đằng Hải, quận Hải An (Hải Phòng).
Đơn khiếu nại cho biết: “Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự vụ việc có liên quan đến Công ty Trường Hồng là người phải thi hành án thì Cục thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng đã mắc nhiều sai phạm như: Không xác minh hiện trạng thực tế tài sản của người phải thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế, vi phạm các quy trình, trình tự về thủ tục thi hành án. Có nhiều tài sản không phải là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp không được phép kê biên như đất thuê trả tiền hàng năm gồm 10.829,2m2 tại xã Đông Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.
Những tài sản thế chấp mà Cục thi hành án đã cưỡng chế kê biên là toàn bộ dây truyền sản xuất máy móc thiết bị của Công ty TNNHH in và quảng cáo Trường Hồng và toàn bộ công trình xây dựng trên đất như: Văn phòng, nhà xưởng đã được Cục thi hành án cắt xén, xé lẻ còn 8 tài sản bán đấu giá/17 tài sản đã thế chấp và đã có người mua sau rất nhiều lần giảm giá tài sản.
Từ giá trị của nhà xưởng và máy móc thiết bị là hơn 17 tỷ đồng, nay phát mại chỉ bán được hơn 10 tỷ đồng. Còn toàn bộ thiết bị máy móc giảm giá rất nhiều lần đến nay vẫn chưa bán đấu giá được. Trong khi đó Công ty Truờng Hồng có rất nhiều đơn và kiến nghị đưa người đến mua 1 số máy móc để trả nợ cho ngân hàng nhưng không được xem xét.
Chấp hành viên đã có quyết định cưỡng chế yêu cầu giao tài sản số 02 QĐ- CTHADS ngày 19/10/2017 với nội dung cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH In và quảng cáo Trường Hồng chuyển giao cho người mua trúng đấu giá là Công ty CP cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc yêu cầu Công ty Trường Hồng giao toàn bộ văn phòng nhà xưởng tài sản gắn liền với 10.829,2m2 đất thuê.
Trong khi đó các tài sản khác của doanh nghiệp còn nằm trên diện tích đất thuê như tài sản là: Tiền đền bù giải phóng mặt bằng; San lấp mặt bằng, hệ thống tường bao vây quanh; hệ thống cây xanh; Khảo sát địa chất; Hệ thống cống thoát nước D400+ ga thu nước; Hệ thống điện, nước ngoài nhà; Hệ thống PCCC...Trị giá gần 10 tỷ đồng. Những tài sản trên là tài sản của Doanh nghiệp không bị kê biên nhưng cũng không được xem xét đến giá trị tài sản.
Vậy Công ty TNHH in và quảng cáo Trường Hồng khiếu nại đến Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự mong được bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp”.
Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung khiếu nại của bạn đọc đến Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, UBND TP Hải Phòng, Cục Thi hành án TP Hải Phòng xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của các ông bà Nguyễn Đức Hoàng, Văn Kiều Nguyệt Hồng, Huỳnh Văn Huy, Chu Thi Trung đại diện cho các cư dân đã góp vốn để đầu tư hạ tầng và nhận nền nhà với chủ đầu tư tại dự án nhà ở Tân An Huy, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Đơn có nội dung: “Chúng tôi tha thiết kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc can thiệp và có phương án giải quyết rõ ràng, minh bạch và hợp lý để Dự án khu nhà ở Tân An Huy nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo cuộc sống cho những người đã xây dựng nhà đang sinh sống, những người mong muốn xây nhà về sinh sống và những người chưa được nhận nền nhà. Đồng thời, hạn chế việc tạo kẽ hở cho những cá nhân, tổ chức cơ hội để trục lợi, o ép người dân hoặc tiếp tục sai phạm như đã xảy ra”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND TP.Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng TP, UBND huyện Nhà Bè, UBND xã Phước Kiển xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Dương Xuân Hà, trú tại Tổ dân phố Kè, phường Thắng Lợi, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên phản ánh việc “Công ty CP xây dựng Thiên Lộc là đơn vị chủ quản dự án Khu đô thị Thiên Lộc tại TDP Kè – nơi tôi ở. Trong quá trình thi công công trình, đường BT thuộc hạng mục dự án đã làm rạn nứt nhà của tôi và một số hộ dân lân cận. Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn đề nghị đến các cơ quan chuyên môn của thành phố, tỉnh Thái Nguyên và công ty Thiên Lộc nhưng đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Sông Công, Công ty cổ phần xây dựng Thiên Lộc xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của đại diện 19 hộ dân trú tại thôn Tam Lung, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị việc điều chỉnh thiết kế đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn qua địa bàn xã Thụy Hùng.
Đơn có nội dung: “Nhân dân thôn Tam Lung chúng tôi thấy rằng Nhà nước cần tính lợi ích lâu dài nhiều thế hệ của người dân chúng tôi hiện nay đang sinh sống ổn định tại địa phương, nếu phương án đề nghị dịch chuyển đường cao tốc vào phía trong theo thiết kế khoảng từ 300-500m, các hộ dân tại 04 thôn của chúng tôi không bị mất nhà cửa và đảm bảo ổn định cuộc sống được lâu dài, mà các đơn vị có liên quan thi công đường cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn đi qua địa bàn xã Thụy Hùng chỉ vì tăng tổng giá trị công trình, không có lợi cho nhà thầu, đi qua nhà các hộ dân mặt bằng thi công thì dễ hơn, đền bù thì ít như vậy có đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước hay không? Dù có dịch chuyển tuyến, đào sâu đắp cao tốn kém cho nhà nước một chút nhưng lại không có hại cho dân chúng tôi, tại sao lại không làm? Trong khi đó tuyến đi qua địa bàn xã Thụy Hùng nhà nước đủ điều kiện nắn và chỉnh tuyến”.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN, Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT, UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc xem xét và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của tập thể cư dân Golden Field Mỹ Đình, TP.Hà Nội với nội dung: “Tháng 12/2017, chủ đầu tư Tổng công ty MB Land đã tiến hành bàn giao căn hộ cho các cư dân đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại tòa Golden Field số 24 đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm.
Sau hơn 6 tháng chuyển về sinh sống, hiện cư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng điện, nước, phòng cháy chữa cháy, mặt bằng sở hữu chung riêng… Đến thời điểm này, tòa nhà Golden Field chưa được cơ quan thẩm quyền nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu và đồng ý đưa công trình vào sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Hơn 200 hộ dân trên tổng số gần 400 căn hộ hiện đang sinh sống ở đây đã nhiều lần phản ánh và gửi văn bản đến chủ đầu tư – Công ty CP MB Land. Đến nay, những ý kiến chính đáng của cư dân đều không được CĐT thông tin lại dẫn đến điều kiện và hoàn cảnh sống chính đáng của cư dân tại tòa nhà bị xâm phạm nghiêm trọng”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng TP HN, Sở quy hoạch kiến trúc TP.HN, UBND quận Nam Từ Liêm và ban lãnh đạo công ty CP MB Land xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của 108 hộ dân trú tại phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội với nội dung:
“Những năm 1993-1994 UBND xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, HN cho người dân đấu thầu mua 108 ki ốt (có phiếu thu của UBND xã). Từ đó cho đến này chúng tôi đã xây nhà ở, nộp thuế nhà, thuế đất phi nông nghiệp hoàn toàn đầy đủ, vị trí nhà đất chúng tôi đang sử dụng năm 2005 và 2015 quy hoạch được duyệt là đất ở.
Theo quyết định của UBND TP.HN (tại khoản 12 điều 21 quyết định số 37 ngày 18/12/2015) và nghị định của chính phủ (tại khoản 2, điều 20 nghị định số 43 ngày 15/5/2014) thì trường hợp nhà và đất chúng tôi đang ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (UBND phường Vĩnh Hưng có thông báo số 37 ngày 1/4/2013 chúng tôi đất ở ổn định, đủ điều kiện để được cấp GCN QSDĐ, đã có hồ sơ kê khai) nhưng các cấp có thểm quyền đã không cấp GCN QSDĐ cho chúng tôi theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi gửi đơn khiếu nại lên UBND TP nhưng không được hồi âm mà theo Luật khiếu nại năm 2011.
Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Vĩnh Hưng xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Ngọc Hân