Nhận thức sứ vụ giáo dục

(Dân trí) - Trước hàng loạt vụ việc thầy cô giáo xúc phạm học sinh như dạy bằng nắm đấm, nhét dẻ vào mồm, đưa cho công an tra khảo, túm đầu nện xuống đất và gần nhất là cho học sinh cả lớp tát tai một đồng môn... những người quan tâm đến giáo dục và các bậc phụ huynh thực sự lo ngại cho lối giáo dục phi nhân văn đầy võ lực này.

Trong môi trường giáo dục đang nảy sinh ngày càng nhiều bạo lực, mà đau đớn là ở chỗ chính thầy cô giáo lại là đối tượng thực hiện các hành vi bạo lực đó.

Thầy cô giáo thực hiện các hành vi phi giáo dục và bạo lực, thì những hành vi đó ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh. Tâm hồn trong trẻo của tuổi học trò sẽ rất dễ bị tổn thương khi niềm tin đối với thầy cô bị mất đi. Điều này không chỉ xảy ra đối với những em bị xúc phạm trực tiếp, mà đối với tất cả các em chứng kiến hoặc tham gia thực hiện hành vi xúc phạm người khác.

Điển hình như vụ cô giáo bắt một em học sinh đứng tại chỗ và cho phép cả lớp lần lượt tát vào mặt, các em đã tham gia trực tiếp. Khi thụ động thực hiện hành vi đó, các em rất dễ nhầm  tưởng rằng, mình có quyền đánh người khác khi họ có lỗi. Ngược lại đối với những học sinh nhạy cảm hơn, các em sẽ đánh giá thầy cô là những người thô bạo, ứng xử thiếu văn hóa.

Cả hai thái độ phản ứng đó đều gây ra  những tổn thương ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của các em.

Thấy được mối nguy hiểm của việc thầy cô giáo hành xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm học sinh, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiên Nhân đã bày tỏ quan điểm rằng: “Thầy cô làm như vậy tức là không hiểu được vai trò của người thầy. Xã hội không chấp nhận thái độ đó”. Bộ trưởng chỉ đạo từ nay đến hè, các địa phương cần có những đợt sinh hoạt cam kết không tái diễn việc làm phi giáo dục này. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ai không kìm được mình thì nên ra khỏi ngành sớm. Đừng ở trong ngành để rồi bảo không kìm được”.

Tuy nhiên, công tác sư phạm không chỉ biết kìm chế sự nóng giận của mình trong chốc lát là đủ, mà quan trọng là sự nhận thức về sứ vụ giáo dục của chính người thầy. Người thầy phải hiểu rõ rằng quá trình giáo dục là quá trình trị liệu những căn bệnh tâm lý, trong đó có cả những hư đốn, sai trái của học sinh.

Và sự điều trị cũng phải đúng phương pháp khoa học, có tính nhân văn. Một khi người thầy không có năng lực, trí tuệ và lương tâm nghề nghiệp để thực hiện sứ vụ giáo dục, thì cho dù có chế ngự được sự nóng giận cũng không đạt được hiệu quả giáo dục như chính cuộc sống đòi hỏi.

Lê Chân  Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm