Nhà thơ tố cáo bị cưỡng hiếp 23 năm trước: Thời hiệu giải quyết vụ án?

Hải Hà

(Dân trí) - Vụ việc một nữ nhà thơ đăng tải lên facebook cá nhân câu chuyện mình bị cưỡng hiếp từ năm 1999 và quyết định làm đơn tố cáo, đang khiến mạng xã hội "nổi sóng" những ngày qua.

Rất nhiều ý kiến ủng hộ nạn nhân, cho rằng dù đã 23 năm trôi qua cũng không thể im lặng mà phải đưa bằng được kẻ có hành vi sai phạm ra ánh sáng.

Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nạn nhân lên tiếng thời điểm này cho dù có chứng cứ thì cũng đã hết thời hiệu giải quyết một vụ án hình sự. Cũng có người cho rằng các chứng cứ mà nạn nhân đưa ra rất khó để cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự vụ án và thắc mắc: nếu không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của người bị tố cáo, thì người tố cáo có bị xử lý về tội vu khống người khác không? 

Về thời hiệu giải quyết vụ án

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị đã đưa ra một số lý giải dưới góc độ pháp lý về vụ việc. Trong đó, Luật sư Lực khẳng định rằng, để khởi tố trách nhiệm hình sự vụ việc này là vô cùng khó và gần như không thể làm được bởi những lý do sau:

Theo quy định của Hiến pháp: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm."

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân đều có thể bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Nhà thơ tố cáo bị cưỡng hiếp 23 năm trước: Thời hiệu giải quyết vụ án? - 1

Hiếp dâm được quy định là tội đặc biệt nghiêm trọng, theo điều 27 Luật Hình sự thì thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm từ khi xảy ra hành vi phạm tội, nếu xác định được đó là hành vi phạm tội và người đó không bị truy nã.

Trong đó hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục bị coi là tội phạm và bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy từng dấu hiệu cụ thể của tội phạm như hành vi, tuổi của người bị hại, tuổi của người thực hiện hành vi,... tội phạm xâm hại tình dục được chia thành các tội danh khác nhau quy định trong Bộ luật Hình sự tại Điều 141 (Tội Hiếp dâm), Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi).

Theo điều 27 BLHS 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

Hiếp dâm được quy định là tội đặc biệt nghiêm trọng, theo điều 27 Luật Hình sự thì thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm từ khi xảy ra hành vi phạm tội, nếu xác định được đó là hành vi phạm tội và người đó không bị truy nã. Ở vụ việc này, nạn nhân cho rằng xảy ra từ năm 1999, cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua là quá thời hiệu giải quyết.

Về chứng cứ của vụ việc

Trong một vụ án hình sự, chứng cứ có vai trò vô cùng quan trọng để xác định một người có phạm tội hay không. Việc nhận thức đúng về giá trị của chứng cứ là cơ sở lý luận, định hướng chính xác cho quá trình kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ.

Thông thường, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thường để lại các dấu vết bất thường được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chứng cứ được xác định bằng vật chứng, lời khai, kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra,…

Nhà thơ tố cáo bị cưỡng hiếp 23 năm trước: Thời hiệu giải quyết vụ án? - 2

Nếu những căn cứ vật chất không có hoặc đã mất đi thì chỉ lời khai là không đủ để buộc tội người bị tố cáo (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, không phải mọi tài liệu, vật chứng, lời khai,… đều là chứng cứ. Để trở thành chứng cứ trong một vụ án hình sự, nó phải đảm bảo 3 thuộc tính nhất định: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Căn cứ vào Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Điều 64. Chứng cứ:

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

 Chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Theo đó, quyền tố cáo, khởi kiện là của công dân. Tuy nhiên để cơ quan chức năng tiếp nhận giải quyết thì nạn nhân phải có căn cứ nhất định về hành vi phạm tội hiếp dâm, khi đó mới có thể thụ lý để giải quyết vụ án.

Trong vụ việc này, nạn nhân mới chỉ đưa ra bằng chứng là bản tường trình với nhân chứng ký tên, luật sư Lực cho biết, những lời khai chỉ là căn cứ một chiều. Những căn cứ vật chất sẽ là cơ sở để cơ quan thẩm quyền xác định xem có hành vi xâm hại tình dục hay không. Nếu những căn cứ vật chất không có hoặc đã mất đi thì chỉ lời khai là không đủ để buộc tội người bị tố cáo.

"Ngay cả khi có kết luận rằng những lời tố cáo đó là có thật, và người bị tố cáo có hành vi phạm tội thì cũng không thể xử lý hình sự họ được mà chỉ bằng các biện pháp khác", Luật sư Lực khẳng định.

Tố cáo thiếu chứng cứ, có bị mắc tội vu khống?

Dư luận thắc mắc, trường hợp nếu không đủ chứng cứ chứng minh hành vi hiếp dâm của người bị tố cáo, thì người tố cáo có bị xử lý không?

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho biết, tố cáo hành vi trái pháp luật là quyền của mỗi công dân.

Trong trường hợp cố tình bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu hình sự về Tội vu khống. Cũng cần nhấn mạnh rằng, căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, người có hành vi vu khống chỉ bị khởi tố hình sự khi có yêu cầu của người bị vu khống. Vì vậy, nếu không có yêu cầu khởi tố của người bị hại, người vu khống sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:

Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định trên, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo, đi đổi với quyền thì người tố cáo cũng có nghĩa vụ:

- Cung cấp thông tin cá nhân;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Đồng thời, khoản 10 Điều 8 luật này cũng nghiêm cấm cá nhân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

Hành vi vu khống bị xử lý như thế nào?

Như đã phân tích, khi tố cáo hành vi vi phạm của người khác, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những gì mình đã tố cáo bằng việc trình bày trung thực về nội dung tố cáo, đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm được tố cáo chỉ được pháp luật công nhận và xử lý khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh vi phạm. Vì vậy, nếu tố cáo thiếu chứng cứ và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật, hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống.

Theo điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức phạt tù lên đến 07 năm. Cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.