Nhà vệ sinh sạch, trường học sẽ sạch

PV

(Dân trí) - Số liệu đáng báo động từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, có tới 7,7 triệu trẻ em Việt Nam không được tiếp cận với các dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại trường học.

Số liệu đáng báo động từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được nhiều cơ quan, tổ chức dẫn lại trong các báo cáo nghiên cứu, bài viết trong những năm vừa qua cho thấy: Có tới 7,7 triệu trẻ em Việt Nam không được tiếp cận với các dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại trường học

Kết quả một đợt rà soát toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong năm học 2019 - 2020 về công trình vệ sinh và nước sạch tại trường học cũng cho thấy: Có 30,6% nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn và 22,8% nhà vệ sinh chưa được kiên cố hóa. Với tổng cộng 270.695 nhà (phòng) vệ sinh học sinh tại các cơ sở giáo dục vào thời điểm đó, theo tỷ lệ vừa nêu, thì cả nước có tới 82.832 nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn và 61.718 nhà vệ sinh chưa được kiên cố hóa.

Nhà vệ sinh sạch, trường học sẽ sạch - 1

Nhà vệ sinh của một trường học ở Hà Nội trong tình trạng cáu bẩn, hỏng cửa (Ảnh minh họa: NVCC).

Từ kết quả của cuộc tổng điều tra của Tổng cục Thống kê và rà soát của Bộ GD&ĐT có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ nhân quả: Tình trạng nhiều nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn và chưa được kiên cố hóa là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc có hàng triệu trẻ em không được tiếp cận các dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại trường học.

Đáng lưu ý, theo kết quả từ rà soát nêu trên của Bộ GD&ĐT thì "nhận thức của một số cơ sở giáo dục chưa cao, chỉ coi nhà vệ sinh là công trình phụ dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng không đáp ứng nhu cầu".

Dẫn các số liệu có từ 5 năm trước có thể không phản ánh đúng hoàn toàn thực tế hiện tại. Tuy nhiên, đây vẫn là những thống kê mới nhất từ các cơ quan quản lý và chuyên môn, bởi kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 vẫn chưa được Tổng cục Thống kê công bố. Và Bộ GD&ĐT chưa tiến hành các đợt rà soát mới.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta lạc quan về sự thay đổi theo hướng tích cực của hiện trạng nhà vệ sinh trường học trong những năm gần đây, thì những phát hiện thực tế trong quá trình tôi tham gia thực hiện các dự án liên quan đến nâng cấp cơ sở vật chất trường học cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại.

Khảo sát địa bàn để làm dự án, chúng tôi được các địa phương giới thiệu các điểm trường có nhà vệ sinh nhưng đã lâu không được sử dụng. Hỏi ra thì được biết có một số lý do dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh bỏ không như sau:

Học sinh sử dụng nhà vệ sinh không đúng cách nên bệ xí/bồn cầu bị tắc, vỡ, vòi nước hỏng. Bồn chứa nước hoặc dây dẫn nước từ nguồn về cho nhà vệ sinh sử dụng lâu ngày bị hỏng. Cửa nhà vệ sinh bị hỏng khóa, hoặc cửa vốn không có khóa, người dân xung quanh tự do vào sử dụng nhà vệ sinh không đúng cách nên bị tắc và hỏng hóc thiết bị.

Địa phương và các trường đề xuất chúng tôi hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các nhà vệ sinh này. Trớ trêu thay, có trường sau vài tháng được hỗ trợ đã lại liên hệ với chúng tôi xin hỗ trợ thêm kinh phí để thay vòi nước vì học sinh nghịch làm hỏng!

Một câu chuyện khác. Khi chúng tôi bàn thảo với Sở GD&ĐT của một tỉnh miền núi để hỗ trợ địa phương xây dựng thêm một dãy nhà lớp học 3 tầng với 9 phòng cho một trường dân tộc nội trú thì cơ quan này không đề cập đến việc phải có nhà vệ sinh đi kèm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề bắt buộc phải có nhà vệ sinh thì chuyên viên của sở đưa ra phương án nhà vệ sinh phải đặt ở xa dãy phòng học để tránh mùi… khai, theo quy hoạch chung về không gian kiến trúc của trường. Chúng tôi phải viện dẫn Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất cơ sở giáo dục, Quyết định 878/QĐ-BGDĐT năm 2021 của Bộ GD&ĐT về thiết kế mẫu nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục và các tài liệu liên quan thì mới thuyết phục được vị chuyên viên đưa nhà vệ sinh vào dãy phòng học mới trong thiết kế.

Nhưng chúng tôi mất khá nhiều thời gian để tiếp tục thuyết phục chuyên viên của sở đặt nhà vệ sinh ở cả tầng một và tầng hai thay vì chỉ ở tầng một của dãy phòng học (đúng ra, phải có nhà vệ sinh ở cả ba tầng để học sinh có thể tiếp cận một cách dễ dàng mà không bị cản trở bởi khoảng cách hoặc thời tiết).

Một cựu bộ trưởng Bộ Y tế đã từng nói đại ý: nhà vệ sinh bệnh viện nào bẩn chứng tỏ người đứng đầu bệnh viện, trưởng khoa ở đó ở bẩn. So sánh nhà vệ sinh bệnh viện và giám đốc bệnh viện với nhà vệ sinh trường học và hiệu trưởng trường học có vẻ hơi khiếm nhã và có thể làm các thầy cô hiệu trưởng tự ái.

Nhưng, rõ ràng là các vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh trường học nói riêng, và vệ sinh - sức khỏe học đường nói chung, có liên quan đến vài trò quản lý của người hiệu trưởng, và các giáo viên ở trường.

Đây cũng là điều mà một số nhà tài trợ và tổ chức xã hội làm về phát triển cộng đồng đang hướng đến khi triển khai các chương trình - dự án liên quan đến nhà vệ sinh trường học và vệ sinh học đường. Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào việc xây mới hoặc sửa chữa nhà vệ sinh đơn thuần thì còn tập trung vào việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người hiệu trưởng, các thầy cô giáo và các em học sinh về vệ sinh và nhà vệ sinh.

Các buổi lễ khởi công và khánh thành không chỉ đơn thuần mang tính lễ nghi như trước mà đã được biến thành các ngày hội vệ sinh - sức khỏe học đường bằng nhiều hoạt động khác nhau để giúp các thầy cô giáo và các em học sinh được cùng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về các chủ đề liên quan: từ rửa tay và giữ gìn vệ sinh cá nhân đến sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh đúng cách cũng như giữ gìn không gian - môi trường tại trường học sạch sẽ.

Nhà vệ sinh sạch, trường học sẽ sạch - 2

Nhà vệ sinh của trường THCS Newton5 (Ảnh minh họa: Trung Kiên).

Các biển hướng dẫn rửa tay, bảng nội quy và hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh được lắp đặt. Nước rửa tay và dung dịch vệ sinh bồn cầu cũng được cung cấp đầy đủ cho từng nhà vệ sinh. Hàng trăm, hàng nghìn nhà vệ sinh như vậy đang được các đơn vị hỗ trợ xây dựng theo cam kết lên đến hàng chục năm.

Nếu đây là một cách làm mới mang tính toàn diện trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh trường học thì rất cần được các cơ quan quản lý và các bên liên quan nhân rộng trong những năm tiếp theo. Chỉ có như vậy thì mới hạn chế được tình trạng nhà vệ sinh bỏ không trong khi học sinh phải ra bờ ra bụi để đi vệ sinh, và hạn chế được tình trạng lãng phí nguồn lực cho việc sửa chữa, duy tu nhà vệ sinh bị hỏng hóc do sử dụng không đúng cách.

Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì vẫn cần có vai trò chủ động trong công tác quản lý cơ sở vật chất và giáo dục học sinh của người hiệu trưởng và thầy cô giáo ở mỗi trường học. Khi các hiệu trưởng và thầy cô giáo thay đổi nhận thức và hành động thì nhà vệ sinh sẽ sạch và trường học sẽ sạch!

Nguyễn Minh Hoàng