Nhịp cầu bạn đọc số 8: Hàng loạt khiếu nại của người dân cần giải quyết dứt điểm

(Dân trí) - "Chúng tôi là các cư dân đã mua nhà và cư trú tại khu đô thị Nam Thăng Long nhiều năm nay. Số tiền chúng tôi bỏ ra mua nhà, đã bao gồm số tiền trả cho dịch vụ và tiện ích của khu đô thị. Nay nếu có việc điều chỉnh quy hoạch theo cách lấy bớt tiện ích của khu đô thị như thế là bội ước, là lừa dối cư dân chúng tôi. Do đó, chúng tôi hoàn toàn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch", Bạn đọc gửi đơn đến Báo Dân trí.

Báo Dân trí nhận được đơn đề nghị của tập thể cư dân tổ dân phố Nam Thăng Long, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Đơn thư cho biết: “Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo Thành ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các Sở, ngành liên quan đến quy hoạch đô thị, đề nghị không điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2; giữ nguyên và thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND Thành phố Hà Nội, vì các lý do cụ thể như sau:

Chúng tôi cho rằng không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh quy hoạch. Theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 đối với khu đô thị Nam Thăng Long được chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long và các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội đang thực hiện lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long, chúng tôi được biết hiện nay Chủ đầu tư khu đô thị Nam Thăng Long đang trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phương án điều chỉnh quy hoạch khu đô thi Nam Thăng Long giai đoạn 2.

Theo đó, quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2, được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND Thành phố Hà Nội sẽ điều chỉnh cục bộ.

Nội dung điều chỉnh quy hoạch như trên thực chất chỉ là thay đổi quy hoạch phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh và kiếm lời nhiều hơn nữa của Chủ đầu tư khu đô thị này, không đúng các quy định của pháp luật.

Việc điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích của nhà đầu tư, không vì lợi ích của người dân.

Việc điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi là các cư dân đã mua nhà và cư trú tại khu đô thị Nam Thăng Long nhiều năm nay. Số tiền chúng tôi bỏ ra mua nhà, đã bao gồm số tiền trả cho dịch vụ và tiện ích của khu đô thị. Nay, chủ đầu tư và UBND TP định điều chỉnh quy hoạch theo cách lấy bớt tiện ích của khu đô thị như thế là bội ước, là lừa dối cứ dân chúng tôi. Do đó, chúng tôi hoàn toàn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch.

Từ các vấn đề nêu trên, cư dân Tổ dân phố Nam Thăng Long kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội xem xét: Dừng việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2; Yêu cầu Thành phố Hà Nội giữ nguyên và thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND Thành phố Hà Nội.

Báo Dân trí kính đề nghị Thành uỷ - UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch và kiến trúc, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Quận uỷ - UBND quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, làm rõ kiến nghị của người dân và hồi âm đến người dân theo quy định của pháp luật.

Báo điện tử Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Văn Dũng, trú tại thôn Phán Thủy, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về vệc xem xét giải quyết công nhận liệt sĩ cho bố của ông.

Đơn có nội dung: “Ba tôi là ông Nguyễn Văn Bào, sinh năm 1929 quê quấn ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chu, TP.HCM- là đảng viên ĐCS VN tham gia cách mạng năm 1946, sau khi tập kết ra bắc, ba tôi được biên chế vào Trung đoàn 556, Đại đoàn 330.

Năm 1962 trong nhiệm vụ huấn luyện trinh sát rà phá ngư lôi và kết hợp kinh tế biển thuộc đơn vị đào tạo của trường Nông Lâm TƯ thuộc Chính phủ. Ba tôi hy sinh do gặp bão táp lớn kỷ lục năm này làm chìm tàu, cả đơn vị hy sinh hết. Sau đó chính quyền địa phương và ban chỉ huy của đơn vị ba tôi có đến gia đình trao giấy báo tử của ba tôi cho gia đình.

Tuy nhiên do mẹ tôi làm mất giấy báo tử này nên thời điểm hiện tại ba tôi vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ dù gia đình vẫn được hưởng mọi chế độ ưu tiên của gia đình liệt sĩ, tên của ba tôi được ghi vào sổ liệt sĩ của xã Song Mai, huyện Kim Động. Hiện gia đình vẫn còn lưu giữ một số huân huy chương của ba tôi được Đảng và Nhà nước khen tặng trong thời kỳ hoạt động cách mạng.

Với mong mỏi được an ủi vong linh người đã khuất, gia đình dòng họ tôi đã hơn 60 năm qua mong muốn chính quyền các cấp công nhận ba tôi là liệt sĩ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Gia đình chúng tôi đã gửi đơn đến các cơ quan có liên quan nhưng vẫn bặt vô âm tín”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến lãnh đạo Cục Người có công- Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể cư dân ngõ 73 đường Trần Văn Giáp, khu Dân cư 12, phường Thanh Bình, TP.Hải Dương phản ánh việc bị “ép và dọa nạt” phải đóng phí ủng hộ 1 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa khu 12.

Đơn có nội dung:

“Quyền dân chủ ở cơ sở của nhân dân KDC 12 đang bị xúc phạm nghiêm trọng và nặng nề. Chúng tôi không biết có 1 thông báo nào, không hề nhận được giấy mời cho 1 cuộc họp nào để bày tỏ quan điểm của dân về việc bắt buộc phải nộp 1 triệu đồng cho xây dựng nhà văn hóa khu 12.

Chúng tôi không hề biết đại diện nào cho chúng tôi đồng ý việc này, tại sao 1 người lại có thể thay chúng tôi đồng ý hay không? Chúng tôi thấy mình bị đang bị tước đoạt quyền dân chủ ở cơ sở.

Thứ 2, thái độ hống hách, cửa quyền, dọa dẫm của Bí thư chi bộ- trưởng KDC số 12 là không thể chấp nhận được: việc ông ta luôn lấy việc ký giấy xác nhận Đảng viên 76 ra để đe dọa các cư dân đang là Đảng viên đang công tác tại các cơ quan của tỉnh, TP bởi ông ta hiểu nếu không có giấy xác nhận này thì Đảng viên đó sẽ bị cơ quan khiển trách, phê bình. Đó là một sự lợi dụng cái chung để đe dọa buộc mỗi Đảng viên phải chấp nhận đóng tiền chứ trong lòng không hề vui vẻ đồng thuận”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Hải Dương, UBND TP.Hải Dương, Đảng ủy-HĐND-Lãnh đạo UBND phường Thanh Bình xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bạn đọc Phạm Hồng Quang, Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Thị Kim Thoa- trú tại 166, 170, 8/176 Nguyễn Sơn, Bồ Đề- Long Biên- HN về việc công trình tòa nhà 17 -158 tầng Nguyễn Sơn, Bồ Đề đang xây dựng khiến các gia đình lân cận bị trôi, lún nứt, gẫy, nghiêng rất nguy hiểm nhưng chưa được bồi thường giải quyết.

Nội dung đơn như sau: “Gia đình chúng tôi luôn trong tình trạng lo sợ sụp đổ nhà, do nhà chúng tôi liền sát phía sau công trình tòa nhà 17 tầng – 158 Nguyễn Sơn, Bồ Đề do Cty TNHH Bắc Chương Dương làm chủ đầu tư nên bị ảnh hưởng rất nặng.

sau cuộc họp giữa UBND phường và Cty TNHH Bắc Chương Dương, Chủ đầu tư đã cam kết là khi nào dự án móng tòa nhà lên khỏi mặt đất là giải quyết bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng- đến nay dự án đã xây lên đến tầng 10 mà vẫn chưa giải quyết bồi thường cho chúng tôi- họ đã thất hứa rất nhiều lần với các hộ dân.

Chúng tôi đã làm đơn lên UBND phường Bồ Đề, Thanh tra xây dựng quận, Thanh tra Sở xây dựng nhưng không có kết quả gì mà sự nguy hiểm đến tính mạng con người vẫn đang cận kề”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Sở xây dựng TP.HN, Thanh tra xây dựng quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề, Cty TNHH Bắc Chương Dương xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của tập thể người dân thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP.HN phản ánh việc tại thôn đang xảy ra tình trạng tự ý phân chia đất công, xác lập đo vẽ bản đồ làm giả hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ và xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp trồng lúa.

Nội dung đơn như sau: “thực hiện chủ trương của Nhà nước (theo như thông báo của UBND xã Mỹ Hưng) về việc đo đạc lại nhà đất để lập bản đồ địa chính và cấp sổ đỏ cho nhân dân. Năm 2017 cán bộ đo đạc mang máy đi đo vẽ hiện trạng nhà đất của các hộ gia đình, từ 28/2-3/3/2019 chúng tôi được thông báo ra Nhà văn hóa thôn để nộp hồ sơ, giấy tờ rà soát, cập nhật tên vào bản đồ và làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên khi cán bộ đo đạc chỉ dẫn cho chúng tôi xem bản đồ tổng thể thì có những điểm đất công (đất mặt nước, ao, hồ, nghĩa trang, đất trồng lúa…) không hiểu vì lý do gì mà bây giờ đều đã có tên chủ sử dụng, mặc dù từ trước (bản đồ đo đạc năm 1996-1997 cho đến nay vẫn là đất công (hiện trạng vẫn là mặt nước ao bèo, vẫn là đất ruộng trồng lúa…) không hiểu bằng cách nào mà đơn bị đo đạc lại hoạch định được kích thước và diện tích cho từng ô, số thửa, số bản đồ của từng người trên những thửa đất công đó?

Hiện tại các phần đất mặt nước ao công như ao Sông Đình, ao Sông Ngoài, đất ruộng trồng lúa của thôn Thiên Đông đang ngày ngày bị san lấp, xây dựng nhà biệt thự kiên cố mà không hề có sự can thiệp nào của cơ quan chính quyền xã, huyện. Thậm chí xã còn cho kê khai cấp sổ đỏ và xây dựng công trình.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với chính quyền xã Mỹ Hưng, chính quyền huyện Thanh Oai để tố giác và tố cáo nhưng không có sự can thiệp nào.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND Tp.Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng TP.Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)