Hà Nội:
Nhiều "bất thường" trong việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương
(Dân trí) - Sau khi bà Lê Thị Sửu làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo TP. Hà Nội, nhưng cách giải thích của Sở Xây dựng lại chưa thấu tình đạt lý.
Văn bản số 07/SXD-QLN của Sở Xây dựng khẳng định việc thu hồi phần diện tích gia đình bà Lê Thị Sửu và bà Bùi Thị Hảo đang sử dụng tại số 9 Hồ Xuân Hương thực hiện đúng trình tự pháp luật. Do đất đã nằm trong dự án nên Sở Xây dựng không thể xét duyệt đơn đề nghị mua nhà theo Nghị định 61/CP của gia đình bà Lê Thị Sửu.
Trao đổi với PV báo Dân trí về nội dung văn bản số 07/SXD-QLN của Sở Xây dựng báo cáo UBND TP. Hà Nội, bà Lê Thị Sửu vẫn tỏ rõ nỗi bức xúc. Bà Sửu cho rằng Sở Xây dựng đã đưa ra những thông tin thiếu trung thực, đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của một gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa có nhiều đóng góp cho đất nước.
Trong đơn đề nghị gửi báo Dân trí ngày 18/1/2013, bà Sửu nêu ra hàng loạt dấu hiệu bất thường liên quan đến việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương.
Trên thực tế, hợp đồng thuê nhà số 435/QLN chỉ là hợp đồng được ký lại giữa Cục Chuyên gia và Sở Nhà đất Hà Nội thay thế cho hợp đồng cũ hết hạn. Trước khi Cục Chuyên gia tái ký hợp đồng thuê nhà số 435/QLN, gia đình bà Sửu đã ở tại biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương từ tháng 3/1975 theo Văn bản số 259/CCg do Cục trưởng Cục Chuyên gia ký.
Nội dung đơn của bà Lê Thị Sửu cho rằng, Quyết định số 6668/QĐ-UBND ngày 23/12/2009 của UBND Thành phố về việc thu hồi giải phóng mặt bằng nhà 9 Hồ Xuân Hương là trái với Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008. Trái với Quyết định 20/2012/QĐ-UBND ngày 8/8/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về quản lý, sử dụng công sở, trụ sở, nhà làm việc thuộc sở hữu nhà nước giao cho các cơ quan hành chính, tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng trên địa bàn Thành phố.
Khoản 1, Điều 16, Chương III của Luật số 09/2008/QH12 nêu rõ: “Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm”. Nhà số 9 Hồ Xuân Hương là dạng biệt thự có công năng thiết kế để ở, vì vậy việc thu hồi làm trụ sở của Liên đoàn Luật sư là không phù hợp.
Liên quan đến việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương, ngày 1/11/2002, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Qúy Đôn đã ký Quyết định số 7486/QĐ-UB: Thu hồi toàn bộ diện tích nhà đất tại biệt thự số 9 phố Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; tạm giao cho Công ty Kinh doanh nhà số 2 (Sở Địa chính-Nhà đất) để tiếp tục điều tra lập phương án giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân và lập dự án đầu tư cải tạo, khai thác, sử dụng hiệu quả.
Thế nhưng trong suốt gần 6 năm kể từ tháng 11/2003 (là thời điểm hết hiệu lực thi hành Quyết định số 7486/QĐ-UB) cho đến tháng 6/2009, Công ty Kinh doanh nhà số 2 vẫn tiếp tục triển khai việc giải phóng mặt bằng biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương. Với việc đề xuất dự án “đầu tư cải tạo, khai thác, sử dụng hiệu quả” ảo và việc tùy tiện thực hiện Quyết định số 7486/QĐ-UB đã hết hiệu lực thi hành, dường như cơ quan chức năng có ý tránh Nghị định 61/CP của Chính phủ để thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương.
Trong lúc gia đình bà Lê Thị Sửu liên tục bị từ chối xét duyệt đơn mua nhà theo Nghị định 61/CP, đã có rất nhiều hộ gia đình ở phố Hồ Xuân Hương và phố Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được xét mua nhà. Ngay như biệt thự song đôi số 7 Hồ Xuân Hương cũng được bán cho các hộ gia đình sống tại đó.
Vì sao chỉ 3 tuần sau khi ký Văn bản số 4466/XD-BN61 yêu cầu Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tiếp tục thực hiện Quyết định số 7486/QĐ-UB ngày 11/11/2002, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn lại ký Văn bản số 5122/SXD-QLN đề xuất với Thành phố phương án bố trí trụ sở làm việc cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương?
Ngày 23/9/2009 Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định số 1530/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Nhưng một ngày trước khi có Quyết định số 1530/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mọi thủ tục cho ra Quyết định thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương để làm trụ sở của Liên đoàn Luật sư đã hoàn tất. Bà Sửu đặt ra câu hỏi, tại sao TP. Hà Nội không căn cứ vào Quyết định số 1530/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định số 6668?
Dựa trên hệ thống văn bản các cơ quan chức năng đã ban hành liên quan đến việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương, bà Lê Thị Sửu đề nghị UBND TP. Hà Nội, Thành ủy Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xem xét lại Quyết định thu hồi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.
Đơn của bà Sửu có đoạn viết: “Cả 2 vợ chồng tôi đều đã trên 80 năm tuổi đời, 64, 65 năm tuổi Đảng, đều là cán bộ Tiền Khởi nghĩa, được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Chống Mỹ hạng Nhất, 2 Huân chương Chống Pháp hạng Ba, nhiều Huy chương và Bằng khen. Cả 2 vợ chồng tôi đã có 90 năm công tác, đã suốt đời tận tụy tham gia giành Chính quyền, xây dựng và bảo vệ Chính quyền, bảo vệ Đảng.
Từ khi có chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP, Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg về cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, chúng tôi đã tin ở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã nhiều lần viết đơn xin mua nhà nhưng vẫn không được giải quyết. Trong 39 năm sống tại biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương đã có tới 19 năm sống không yên ổn do việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương cho các mục đích không rõ ràng hoặc trái Luật”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương