Ca bệnh số 17, 34 khác tính chất pháp lý với tiếp viên hàng không thế nào?

(Dân trí) - Ngày 30/03/2020, Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mới được ban hành. Trong khi đó, trường hợp với ca bệnh số 17, 34 đã xảy ra trước đó.

Ngày 3/12, Công an TPHCM quyết định khởi tố vụ án hình sự "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người"

Vụ án liên quan trực tiếp đến tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines, trong quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của hãng đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Sau đó trong quá trình tự cách ly tại nơi lưu trú, trường hợp này tiếp tục gọi bạn bè, người thân đến chơi và ở cùng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Ca bệnh số 17, 34 khác tính chất pháp lý với tiếp viên hàng không thế nào? - 1

Ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM cung cấp thông tin giúp người dân cả nước hiểu đúng, hiểu đủ trách nhiệm của mình trong phòng chống Covid-19.

Nguy hiểm hơn, tiếp viên này (bệnh nhân 1342) trong quá trình tự cách ly còn tự ý đi ăn, đi học, tiếp xúc với rất nhiều người. Hành vi của bệnh nhân đã gây phát tán dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.

Đến nay hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên đã phải nghỉ học, hàng nghìn người phải cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng ở mức rất nguy hiểm.

Điều khiến dư luận đặt câu hỏi là trường hợp sai phạm của bệnh nhân số 1342 đã bị cơ quan công an khởi tố vụ án. Vậy trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát giai đoạn trước, bệnh nhân (BN) số 17 và số 34 đều có hành vi gian dối trong khai báo tại sao lại không bị khởi tố?

Để làm rõ vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Lực cho rằng: Theo Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, trước khi về Việt Nam vào ngày 02/3/2020, BN 17 đã nhập cảnh tại London (Anh) ngày 15/2, bay sang Milan (Lombardy, Ý) ngày 18/2, trở về London (Anh) ngày 20/2, sau đó ngày 25/2, BN 17 sang Paris (Pháp) du lịch 1 ngày rồi quay trở về Anh.

Theo diễn biến tình hình các ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, đã có 03 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến BN 17, gồm 01 lái xe, 01 người nhà và 01 người ngồi cùng chuyến bay. Hơn nữa, hành vi không khai báo y tế để được cách ly kịp thời của BN 17 đã khiến cả khu vực phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) phải cách ly 14 ngày, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt dân cư và các hoạt động kinh tế tại khu vực.

Theo Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, BN 34 được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 vào 10/3 và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Theo diễn biến tình hình các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam, đã có hơn 10 ca nhiễm lây lan từ nguồn bệnh của BN 34.  Trong suốt quá trình khai báo y tế, BN 34 liên tục cung cấp thông tính không đầy đủ và thiếu trung thực về lịch trình di chuyển, số người đã tiếp xúc…

Ca bệnh số 17, 34 khác tính chất pháp lý với tiếp viên hàng không thế nào? - 2

Luật sư Quách Thành Lực lý giải tại sao ca bệnh số 17 và 34 thoát khởi tố dù đã khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù Điều 240 Bộ luật Hình sự có quy định về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người". Tuy nhiên đến ngày 30/03/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, theo đó hướng dẫn cụ thể về việc xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

"Hai trường hợp bệnh nhân số 17 và số 34 đều gây sai phạm trước khi Công văn số 45/TANDTC-PC ra đời. Đây là lý do mà hành vi vi phạm liên quan 2 ca bệnh này đã "thoát" không bị khởi tố vụ án", luật sư Lực nhận định.

Sau thời điểm văn bản số 45/TANDTC-PC ra đời thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng như Tòa án Nhân dân đã có cơ sở về lý luận cũng như là cơ sở chỉ đạo nghiệp vụ để khởi tố điều tra, truy tố và xét xử hành vi vi phạm này.

Từ các căn cứ được quy định cụ thể, trường hợp sai phạm của bệnh nhân số 1342 đã bị cơ quan công an khởi tố vụ án.

Điều 240, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, cụ thể như sau:

   "1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

1. a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

2. b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

3. c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

5. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

6. b) Làm chết người.

7. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

8. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

9. b) Làm chết hai người trở lên.

10. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm."