Nhận cầm cố tài sản trộm cắp phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu chủ tiệm cầm đồ biết rõ chiếc xe máy là tài sản trộm cắp của Hoàng Minh Hào nhưng vẫn nhận cầm cố, người này có thể bị xử lý hình sự.
Như Dân trí thông tin, nghi phạm sát hại chị Lê Thị Thùy Linh (21 tuổi, quê Thanh Hóa) vào ngày mùng 7 tháng Giêng là Hoàng Minh Hào (20 tuổi, quê Bắc Giang). Hào đang bị tạm giam để điều tra hành vi giết người.
Bên cạnh hành vi Giết người, cơ quan chức năng còn xác định Hào phạm tội Trộm cắp tài sản khi lấy trộm một xe máy Honda Vision ở ngõ 190 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rồi mang đi cầm cố lấy 10 triệu đồng vào ngày 22/1.
Trường hợp này, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, chủ tiệm cầm đồ có thể phải chịu trách nhiệm liên đới với nghi phạm do nhận cầm cố tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà có hay không?.
Giải đáp thắc mắc của độc giả, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, dựa trên những thông tin hiện có, mối quan hệ giữa Hào và chủ tiệm cầm đồ hiện dừng lại ở mức độ dân sự. Trong đó, Hào là bên cầm cố tài sản còn chủ tiệm cầm đồ là bên nhận cầm cố.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ triệu tập chủ cơ sở cầm đồ này để lấy lời khai và làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ án, trong đó đặc biệt tập trung vào nhận thức và ý chí chủ quan của người này khi nhận cầm cố tài sản trộm cắp của nghi phạm. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của người này trong vụ án.
"Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an sẽ làm rõ việc người này có biết chiếc xe máy là tài sản Hào có được từ hành vi trộm cắp hay không, từ đó làm căn cứ xác định vụ việc có tính chất dân sự hay hình sự. Trong trường hợp chủ tiệm hoàn toàn không biết về hành vi trộm cắp của Hào, vụ việc sẽ chỉ dừng lại ở tính chất dân sự.
Khi đó, giao dịch cầm cố tài sản giữa đôi bên sẽ thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015, các bên buộc phải trả lại cho nhau những gì đã lấy.
Còn nếu chủ tiệm biết rõ đây là tài sản trộm cắp nhưng vẫn nhận cầm cố, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của người này về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Thắng phân tích.
Về mặt khách quan của tội danh trên, ông Thắng cho biết tiêu thụ tài sản bao gồm một trong các hành vi như mua, bán, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, cho tặng… hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó. Trường hợp này, nếu được xác định đã cầm cố tài sản phạm tội mà biết rõ về tính pháp lý của tài sản đó, chủ tiệm cầm đồ có thể bị xử lý hình sự.
Khung hình phạt áp dụng đối với tội danh này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, nếu quá trình điều tra thể hiện đã có sự hứa hẹn trước của các bên về việc trộm cắp và tiêu thụ tài sản trộm cắp, cá nhân nhận cầm cố tài sản có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm.
Hoàng Linh