Hà Nội:

Hành trình 12 năm xin mua nhà bất thành của vợ chồng lão thành cách mạng

(Dân trí) - Sinh sống trên tầng 2 nhà số 9 phố Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng gần 40 năm, nhưng nhà bà Sửu không được duyệt mua nhà theo Nghị định 61/CP. Trong lúc khiếu nại của bà Sửu chưa được giải quyết, quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định GPMB.

Trong đơn đề nghị gửi đến báo Dân trí ngày 20/11/2012, bà Lê Thị Sửu, 82 năm tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng và chồng là Nguyễn Ngọc Châu, 85 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng trú tại nhà số 9 phố Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội phản ánh việc gia đình bà không được xét duyệt mua nhà theo Nghị định 61/CP dành cho người đang thuê nhà của Nhà nước, mặc dù vợ chồng bà đã nhiều lần gửi đơn suốt 12 năm qua và không xảy ra tranh chấp từ năm 1975.
 
Đơn đề nghị của bà Lê Thị Sửu gửi báo Dân trí
Đơn đề nghị của bà Lê Thị Sửu gửi báo Dân trí

Đơn của bà Lê Thị Sửu, nguyên Phó Cục trưởng Cục chuyên gia thuộc Văn phòng Bộ trưởng (trước đây) cho biết: Do yêu cầu công tác và căn cứ tiêu chuẩn xếp nhà cho cán bộ theo quy định của Trung ương, năm 1975, gia đình bà Sửu được phân phối sử dụng tầng 2 của nhà số 9 phố Hồ Xuân Hương theo văn bản số 259/CCg ngày 15/3/1975. Đến ngày 25/1/1988, bà Sửu tiếp tục có quyết định phân bổ sung diện tích nhà ở tại số 9 phố Hồ Xuân Hương do Cục trưởng Cục Chuyên gia Hoàng Đức Bình ký.

Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, và quyết định số 20/2000/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở, vợ chồng bà Sửu đã nhiều lần gửi đơn xin mua diện tích đang sử dụng tại nhà số 9 Hồ Xuân Hương nhưng đều nhận được trả lời: Nhà số 9 Hồ Xuân Hương không bán vì nằm trong quy hoạch phải giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng có một nghịch lý là, cũng vào thời điểm này, các hộ gia đình khác trên phố Hồ Xuân Hương, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đã được duyệt mua nhà theo chính sách. Ngay cả nhà số 7 phố Hồ Xuân Hương là biệt thự song đôi liền kề nhà số 9 cũng được bán cho các hộ gia đình sống ở đó.
 
Quyết định phân bổ sung diện tích đất dành cho nhà bà Lê Thị Sửu
Quyết định phân bổ sung diện tích đất dành cho nhà bà Lê Thị Sửu

Trong suốt 12 năm liên tục (2000 - 2010), vợ chồng bà Sửu đã gửi hàng trăm lá đơn xin mua phần diện tích đang sử dụng tại biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương theo Nghị định số 61/CP và quyết định số 20/2000/QĐ-TTg của Chính phủ về việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người hoạt động cách mạng từ trước tháng Tám năm 1945, nhưng đều không được các cơ quan chức năng TP. Hà Nội xem xét giải quyết.

Lý do được các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội giải thích cho việc không duyệt đơn xin mua nhà của vợ chồng bà Lê Thị Sửu là nhà số 9 phố Hồ Xuân Hương nằm trong dự án. Nhưng đến tháng 10/2010, nhà bà Sửu lại được thông báo về việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương để làm trụ sở làm việc cho một cơ quan đoàn thể theo Quyết định số 6668/QĐ-UBND ký ngày 23/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo lời bà Lê Thị Sửu, Quyết định số 6668/QĐ-UBND được ban hành trái với Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước số 09/2008/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 03/6/2008 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, và hiện nay nó trái với chính Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ký ngày 08/8/2012 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, sử dụng công sở, trụ sở, nhà làm việc thuộc sở hữu nhà nước giao cho các cơ quan hành chính, tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kể từ khi nhận được thông báo, vợ chồng bà Sửu đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội nhưng đều không nhận được hồi âm.
 
Từ tháng 8/2012 đến ngày 2/11/2012, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng của Thành phố vẫn ra hàng loạt các quyết định yêu cầu nhà bà Lê Thị Sửu bàn giao mặt bằng để thực hiện Quyết định số 6668/QĐ-UBND về việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương để làm trụ sở làm việc cho một cơ quan đoàn thể.
 
Để phục vụ cho việc GPMB, Sở Xây dựng Hà Nội đã lên phương án bố trí nhà tái định cư cho các hộ gia đình còn lại tại số 9 phố Hồ Xuân Hương. Theo thông báo của Sở Xây dựng Hà Nội, nhà bà Sửu có 3 hộ gia đình sinh sống được tái định cư ở căn hộ 309 (45,9m2) và 509 (75,5m2) cùng tại nhà B7 Kim Liên. Vợ chồng bà Sửu được bố trí ở trong căn hộ rộng 22m2 ở 301 Phố Huế. Theo phản ánh của bà Sửu, cách giải quyết của các cơ quan chức năng TP. Hà Nội không thực hiện đúng chính sách đối với người có công. Nơi được bố trí tái định cư ghi rõ phải tốt hơn nơi ở cũ, nhưng các địa điểm mà TP. Hà Nội đưa ra đều không đáp ứng yêu cầu này.
 
Trong lúc phải giành giật sự sống mong manh, ông Nguyễn Ngọc Châu chỉ có
Trong lúc phải giành giật sự sống mong manh, ông Nguyễn Ngọc Châu chỉ có
mong muốn được mua căn nhà theo đúng chính sách đãi ngộ của Nhà nước

Trong các ngày 9 và 17/11/2012, bà Lê Thị Sửu tiếp tục gửi thư tới đơn Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội trình bày rõ việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương để làm trụ sở làm việc cho một cơ quan đoàn thể là không “thấu tình, đạt lý”, đồng thời đề nghị TP. Hà Nội thu hồi Quyết định trái luật số 6668/QĐ-UBND. Bà Sửu kiến nghị lãnh đạo TP. Hà Nội xem xét làm rõ các câu hỏi của công dân, bao gồm: Quyết định số 6668/QĐ-UBND về việc thu hồi biệt thự số 9 Hồ Xuân Hương để làm trụ sở làm việc cho một cơ quan đoàn thể có trái với Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước số 09/2008/QH12 đã được Quốc hội thông qua và có trái với chính Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành hay không? Bao giờ gia đình bà Sửu được mua nhà theo Nghị định 61/CP và Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg của Chính phủ? ...

Làm việc với PV Dân trí, bà Lê Thị Sửu cho biết: “Tôi chỉ đề nghị UBND TP. Hà Nội duyệt cho mua phần diện tích gia đình đã sinh sống ổn định gần 40 năm tại nhà số 9 phố Hồ Xuân Hương. Đó cũng là tâm nguyện cuối cùng chồng tôi là ông Nguyễn Ngọc Châu, một người có nhiều cống hiến cho cách mạnh hiện đang phải giành giật sự sống mong manh trên giường bệnh, để chồng tôi có thể thanh thản lúc ra đi”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm