Nhịp cầu bạn đọc số 11: Đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, doanh nghiệp bị cho “ăn quả đắng” nhớ đời!
(Dân trí) - Doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên bị "đánh tháo", doanh nghiệp tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) tố bị cán bộ Sở Tài nguyên môi trường làm khó trong việc ký hợp đồng thuê đất mới và cấp GCNQSDĐ mới; Tập thể các hộ dân tại phường Phú Diễn - Bắc Từ Liêm lo lắng vì phương án GPMB trục Hồ Tây – Ba Vì (đoạn vành đai 3 đến Quốc lộ 32) cắt chéo qua nhiều khu tái định cư và các trường học mới được xây dựng gây thiệt hại lớn cho nhà nước và người dân...
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty cổ phần dịch vụ xuất nhập khẩu Anh Thu, trụ sở tại số 420 tiểu khu 5, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên).
Đơn kêu cứu cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên, công ty đã thực hiện xây dựng xong “Đường nội thị kết nối đường Z131 thị trấn Ba Hàng” theo hình thức BT từ nhiều năm nay với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Thế nhưng, đến tận thời điểm hiện tại, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã “đánh tháo” không trả đất đối ứng cho doanh nghiệp khiến chúng tôi đừng bên bờ vực phá sản, công ty và gia đình tan nát”.
Theo đó, sau khi doanh nghiệp thực hiện xong và chuyển giao con đường cho chính quyền địa phương từ năm 2015, cả 2 ông Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên là ông Dương Ngọc Long và ông Vũ Hồng Bắc đều có công văn đốc thúc các Sở ngành liên quan và UBND TX Phổ Yên khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để giao đất đối ứng cho doanh nghiệp. Thế nhưng, tất cả vẫn chìm vào im lặng.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung kêu cứu của Công ty cổ phần dịch vụ xuất nhập khẩu Anh Thu đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thị uỷ - UBND Thị xã Phổ Yên kiêm tra, xem xét làm rõ sự việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, ủng hộ khởi nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Báo Dân trí sẽ vào cuộc xác minh, kiểm tra và thông tin công khai vụ việc trước công luận.
Báo Dân trí nhận được đơn của lãnh đạo Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu Việt Anh (Công ty Việt Anh), địa chỉ tại Thôn Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội- Phản ánh về việc Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội cố tình gây khó khăn và cản trở việc ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tài sản trên đất.
Đơn có nội dung như sau: “Công ty Việt Anh có ủy quyền cho chi nhánh Công ty tại Thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Nguyên tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Nguyên được UBND huyện Phúc Thọ cho thuê đất để kinh doanh nhà vườn sinh thái tại địa chỉ Thị Trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội, cụ thể về nguồn gốc thửa đất như sau:
- Thửa đất số: 52 Tờ bản đồ số: 56+62+63;
- Địa chỉ tại: Thị Trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội;
- Diện tích: 8.576,0 m²; sử dụng chung: 0 m²;sử dụng riêng: 8.576,0 m²;
- Sử dụng vào mục đích: Xây dựng nhà vườn sinh thái, từ thời điểm: tháng 02/2003;
- Thời hạn được sử dụng đất:30 nămkể từ ngày giao đất đếntháng 02/2033;
- Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm;
- Toàn bộ tài sản trên đất có tại thửa đất số 52, tờ bản đồ 56+62+63 theo “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ” số: T349220 hồ sơ gốc số 00003.QSDĐ/1020/QĐ.Hdo Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ cấp ngày 17/12/2003 được đăng ký quyền sở hữu riêng của bà Nguyễn Thị Nguyên do sở Tài Nguyên và môi trường TP Hà Nội xác nhận ngày 26/4/2017.
Việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giữa công ty và bà Nguyễn Thị Nguyên đã được ký kết tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất số: 984.2017/CNQSDĐ ngày 15 tháng 5 năm 2017 tại văn phòng công chứng Nguyễn Luyện - TP Hà Nội. Công ty nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền đất của thửa đất trên để tiếp tục thực hiện dự án kinh doanh nhà vườn sinh thái mà chủ trước đang làm.
Ngay sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng xong công ty chúng tôi đã nộp hồ sơ theo quy định đến Sở Tài Nguyên và môi trường TP Hà Nội để được ký lại hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp nhân của công ty theo giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả số: 2017000037156 ngày 22 tháng 6 năm 2017.
Ngay sau đó công ty có phối kết hợp với chuyên viên phụ trách hồ sơ của công ty tại Sở tài Nguyên và Môi trường Hà Nội để bổ sung các nội dung theo yêu cầu. Và đến tháng 04/2018, công ty đã được biết hồ sơ của công ty đã được Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Hà Nội gửi tờ trình lên UBND TP Hà Nội để được ký hợp đồng thuê đất theo pháp nhân mới. Nhưng sau đó công ty có liên lạc nhiều lần với Sở Tài Nguyên Môi Trường để nhận kết quả nhưng đều nhận được câu trả lời rằng UBND Thành phố yêu cầu báo cáo bổ sung và làm lại tờ trình. Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội đã làm lại tờ trình nhưng do lãnh đạo Sở chưa ký.
Đến thời điểm hiện tại, gần 02 năm kể từ ngày nộp hồ sơ tại Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Hà Nội mà công ty vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất mới và cấp GCNQSDĐ mới. Việc chậm trễ này đã gây rất nhiều khó khăn cho công ty trong công tác quản lý và vận hành hoạt động kinh doanh.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Hà Nội, Sở TN&MT TP.Hà Nội xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Nguyễn Thượng Hiền, trú tại số 6 E5 tổ 7 khu dự án nhà ở Cầu Diễn Phú Diễn Bắc Từ Liêm- đại diện cho tập thể các hộ dân cư thuộc Khu tái định cư 8,5ha, 2,1ha, 2,3ha; các hộ dân tổ 7, tổ 9, tổ 1, tổ 13, tổ 5, tổ 6, tổ 3 và các hộ dân cư thuộc khu tập thể Z 157, khu tập thể học viện tài chính, khu tập thể cục quân lương- Tổng cục hậu cần; các hộ dân nhà máy in- Tổng cục chính trị; Khu dự án nhà ở Cầu Diễn Phường Phú Diễn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội.
Đơn có nội dung: “Vào ngày 31/05/2019 vừa qua, sau khi dự hội nghị “Lấy ý kiến nhân dân đánh giá về tác động môi trường và sơ bộ phương án GPMB trục Hồ Tây – Ba Vì (đoạn vành đai 3 đến Quốc lộ 32) do ông Trương Quốc Cương – PCT Phường Phú Diễn chủ trì và Ông Trịnh Xuân Dương – Nhân viên Công ty CP Sông Hồng (Chủ đầu tư dự án- Theo hình thức hợp đồng BT) thông qua ranh giới thực hiện dự án. Chúng tôi vô cùng hoảng hốt, choáng váng khi biết gia đình mình một lần nữa sắp bị di dời.
Chúng tôi vì sự phát triển của thủ đô đã một lần phải dời khỏi chỗ ở của mình phục vụ cho hàng loạt dự án: dự án mở rộng đường 32, dự án làm đường vào đại học mỏ địa chất, dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và hàng loạt dự án khác. Chúng tôi về nơi ở mới với bao khó khăn chồng chất: thiếu điện thiếu nước sạch, thậm chí thiếu cả giấy phép xây dựng, thực sự không thể tin vào điều đó.
Bao ngôi nhà chúng tôi xây nên bằng chút tiền vay mượn anh em bạn bè, vay ngân hàng, chưa kịp trả hết nợ, có những gia đình vừa dọn về nhà mới chưa được một năm thì lại bị thông báo tiếp tục di dời lần nữa, khi cuộc sống mới chưa kịp bắt đầu, con đường con xuyên qua khu dự án tái định cư 2,1 ha, tái định cư 2,3 ha tái định cư 8,5 ha; Khu dự án nhà ở do thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt, Khu Tập Thể học viện tài chính đã ở ổn định lâu dài được hơn 20 năm qua, con đường còn xóa sổ luôn Học viện Tư pháp tiêu tốn nhiều nghìn tỉ vừa xây xong, xóa sổ Trường THCS Phú Diễn nơi học tập của con em chúng tôi, Trường Cao đẳng in Hà Nội, Trường đại học Tài nguyên môi trường và nhiều, rất nhiều công trình trọng điểm khác
Chúng tôi xin kiến nghị: Hủy bỏ Dự án con đường (đoạn vành đai 3 đến Quốc lộ 32), hoặc điều chỉnh quy hoạch, đi vòng tránh khu tái định cư và các khu dự án của nhà nước đã triển khai trước đây. Không gây lãng phí quá nhiều tiền của nhà nước và người dân, không phù hợp và quá bất cập.
Theo chúng tôi biết thì dự án mở đường chồng lên dự án tái định cư đang tiến hành là vi phạm Luật quy hoạch đô thị. Con đường cắt chéo qua nhiều khu tái định băm nát, làm biến dạng, méo mó , phá vỡ kiến trúc hạ tầng, mất mĩ quan đô thị và mô hình quy hoạch kiến trúc tổng thể. Vậy việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo thành phố, của chính quyền phường, Quận khi lấy ý kiến của nhân dân, khảo sát hiện trạng lúc bắt đầu lập quy hoạch đã làm đúng chưa?”
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội, Sở Quy Hoạch Kiến Trúc Hà Nội, Quận ủy và Uỷ ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm, Uỷ ban Nhân dân phường Phú Diễn xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Báo Dân trí nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của bạn đọc Nguyễn Thị Hồng Hạnh, trú tại số 70 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phản ánh việc: Mặc dù đã có kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HN và đã có quyết định cưỡng chế bắt buộc phải thực hiện nhưng UBND quận Hoàn Kiếm và phường Trần Hưng Đạo không tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định hai công trình vi phạm lấn chiếm đất chung xây nhà không phép tại số nhà 70 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nội dung đơn như sau: “Tại số nhà 70 Lý Thường Kiệt có 2 công trình sai phạm lấn chiếm đất chung xây nhà 5 tầng không phép. Tuy nhiên 2 công trình trên đã có QĐ cưỡng chế nhưng đã qua 4 tháng chờ đợi, quá thời hạn quy định mà UBND quận Hòan Kiếm và phường Trần Hưng Đạo vẫn cố tình chây ì không tổ chức thực hiện cưỡng chế, đồng thời lại để cho hộ gia đình khác tiếp tục đập phá, xây dựng làm thay đổi kết cấu cảnh quan ngôi biệt thự 70 Lý Thường Kiệt đang được nhà nước bảo tồn quản lý”.
Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Thanh Tra Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.
Ngọc Hân (tổng hợp)