Nhặt được của rơi, có được tạm thời "bỏ túi"?

(Dân trí) - Chắc chắn là có! nếu như sau 1 năm bạn trình báo với cơ quan công an mà không tìm được chủ nhân của đồ vật đó. Nhưng bạn có thể phải ngồi tù đến 5 năm nếu không trình báo!

"Người nhặt được tài sản phải trả lại cho người bị mất bằng cách trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, nếu không thực hiện điều này có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự" - đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ, nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, người nhặt có thể bị phạt tiền từ 02 - 10 triệu đồng.

Cũng tại Nghị định trên, nếu nhặt được, không trả lại hoặc báo cho cơ quan công an mà còn sử dụng trái phép tài sản đó thì có thể bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Ngoài ra, căn cứ tại Điều 176 Bộ luật Hình sự mới nhất năm 2015 thì khi nhặt được tài sản mà cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan công an sau khi chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản thì người đó sẽ:

- Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu tài sản có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

- Bị phạt tù từ 01 - 05 năm nếu tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc là bảo vật quốc gia.

Như vậy, khi đi trên đường mà vô tình nhặt được tài sản thì mọi người nên nộp cho cơ quan công an gần nhất. Lúc này, người nhặt tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có thể tránh được việc mất tiền thậm chí ngồi tù.

Nhặt được của rơi, có được tạm thời bỏ túi? - 1
Ảnh minh họa

Vậy nếu không tìm được chủ tài sản, sau bao lâu người này sẽ được sở hữu?

Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự mới nhất, khi nhặt được tài sản:

Nếu biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại cho người đó.

Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để xác minh chủ sở hữu. Đồng thời, người nhặt được tài sản cũng được thông báo về kết quả xác minh.

Sau 01 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai về tài sản mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì:

- Tài sản ≤ 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được sở hữu tài sản này;

- Tài sản > 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được hưởng 10 lần mức lương cơ sở và 50% phần giá trị vượt quá. 50% còn lại của phần vượt quá sẽ thuộc về Nhà nước.

- Tài sản thuộc di tích lịch sử, văn hóa: Sẽ thuộc về Nhà nước. Người nhặt sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng nêu chi tiết tại Điều 30 Nghị định số 29/2018 của Chính phủ:

STT

Phần giá trị tài sản

Tỷ lệ thưởng (%)

1

Đến 10 triệu đồng

30

2

Từ trên 10 - 100 triệu đồng

15

3

Từ trên 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng

7

4

Từ trên 01 - 10 tỷ đồng

1

5

Trên 10 tỷ đồng

0,5

Như vậy, khi nhặt được "của rơi", nếu biết địa chỉ người làm rơi thì trả lại cho người đó; nếu không biết thì giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Sau 01 năm kể từ ngày giao nộp, người nhặt được tài sản có thể được sở hữu tài sản đó.

Năm 2016, một phụ nữ tên là Đỗ Thị Liên đã bị phạt tới 7,5 triệu đồng sau khi nhặt được ví của hành khách tại sân bay mà không trình báo cơ quan chức năng, cố tình chiếm đoạt. Đáng nói hơn, trong ví chỉ có vỏn vẹn 74 USD, tương đương hơn 1,5 triệu đồng và một số giấy tờ.

Sự việc xảy ra tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài. Cụ thể, nhân viên Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài đã nhận được thông tin từ hành khách tên Weatley Shophie, sinh năm 1991, quốc tịch Anh từ Nội Bài đi Sân bay quốc tế Bangkok hay Sân bay Đôn Mường. Hành khách này đã đánh rơi một chiếc ví tại đảo A, tầng 3 nhà ga hành khách T2, CHK quốc tế Nội Bài.

Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng an ninh hàng không đã rà soát hệ thống camera an ninh và phát hiện một phụ nữ (sau này khai báo là Đỗ Thị Liên, sinh năm 1962, thường xuyên có mặt tại CHK quốc tế Nội Bài để nhặt rác, dọn vệ sinh) nhặt được chiếc ví như trình báo. Bà Liên sau đó đã thừa nhận nhặt được chiếc ví màu đỏ mà không trình báo.

Do không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, Cảng vụ Hàng không miền Bắc sau đó đã quyết định xử phạt bà Liên 7,5 triệu đồng, đồng thời buộc bà Liên phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt.